Vụ cướp tiết lộ "thiết bị tối mật" tại đại sứ quán Triều Tiên ở Tây Ban Nha
(Dân trí) - Những kẻ đột nhập trong vụ tấn công xảy ra tại đại sứ quán Triều Tiên ở Tây Ban Nha hồi tháng 2 có thể đã đánh cắp máy tính được dùng để giải mã các thông điệp bí mật của chính quyền Bình Nhưỡng.
Tòa án tối cao Tây Ban Nha ngày 26/3 thông báo “Adrian Hong Chang”, công dân mang quốc tịch Mexico sống ở Mỹ, là đối tượng cầm đầu một nhóm gồm 10 người đột nhập vào đại sứ quán Triều Tiên tại thủ đô Madrid, Tây Ban Nha hôm 22/2.
Theo cáo buộc của tòa, nhóm do Hong dẫn đầu đã mang theo vũ khí đột nhập vào đại sứ quán Triều Tiên. Chúng tấn công các nhân viên bên trong đại sứ quán trước khi lấy đi máy tính, ổ cứng, USB và điện thoại di động.
Thae Yong-ho, cựu phó đại sứ Triều Tiên tại Anh, cho rằng nhóm đột nhập có thể đã đánh cắp một loại thiết bị có tầm quan trọng “sống còn” đối với Bình Nhưỡng, đó là máy tính chuyển mã. Thiết bị này cho phép chính quyền Triều Tiên giữ liên lạc với các cơ sở ngoại giao và điệp viên ở nước ngoài.
Trong bài viết trên trang web cá nhân, Thae Yong-ho, một người Triều Tiên đào tẩu cùng gia đình vào năm 2016, cho biết đối với Bình Nhưỡng, máy tính chuyển mã “được coi là quan trọng hơn cả mạng người”.
“Cả thế giới đều đưa tin về vụ tấn công nhằm vào đại sứ quán Triều Tiên tại Madrid, nhưng Triều Tiên vẫn giữ im lặng về vụ việc này trong suốt một tháng. Tôi tin rằng đó là do những kẻ đột nhập đã đánh cắp “máy tính chuyển mã”, một thiết bị bí mật trong đại sứ quán”, ông Thae nói.
“Trong một đại sứ quán của Triều Tiên, máy tính chuyển mã được coi là rất quan trọng và được dùng để giải mã điện tín giữa Bình Nhưỡng và đại sứ quán ở nước ngoài”, ông Thae cho biết thêm.
Cánh cửa dẫn vào đại sứ quán Triều Tiên tại Tây Ban Nha (Ảnh: Yonhap)
Tất cả các đại sứ quán ở nước ngoài đều sử dụng các văn bản và tin nhắn được mã hóa để liên lạc với chính phủ trong nước, tuy nhiên Triều Tiên sử dụng loại mật mã riêng của nước này và ngay cả các cơ quan tình báo phương Tây cũng không thể giải mã được, theo ông Thae.
Từng là nhà ngoại giao làm việc cho đại sứ quán Triều Tiên ở London, ông Thae cho biết kiểu mật mã của Triều Tiên được soạn dựa trên các trang sách và từ ngữ trong những cuốn tiểu thuyết được chọn lọc từ trước. Chỉ người gửi và người nhận mới có thể hiểu được những mật mã này. Do vậy, tình báo phương Tây cũng phải “bó tay” với mật mã của Triều Tiên.
Tuy nhiên, nếu chương trình chứa chìa khóa giải mã lọt vào tay những nhà phân tích, họ có thể dễ dàng đọc được các thông điệp của Triều Tiên. Theo Thae Yong-ho, nếu Cục điều tra liên bang Mỹ (FBI) có trong tay máy tính chứa chương trình chuyển mã của Triều Tiên, đây sẽ là một đòn giáng mạnh mẽ với Bình Nhưỡng.
Trong trường hợp mật mã bị lộ, Triều Tiên sẽ phải thay thế toàn bộ phương thức liên lạc. Điều này khiến chính quyền Triều Tiên và các đại sứ quán Triều Tiên ở nước ngoài không thể gửi thông tin bằng mật mã trong một khoảng thời gian nhất định.
