1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Vũ khí "làm mù" tên lửa đối thủ trên siêu tăng T-14 Armata của Nga

Đức Hoàng

(Dân trí) - Nga giới thiệu một hệ thống phòng thủ mới cho siêu tăng uy lực T-14 Armata với khả năng "làm mù" các tên lửa có độ chính xác cao của đối thủ.

Vũ khí làm mù tên lửa đối thủ trên siêu tăng T-14 Armata của Nga - 1

Xe tăng T-14 Armata (Ảnh: RT).

Trong tháng 10, Nga đã giới thiệu hệ thống đạn bảo vệ 3VD35 cho xe tăng chiến đấu T-14 Armata của nước này. Theo Russia Beyond, cơ chế hoạt động của loại vũ khí này là bắn ra đạn khí dung bảo vệ nhằm "làm mù" các tên lửa có khả năng tấn công chính xác cao, như Javelin và AGM-114 Hellfire của Mỹ.

"Mục tiêu của 3VD35 là tạo ra một lớp màn khói nhằm che chắn các thiết bị vũ trang hạng nặng khỏi hệ thống vũ khí tấn công chính xác của đối thủ. Tuy nhiên, điều quan trọng hơn, khói từ đạn khí dung có thể tạo ra một lớp có khả năng chặn hệ thống định vị bằng laser được tích hợp trên đầu đạn tên lửa, khiến các tia này không thể xuyên qua. Đó là một cách hiệu quả để gia tăng năng lực phòng vệ của T-14", chuyên gia quân sự Ivan Konovalov giải thích.

Cơ chế của 3VD35 sẽ là, khi máy tính bên trong xe tăng phát hiện mối đe dọa đang tới gần, viên đạn sẽ được bắn ra theo hướng tấn công, và xịt ngay ra một lớp khí bảo vệ có khả năng vô hiệu và làm mù hệ thống dẫn đường bằng laser của tên lửa đối phương.

3VD35 sẽ được dùng để bảo vệ những lớp mỏng nhất trên vỏ thiết giáp của T-14 để đảm bảo xe tăng này có thể đứng vững như "pháo đài" khi tham gia thực chiến.

Vũ khí này mang tới khả năng phòng vệ hiệu quả trước tên lửa tấn công chính xác uy lực như Javelin hoặc Hellfire - các khí tài hiện đại có thể đe dọa ngay các xe tăng chiến đấu thế hệ mới trên chiến trường mà T-14 Armata của Nga cũng không phải ngoại lệ.

Ngoài lớp áo giáp khí dung đặc biệt này, chuyên gia Konovalov cho hay, T-14 sẽ được trang bị thêm các lớp bảo vệ ở các phần dễ có nguy cơ bị tấn công nhất như bánh xe và phần côn của Armata. Ví dụ, một hệ thống giáp đặc biệt sẽ có khả năng làm biến dạng lựu đạn chống tăng, khiến nó giảm mức độ ảnh hưởng tới động cơ và khả năng di chuyển của xe tăng trong thực chiến.

Xe tăng Armata T-14 do công ty cơ khí Uralvagonzavod của Nga chế tạo. Nó chính thức được giới thiệu tới công chúng nhân dịp lễ duyệt binh Ngày Chiến thắng năm 2015. T-14 được trang bị động cơ diesel tăng áp A-85-3A với công suất 1.200 mã lực và có tốc độ tối đa 88,5 km/h. Xe tăng này được trang bị pháo nòng trơn 2A82-1M cỡ 125 mm có khả năng phóng tên lửa dẫn đường bằng laser 3UBK21 Sprinter có thể bay xa 12 km.

Sức mạnh "bất khả chiến bại" của siêu xe tăng Nga Armata T-14