1. Dòng sự kiện:
  2. Xung đột leo thang tại Trung Đông
  3. Ukraine tấn công tỉnh Kursk
  4. Xung đột leo thang ở Trung Đông

Nghi phạm cầm đầu vụ tấn công đại sứ quán Triều Tiên tại Tây Ban Nha

(Dân trí) - Người đàn ông bị Tây Ban Nha cáo buộc “đạo diễn” vụ đột nhập liều lĩnh vào đại sứ quán Triều Tiên ở Madrid là nhà hoạt động nhân quyền sống ở Mỹ và từng bị Trung Quốc bắt giữ khi giúp đỡ một nhóm người đào tẩu Triều Tiên.

Nghi phạm cầm đầu vụ tấn công đại sứ quán Triều Tiên tại Tây Ban Nha  - 1

Adrian Hong (Ảnh: SCMP)

Adrian Hong, nhà sáng lập tổ chức Tự do tại Triều Tiên (LiNK), một tổ chức phi lợi nhuận giúp đỡ người Triều Tiên bỏ trốn, đã bị bắt giữ cùng 6 người đào tẩu khi đang tìm cách tị nạn tại lãnh sự quán Mỹ ở thành phố Thẩm Dương, Trung Quốc hồi năm 2006.

Sau vài ngày giam giữ, các nhà chức trách Trung Quốc đã trục xuất Hong và hai đồng nghiệp về Mỹ. Trong khi đó, những người Triều Tiên bị giữ lại tại Thẩm Dương trong nhiều tháng trước khi được cho phép tái định cư tại Hàn Quốc.

Theo xác nhận của LiNK, Adrian Hong, người đang giữ vị trí giám đốc quản lý của hãng tư vấn Pegasus Strategies, không còn liên quan tới LiNK trong hơn 10 năm qua.

“Chúng tôi không biết về những hoạt động gần đây của anh ấy. Chúng tôi cũng không biết thông tin nào về vụ đột nhập tại đại sứ quán ở Madrid ngoài những gì được đăng tải trên truyền thông”, giám đốc điều hành LiNK Hannah Song cho biết.

Tòa án tối cao Tây Ban Nha ngày 26/3 thông báo “Adrian Hong Chang”, một người mang quốc tịch Mexico sống ở Mỹ, là đối tượng cầm đầu một nhóm gồm 10 người đột nhập vào đại sứ quán Triều Tiên tại Madrid hôm 22/2. Cáo buộc của tòa cho biết nhóm này đã trói tay và bịt miệng các nhân viên trong đại sứ quán trước khi lấy đi các đồ đạc.

Tòa án Tây Ban Nha cũng xác định danh tính một công dân Hàn Quốc tên Woo Ram Lee và một công dân Mỹ tên Sam Ryu tham gia vào vụ đột nhập này.

Theo hai nguồn tin xác nhận với Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng và một bài viết trên NK News, trang tin chuyên theo dõi về Triều Tiên, Adrian Hong, nhà sáng lập tổ chức Tự do tại Triều Tiên (LiNK), và “Adrian Hong Chang” trong cáo buộc của tòa án Tây Ban Nha là cùng một người.

Nhóm Dân phòng Cheollima, một tổ chức bất đồng chính kiến bí mật có âm mưu lật đổ chính quyền Triều Tiên, hôm nay đã lên tiếng nhận trách nhiệm vụ đột nhập đại sứ quán Triều Tiên tại Madrid. Tuy nhiên, Cheollima không đề cập tới tên của Hong hay bất kỳ cá nhân nào có liên quan tới vụ việc này.

Dân phòng Cheollima là nhóm từng đưa gia đình ông Kim Jong-nam, anh trai cùng cha khác mẹ với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un, rời khỏi Macau sau khi xảy ra vụ sát hại công dân Triều Tiên được cho là ông Kim Jong-nam tại sân bay Kuala Lumpur, Malaysia vào đầu năm 2017.

Trong một thông báo trên website, Cheollima, hay còn gọi với tên Free Joseon, phủ nhận việc sử dụng vũ lực và cáo buộc các nguồn tin của chính phủ Mỹ đã “bội tín” vì rò rỉ thông tin về nhóm này cho truyền thông, sau khi Cheollima chia sẻ các thông tin nhạy cảm mà nhóm này có được từ vụ đột nhập đại sứ quán Triều Tiên cho Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI).