Ông Thae cho rằng việc Triều Tiên bị mất máy tính chuyển mã tại đại sứ quán ở Tây Ban Nha có thể là lý do khiến Bình Nhưỡng triệu tập các đại sứ từ Trung Quốc, Nga và Liên Hợp Quốc về nước tuần trước. Các đại sứ này có thể tập trung tại Bình Nhưỡng để cùng thảo luận về chiến lược đàm phán mới với Mỹ trong bối cảnh họ không thể trao đổi các thông tin mật bằng mật mã như trước đây.
Diễn biến vụ đột nhập
Adrian Hong Chang (Ảnh: SCMP)
Theo các nguồn tin từ cơ quan điều tra Tây Ban Nha, vụ đột nhập vào đại sứ quán Triều Tiên tại Madrid được chuẩn bị kỹ lưỡng. Thậm chí đèn đường ở khu vực gần đại sứ quán cũng chỉ được mở ở mức thấp vào ngày xảy ra vụ việc. Các hệ thống an ninh xung quanh đại sứ quán đều bị vô hiệu hóa.
Vào lúc 16h34 chiều 22/2, Hong Chang đã gọi điện đến đại sứ quán Triều Tiên và đề nghị gặp tùy viên thương mại Yun Sok So. Đây cũng là nhà ngoại giao có chức sắc duy nhất tại đại sứ quán Triều Tiên ở Tây Ban Nha.
Hong Chang và Yun Sok So từng gặp nhau 2 tuần trước đó. Hong đóng giả là một doanh nhân quan tâm tới các cơ hội làm ăn tại Triều Tiên.
Trong lúc đứng ở ngoài hiên để chờ tùy viên thương mại ra gặp, Hong Chang đã dẫn theo 9 người đi vào trong đại sứ quán. Với các vũ khí như dao, thanh sắt và súng giả, nhóm đột nhập bắt đầu tấn công dữ dội các nhân viên của đại sứ quán cho tới khi khống chế được họ. Chúng sử dụng cả còng tay và dây cáp để trói và bịt miệng các nạn nhân.
Trong lúc những nhóm đột nhập xông vào đại sứ quán, một phụ nữ Triều Tiên đã nhảy ra khỏi tầng 1 của tòa nhà và kêu cứu. Một người đi đường đã nhìn thấy cảnh tượng này và báo tin cho cảnh sát.
Phát hiện có hiện tượng lạ, hai cảnh sát tuần tra đã nhấn chuông cửa của đại sứ quán. Hong Chang sau đó ra mở cửa. Người đàn ông này cẩn thận khoác thêm áo có gắn huy hiệu in hình nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un và tự nhận mình là nhân viên cấp cao của đại sứ quán. Hong nói với cảnh sát rằng mọi chuyện bên trong đại sứ quán vẫn bình thường.
Sau hơn 60 phút ở bên trong đại sứ quán, những kẻ đột nhập đã đưa tùy viên thương mại Yun Sok So xuống tầng hầm và thuyết phục ông này bỏ trốn. Sau khi cự tuyệt đề nghị của nhóm đột nhập, ông Yun tiếp tục bị đánh và những đối tượng tấn công đã lấy túi đen trùm lên đầu ông.
Thông tin từ tòa án cho biết sau khi đánh cắp các vật dụng, nhóm đột nhập đã rời khỏi đại sứ quán trên những chiếc xe hạng sang. Chúng chia thành 4 nhóm nhỏ hơn và di chuyển tới Lisbon. Tại Lisbon, các đối tượng này đáp chuyến bay tới New Jersey, Mỹ.
Hong Chang được cho là thủ lĩnh của Nhóm Dân phòng Cheollima, một tổ chức bất đồng chính kiến bí mật có âm mưu lật đổ chính quyền Triều Tiên. Nhóm này hôm qua đã lên tiếng nhận trách nhiệm vụ tấn công tại đại sứ quán Triều Tiên ở Tây Ban Nha.
Tài liệu của tòa Tây Ban Nha cho biết 5 ngày sau vụ đột nhập, Hong Chang đã liên lạc với FBI nhằm cung cấp các thông tin về vụ việc xảy ra tại đại sứ quán Triều Tiên.
Thành Đạt
Theo Korea Herald