1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

"Vũ khí bí mật" giúp Ukraine qua mặt lưới lửa phòng không dày đặc của Nga

Tùng Nguyễn

(Dân trí) - Các chuyên gia quân sự Nga cho rằng, Ukraine, với sự hỗ trợ của phương Tây, đã sở hữu một công cụ lợi hại nhằm qua mặt hệ thống phòng không Nga.

Vũ khí bí mật giúp Ukraine qua mặt lưới lửa phòng không dày đặc của Nga - 1
UAV Tupolev Tu-141 được cho là vũ khí mà Ukraine sử dụng để tấn công các căn cứ không quân Nga (Ảnh: Eurasian Times).

Vào đầu tháng 12/2022, các vụ nổ lớn đã xảy ra tại các căn cứ không quân Engels ở vùng Saratov và Dyagilyaevo ở vùng Ryazan của Nga. Những vụ nổ này đã làm chấn động giới chức quốc phòng Nga, do đây là các căn cứ quan trọng bậc nhất của Không quân Nga và là sân nhà của nhiều máy bay ném bom chiến lược hiện đại của lực lượng này.

Bộ Quốc phòng Nga sau đó cáo buộc quân đội Ukraine đã sử dụng máy bay không người lái (UAV) Tu-141 Strizh để thực hiện các vụ tấn công cảm tử trên. Tuy nhiên, theo chuyên trang quân sự Rybar của Nga, UAV Tu-141 không thể một mình tấn công 2 căn cứ quân sự nằm sâu bên trong lãnh thổ Nga.

Để thực hiện những vụ tập kích hồi đầu tháng 12, quân đội Ukraine đã sử dụng một "vũ khí" đặc biệt, đó là sơ đồ hệ thống phòng không dọc biên giới của Nga. Nằm cách sân bay biên giới Nga - Ukraine lần lượt 600km và 860km, các căn cứ Dyagilyaevo và Engels được bảo vệ một mạng lưới phòng không dày đặc.

Tuy nhiên, sơ đồ bố trí của hệ thống phòng không Nga có thể đã bị quân đội Ukraine nắm được nhờ sự hỗ trợ của các đồng minh phương Tây.

Theo đó, trong những tháng cuối năm 2022, các máy bay cảnh báo sớm và chỉ thị mục tiêu như EC-135, RC-135, E-3 hay UAV RQ-4B Global Hawk thường xuyên xuất hiện tại các vùng trời xung quanh không phận Nga và bán đảo Crimea. Những máy bay này được cho là đã thu được tín hiệu từ các đài radar phòng không của Moscow, qua đó cung cấp cho quân đội Ukraine cái nhìn tổng thể về địa điểm bố trí của các chốt phòng không dọc biên giới với Nga.

Vũ khí bí mật giúp Ukraine qua mặt lưới lửa phòng không dày đặc của Nga - 2
UAV giám sát và cảnh báo sớm RQ-4 Global Hawk của Mỹ (Ảnh: Wikipedia).

Bên cạnh đó, các điệp viên của Ukraine cũng được tung vào cuộc nhằm kiểm tra và đánh dấu vị trí chính xác các tổ hợp phòng không của Nga tại khu vực xung quanh 2 căn cứ không quân Dyagilyaevo và Engels. Thông tin này sau đó được truyền về cho sở chỉ huy tại Ukraine thông qua hệ thống liên lạc thời gian thực kết nối với vệ tinh Starlink.

Tất cả thông tin trên sau đó đã được tổng hợp và phân tích, qua đó tìm ra đường bay phù hợp nhất cho các UAV Tu-141 nhằm giúp loại máy bay không người lái này bay đến mục tiêu mà vẫn tránh được hỏa lực phòng không của quân đội Nga.

Về phần UAV Tu-141 Strizh, đây là máy bay không người lái được phát triển và chế tạo bởi Viện thiết kế Tupolev, Liên Xô từ những năm 70 của thế kỷ trước. Chuyến bay đầu tiên của Tu-141 Strizh được thực hiện vào năm 1974 và chính thức được đưa vào biên chế trong quân đội Liên Xô từ năm 1979.

Ban đầu, UAV này được thiết kế với nhiệm vụ do thám và trinh sát các hoạt động của đối phương. Tuy nhiên, vào năm 2014, quân đội Ukraine đã giới thiệu một phiên bản mới của loại máy bay không người lái này với khả năng mang theo đầu đạn nặng tới 150kg để tấn công các mục tiêu của đối phương.

Với chiều dài 14,33m, sải cánh 3,88m và chiều cao 2,44m, Tu-141có trọng lượng cất cánh có tải lên tới 6 tấn. Được trang bị động cơ Tumansky KR-17A, UAV này có thể đạt vận tốc tối đa lên tới 1.100km/h, tầm bay 1.000km và trần bay 6.000m.

Theo Eurasiantimes
Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine