1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

"Vũ khí thần kỳ" của phương Tây giúp Ukraine đảo chiều chiến sự?

Thành Đạt

(Dân trí) - Các chuyên gia cho rằng việc xe tăng Challenger 2 của Ukraine bị phá hủy là một bằng chứng nữa cho thấy "vũ khí thần kỳ" của phương Tây sẽ khó giành chiến thắng trong cuộc xung đột.

Vũ khí thần kỳ của phương Tây giúp Ukraine đảo chiều chiến sự? - 1

Xe tăng Challenger 2 do Anh chế tạo (Ảnh: Bộ Quốc phòng Ukraine).

Bộ trưởng Quốc phòng Anh Grant Shapps tuần này xác nhận, một trong 14 xe tăng Challenger 2 do Anh chuyển giao cho Ukraine đã bị phá hủy sau khi quân đội Ukraine công bố đoạn video cho thấy phương tiện này bốc cháy gần Rabotino trên mặt trận Zaporozhye.

Đây là đầu tiên Challenger 2 bị phá hủy sau gần 30 năm mẫu xe này được đưa vào sử dụng. Ông Shapps tuyên bố có 6 binh sĩ Ukraine điều khiển xe tăng và tất cả họ đều sống sót khi nó bị tấn công. Theo ông, điều này "là một minh chứng tuyệt vời cho vũ khí của Anh" liên quan tới khả năng bảo vệ quân nhân.

Nhà phân tích Brian Berletic, cựu lính thủy đánh bộ Mỹ, nói với Sputnik rằng đây là lần đầu tiên xe tăng chiến đấu chủ lực (MBT) của Anh được thử nghiệm trong chiến đấu chống lại một đối thủ ngang tầm.

"Huyền thoại về sự bất khả chiến bại của Challenger 2 đã được Bộ Quốc phòng Anh xây dựng bằng cách triển khai nó một cách cẩn trọng trong các cuộc xung đột nơi xe tăng này thực sự không gặp nhiều nguy hiểm", ông Berletic nhận định.

"Vì trên thực tế, 2 xe tăng Challenger 2 đã bị hư hại nghiêm trọng ở Iraq. Lớp giáp bị xuyên thủng. Có người bị thương, bị thương nặng. Và thông tin này đã được che đậy. Nhưng mãi sau này mới được tiết lộ trên các phương tiện truyền thông", ông Berletic nói thêm.

Trước đó, Guardian đưa tin, trong gần 30 năm qua, chỉ có một xe tăng Challenger 2 bị bắn trúng năm 2003 ở Iraq, nhưng chiếc xe tăng đó đã bị phá hủy trong một vụ đồng đội bắn nhầm, chứ không phải do đối phương tấn công.

Trang web của quân đội Anh giới thiệu, Challenger 2 đã được sử dụng trong "các hoạt động chiến sự ở Bosnia và Herzegovina, Kosovo và Iraq, và chưa bao giờ chịu tổn thất trước đối thủ".

Theo giới quan sát, việc Challenger 2 gặp ít tổn thất trong hàng chục năm qua có một số yếu tố tác động, bao gồm số lượng xe tăng được sản xuất tương đối ít và chúng không được triển khai thường xuyên.

"Bây giờ chúng ta đang có xe tăng Challenger 2 ở Ukraine. Phương tiện này đang chiến đấu với lực lượng Nga, vốn được trang bị tốt hơn và vũ trang tốt hơn so với quân nổi dậy hoặc chiến đấu với quân đội Anh ở Iraq. Điều này hoàn toàn có thể đoán trước được", nhà phân tích Berletic cho biết.

Chuyên gia này cho rằng, bất chấp sự cường điệu của giới truyền thông, "các xe tăng chiến đấu chủ lực của phương Tây sẽ không tạo ra sự khác biệt". Ông Berletic cho rằng, chúng "rất dễ bị tổn thương" và sẽ "dễ dàng bị đốt cháy như tất cả xe tăng khác mà Ukraine từng triển khai khi bắt đầu xung đột".

Một số lượng nhỏ phương tiện mà phương Tây cam kết chuyển giao cho chính quyền Kiev, bao gồm 85 xe tăng Leopard 2 MBT của Đức, 30 hoặc 40 xe tăng hạng nhẹ AMX-10RC của Pháp và 31 xe tăng MBT M1 Abrams của Mỹ, vẫn chưa đến được chiến trường. Theo các chuyên gia, điều này cho thấy NATO không thể thực hiện được mục tiêu cam kết trang bị vũ khí cho Ukraine cho đến khi xung đột kết thúc.

"Điều đó nói lên sự tuyệt vọng của phương Tây và chính sách đối ngoại của họ liên quan đến cuộc chiến ủy nhiệm mà họ đang tiến hành chống lại Nga và Ukraine. Họ chỉ gửi 14 xe tăng Challenger 2. Vì vậy, ngay cả khi đó là một vũ khí kỳ diệu, thì chỉ có 14 xe tăng có thể làm được gì trên chiến trường? Hóa ra chúng không phải là vũ khí kỳ diệu", chuyên gia Berletic nhận định.

Theo Sputnik