1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Cuộc sống những người phương Tây ở Nga giữa khủng hoảng Ukraine

Thanh Thành

(Dân trí) - Nhiều người nước ngoài sống tại Moscow cho rằng người Nga không có xu hướng lo lắng vì chiến sự tại Ukraine vì họ là một nước lớn và từng trải qua các cuộc khủng hoảng trong lịch sử.

Cuộc sống những người phương Tây ở Nga giữa khủng hoảng Ukraine - 1

Một con phố gần Quảng trường Đỏ ở Moscow hôm 25/2 (Ảnh: NYT).

Euronews đưa tin, một tháng trước, Mark, một giáo viên người Anh ở Moscow, đang lên kế hoạch cho kỳ nghỉ với những người bạn xa xứ. Nhưng rồi vài ngày sau, Tổng thống Nga Vladimir Putin bất ngờ mở chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine và mọi thứ đã thay đổi.

Mark cho biết, hầu hết những người bạn nước ngoài của anh, gồm cả những người mà cùng anh lên kế hoạch du lịch, hiện đã rời đi. 

"Tôi đã nói chuyện với những người đã ở đây nhiều năm, có gia đình và đã trải qua rất nhiều điều, nhưng cuộc khủng hoảng ở Ukraine là quá lớn", Mark, người đã chuyển đến Nga vào cuối năm 2019, cho biết.

"Ngay cả khi ở đó là cảm giác được bảo đảm an ninh, họ vẫn lo ngại những rủi ro phải gánh chịu liên quan đến chiến sự", Mark nói thêm.

Theo Euronews, cuộc sống hàng ngày ở thủ đô của Nga hầu như vẫn diễn ra bình thường. Các trường học ở Moscow vẫn mở cửa, hệ thống tàu điện ngầm vẫn hoạt động và mọi người vẫn đi làm.

Sebastien, một công dân Đức ở Moscow lâu năm và hiện làm việc tại một công ty kế toán cho biết: "Không người Nga nào có thể tưởng tượng được có ai lại tấn công nước Nga. Về mặt an ninh, tôi không nghĩ họ có bất kỳ nỗi sợ hãi thực sự nào".

Tuy nhiên, Mark cho hay mọi người đang lo lắng về khả năng chính phủ áp dụng các biện pháp mạnh, có thể sẽ liên quan đến việc đóng cửa biên giới Nga.

Đến từ Armagh ở Bắc Ireland, Hugh McEnaney đã sống với vợ người Nga ở Moscow từ năm 2007, nơi anh điều hành một cơ sở dạy và huấn luyện tiếng Anh.

"Nhà của tôi, công việc kinh doanh và cuộc sống của tôi ở đây, tôi không muốn con mình phải sống trong vali và ăn đồ ăn khách sạn ở Thổ Nhĩ Kỳ", Hugh nói. "Nhưng nếu có tình trạng thiết quân luật, tôi sẽ rời đi rất nhanh", anh nhấn mạnh.

Và còn đó là mối lo bùng nổ biểu tình phản đối chiến sự, với nguy cơ gây bạo loạn.

Sau chiến dịch quân sự của Nga, EU đã áp đặt các biện pháp trừng phạt khắc nghiệt nhằm vào Moscow và cấm một số ngân hàng Nga sử dụng SWIFT, hệ thống các giao dịch ngân hàng quốc tế.

Hiện đồng rúp của Nga đã mất 1/3 giá trị kể từ khi chiến sự bùng nổ. Trong khi đó, thẻ ngân hàng nước ngoài và các nền tảng thanh toán như Apple Pay và Google Pay không còn có thể được sử dụng ở Nga.

"Đầu tiên, ngân hàng trung ương nói rằng mọi người không thể rút USD, rồi sau đó họ nói rằng không thể mua USD nếu không chấp nhận mức chiết khấu khủng và sau đó là các hạn chế đối với việc rút tiền bằng đồng rúp", Sebastien nói.

Khi Mark nhận thấy rằng thẻ ngân hàng tại Anh của mình không còn hoạt động ở Moscow, anh đã rút hầu hết số tiền rúp từ tài khoản ngân hàng ở Nga.

Nhiều người bạn của anh đã không kịp làm như vậy và không thể rút tiền mặt do các giới hạn do ngân hàng trung ương Nga đưa ra. "Mọi người đều đối mặt với một tình huống nào đó do ảnh hưởng của chiến sự".

 Một số siêu thị đã giới hạn về số lượng mặt hàng mà một người mua có thể mua. Sebastien nói: "Bạn không thể mua 100 gói đường hay 25 gói mì ống. Họ đang cố gắng ngăn chặn tình trạng ghim hàng nâng giá".

"Giá ở các cửa hàng đang tăng lên gần như hàng ngày. Ngay cả các mặt hàng chủ lực như khoai tây, cà rốt, bắp cải, thịt… đều tăng. Tôi muốn mua một bếp ga và nó đã cao hơn 40% trong vòng vài ngày", anh cho biết thêm.

Theo Sebastien, chính phủ Nga sẽ nhanh chóng tăng lương cho người dân, lương hưu, các khoản thanh toán an sinh xã hội và các khoản khác vì người dân sống dựa vào chúng. "Người hưu trí trung bình nhận được 10.000 rúp không thể thực sự tồn tại được nếu giá tiếp tục tăng như vậy", anh cho biết.

Sebastien nói, có nhiều doanh nghiệp sẽ đóng cửa đơn giản vì họ không thể mua được hàng mới, lượng nhập khẩu sẽ giảm đáng kể và một số cửa hàng sẽ phải đóng cửa.

Sau chính sách trừng phạt mà các nước phương Tây áp đặt lên Nga, các doanh nghiệp quốc tế trên tất cả các ngành công nghiệp đã quyết định cắt đứt liên kết với Nga bao gồm Apple, BP, Ikea, General Motors và McDonald's.

Việc đóng cửa này đã làm tổn thương những người Nga trẻ tuổi, có học thức như Ksenia, người từng làm việc tại một công ty dịch vụ chuyên nghiệp của Anh có chi nhánh Moscow. "Một nhiếp ảnh gia vừa chụp bức ảnh tác phẩm mới của tôi, và sau đó một tuần tôi được thông báo là văn phòng đóng cửa", cô buồn bã nói.

Tuy nhiên, Sebastien lưu ý rằng rõ ràng, chiến tranh có thể thay đổi rất nhiều điều, nhưng việc McDonald's đóng cửa không thực sự thay đổi nhiều về cuộc sống của một người dân bình thường.

Còn anh Hugh cho rằng, người Nga rất ủng hộ Tổng thống Putin và những gì ông làm. "Tôi tưởng tượng bây giờ điều đó đã giảm đi một chút, nhưng những người cao tuổi ở đây rất kính trọng ông ấy", anh nói.

Trong khi đó, theo Sebastien, người Nga không có xu hướng lo lắng vì họ là một nước lớn.

"Họ sẽ thường nói: Chúng ta đã trải qua chiến tranh, chúng ta đã trải qua khủng hoảng, chúng ta đã trải qua nhiều vấn đề lớn và đây chỉ là một điều khác cần phải vượt qua. Người lãnh đạo sẽ quyết định, chúng tôi sẽ xem nó đi đến đâu, và chúng tôi sẽ vượt qua", Sebastien nói.

Theo Euronews