Vụ ám sát hụt nêu bật cuộc khủng hoảng trứng tại Nga
(Dân trí) - Vụ ám sát nhắm vào một chủ trang trại lớn ở Nga làm nổi bật khủng hoảng giá trứng tăng cao, trong khi quốc gia này cố gắng tung hứng các mục tiêu kinh tế giữa chiến sự.
Một ngày cuối năm 2023, Gennady Shiryaev, 59 tuổi, chủ trang trại gia cầm Tretykov có quy mô lớn nhất vùng phía tây Voronezh của Nga, đang lái xe về nhà thì bị một người lạ mặt phục kích. Đối phương bắn 2 phát súng nhưng Shiryaev không trúng đạn.
Cảnh sát chưa công bố động cơ vụ ám sát, nhưng kênh Telegram của Mash đưa tin sự việc do "những người dân địa phương bất mãn với mức tăng giá sản phẩm" của ông Shiryaev. Hai ngày trước đó, nhân vật này cùng 2 nhà sản xuất trứng khác bị nhà chức trách mở cuộc điều tra vì hành vi tăng giá trứng.
Nguyên nhân trứng tăng giá là sự hội tụ của nhiều yếu tố mà Wall Street Journal cho là đặc trưng nền kinh tế Nga lúc này.
Cụ thể, lệnh trừng phạt của phương Tây đã làm xáo trộn chuỗi cung ứng các thiết bị nông nghiệp trước đây thường đến từ châu Âu, tạo ra tác động tiêu cực đến ngành chăn nuôi gia cầm Nga.
Đồng rúp yếu cũng khiến việc nhập khẩu thức ăn chăn nuôi và các sản phẩm thú y trở nên đắt đỏ hơn, trong khi tình trạng thiếu hụt lao động khiến một số nhà cung cấp không có đủ người làm nông. Trong khi đó, chi tiêu chính phủ bùng nổ làm tăng lương, thúc đẩy nhu cầu về thực phẩm và các hàng hóa khác.
Tất cả điều đó khiến cú sốc trứng là biểu hiện của sự mất cân bằng đang hình thành trong nền kinh tế thời chiến của Nga, theo Wall Street Journal.
Trong những tháng gần đây, người Nga từ Belgorod đến Siberia đều xếp hàng dài để mua trứng khi mặt hàng thực phẩm thiết yếu này rơi vào tình trạng thiếu hụt và tăng giá. Tổng thống Vladimir Putin đã công khai xin lỗi vì giá trứng tăng cao.
Giá trứng đã tăng khoảng 60% trong tháng 12/2023 so với cùng kỳ năm trước, theo dữ liệu được công bố hôm 12/1. Cuộc khủng hoảng trứng cho thấy Nga đang nỗ lực cân bằng các nhu cầu kinh tế xung đột nhau như đầu tư cho chiến sự, xoa dịu tâm lý người dân và giữ cho nền kinh tế cân bằng, trong đó có việc ổn định giá.
Trước kỳ nghỉ lễ đầu năm mới, khách hàng đã phải xếp hàng dài chờ mua trứng. Một số siêu thị ở Siberia và bán đảo Crimea mà Nga sáp nhập từ Ukraine vào năm 2014 bán trứng theo quả, với giá khoảng 12 ruble/quả. Một lãnh đạo địa phương thậm chí dùng trứng làm quà cho cấp dưới nhân dịp nghỉ lễ.
Mạng xã hội Telegram nhanh chóng tràn ngập hàng trăm bài đăng của những người lo ngại trước tình trạng thiếu trứng, trao đổi mẹo mua trứng giá rẻ hoặc đơn giản là trêu đùa.
"Mọi người cứ nói bitcoin, bitcoin, nhưng tôi đã nói là bạn cần đầu tư vào trứng", một người dùng khác viết.
Sau khi ông Putin thừa nhận chính phủ có lỗi khi không kịp thời nhập khẩu đủ trứng, nhà chức trách đã hành động. Nga đã tăng cường đơn đặt hàng trứng từ Thổ Nhĩ Kỳ, Belarus và Azerbaijan, đồng thời xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với sản phẩm này.
Nhà chức trách cũng điều tra chống độc quyền đối với các nhà sản xuất trứng và thịt gà, bao gồm trang trại gia cầm Tretykovskaya của ông Shiryaev, người được mệnh danh "Vua Trứng".
Một yếu tố có thể khó khắc phục là tình trạng thiếu vắc-xin sau khi các lệnh trừng phạt của phương Tây làm phức tạp thêm việc nhập khẩu sản phẩm này.
"Không có gì để tiêm phòng nên gia cầm bị bệnh", một bác sĩ thú y ở St. Petersburg cho biết. "Gia cầm khá mỏng manh và vì chúng bị nhốt theo bầy nên khi một con bị bệnh, gần như tất cả đều bị".
Theo Tatiana Orlova, chuyên gia kinh tế hàng đầu về thị trường mới nổi tại Oxford Economics, trứng là một phần tương đối nhỏ trong giỏ hàng tiêu dùng nhưng người dân thường dễ nhận biết khi giá trứng tăng mạnh.
Các chuyên gia dự đoán, lạm phát trứng sẽ sớm ổn định nhưng giá cả vẫn ở mức cao. Diễn biến ở những quốc gia khác, bao gồm cả Mỹ, cho thấy rằng sau khi giá tăng mạnh, tâm lý người tiêu dùng vẫn tiếp tục bị tác động rất lâu sau khi lạm phát ổn định.