“Chúng tôi sẽ không làm việc đó nếu biết trước những rủi ro mà chúng tôi phải gánh chịu”, Cheollima nói, đề cập tới việc tiết lộ thông tin mật cho FBI.

“Tự do luôn phải trả bằng máu của gia đình và đồng nghiệp”, thông báo của Cheollima cho biết.

Quan điểm bất mãn với Triều Tiên

Nghi phạm cầm đầu vụ tấn công đại sứ quán Triều Tiên tại Tây Ban Nha  - 2

Một nhà báo Hàn Quốc xuất hiện tại đại sứ quán Triều Tiên ở Madrid, Tây Ban Nha (Ảnh: Reuters)

 

Các cộng sự và những tuyên bố công khai của Hong cho thấy đây là một nhà hoạt động ủng hộ mạnh mẽ việc lật đổ chính quyền Triều Tiên. Một nhà hoạt động tại Washington từng gặp Hong vài lần mô tả người đàn ông này là một nhân vật bất mãn với cố lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-il cũng như những cáo buộc vi phạm nhân quyền của Bình Nhưỡng.

Alex Gladstein, nhân viên chiến lược tại tổ chức Human Rights Foundation, cho biết ông rất sốc khi biết Hong bị cáo buộc có liên quan tới vụ đột nhập vào đại sứ quán Triều Tiên.

“Theo cảm nhận của tôi, anh ấy là một người giàu lòng nhân ái và luôn mong muốn giúp đỡ người dân Triều Tiên”, Gladstein nói.

Năm 2015, Hong thành lập Viện Joseon. Theo thông tin trên website, Viện Joseon mô tả sứ mệnh của mình là “kiểm soát quá trình chuyển giao và chuẩn bị cho một tương lai tươi sáng hơn tại một đất nước Triều Tiên mới”.

Các nhà chức trách Tây Ban Nha đã phát hai lệnh bắt giữ quốc tế liên quan tới vụ đột nhập đại sứ quán Triều Tiên, một trong số đó dành cho Hong. Theo tài liệu do tòa án Tây Ban Nha cung cấp, nhóm đột nhập bị cáo buộc với hàng loạt tội danh như trộm cắp, tấn công, giả mạo giấy tờ, dọa nạt.

Thẩm phán Jose de la Mata, người công bố các thông tin về vụ việc, hôm qua cho biết trước khi vụ đột nhập xảy ra, Hong đã liên lạc với một số người trong đại sứ quán và đây là những người “có khuynh hướng đào tẩu”.

Tòa án Tây Ban Nha cho biết Hong đã tới gặp tùy viên thương mại So Yun-sok của đại sứ quán Triều Tiên vài tuần trước vụ đột nhập. Hong đóng giả là một doanh nhân có văn phòng đại diện tại Các Tiểu vương quốc Ả rập Thống nhất, Canada và “doanh nhân” này muốn đầu tư vào Triều Tiên.

Theo tài liệu của tòa, nhóm do Hong dẫn đầu đã mang theo dao, súng giả và thanh sắt tấn công nhân viên ở đại sứ quán Triều Tiên trước khi lấy đi máy tính, ổ cứng, USB và điện thoại di động. Tòa cũng cho biết nhóm đột nhập đã cố gắng thuyết phục tùy viên thương mại So Yun-sok bỏ trốn nhưng ông này không đồng ý.

Theo Thae Yong-ho, cựu phó đại sứ Triều Tiên tại Anh, các máy tính bên trong đại sứ quán Triều Tiên đóng vai trò rất quan trọng vì chúng có khả năng giải mã điện tín giữa chính quyền Bình Nhưỡng với các cơ sở ngoại giao ở nước ngoài. Triều Tiên được cho là sử dụng mật mã dựa trên các trang và chữ cái bên trong những cuốn tiểu thuyết đặc biệt mà chỉ người gửi và người nhận hiểu được. Mục đích của việc làm này là nhằm giữ bí mật các thông tin, khiến giới tình báo nước ngoài không thể giải mã.

Thành Đạt

Theo SCMP

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm