Vòng xoáy bạo lực mới ở Syria
Nghi án tấn công bằng vũ khí hóa học mới nhất đe dọa làm thay đổi những tính toán của ông chủ Nhà Trắng đối với Syria
Syria có nguy cơ rơi vào vòng xoáy bạo lực mới sau khi một căn cứ không quân nước này trúng tên lửa hôm 9-4 giữa lúc cộng đồng quốc tế phản ứng mạnh cáo buộc về vụ tấn công bằng vũ khí hóa học mới nhất.
Israel ra tay?
Theo truyền thông nhà nước Syria, vụ không kích nhằm vào căn cứ quân sự T4 ở tỉnh Homs, gây ra một số thương vong nhưng không cho biết con số cụ thể. Trong khi đó, Tổ chức Giám sát Nhân quyền Syria (SOHR, trụ sở ở Anh) nói có 14 người thiệt mạng, trong đó có cả người Iran. Theo SOHR, các lực lượng của Nga, Iran và phong trào Hezbollah được cho là đang có mặt tại căn cứ bị tấn công.
Trong lúc Mỹ và Pháp phủ nhận sự liên quan, Nga và Syria cáo buộc Israel đứng sau vụ tấn công. Theo Bộ Quốc phòng Nga, 2 chiến đấu cơ F-15 của Israel phóng tổng cộng 8 tên lửa về phía căn cứ T4 từ không phận Lebanon, trong đó 5 tên lửa bị hệ thống phòng không Syria phá hủy. Chính phủ Israel từ chối bình luận thông tin này. Hồi tháng 2 qua, quân đội Israel từng tấn công căn cứ T4 sau khi cáo buộc lực lượng Iran tại đó điều khiển máy bay không người lái xâm nhập lãnh thổ của mình.
Việc Syria ban đầu nghi ngờ Mỹ đứng sau vụ không kích không có gì lạ bởi nó diễn ra không lâu sau khi Tổng thống Donald Trump cảnh báo chế độ ông Assad và các đồng minh Nga, Iran sẽ phải trả giá đắt.
Ông Trump có phản ứng mạnh như thế trước thông tin về vụ tấn công bằng vũ khí hóa học ở TP Douma ở Đông Ghouta, khiến ít nhất 40 người thiệt mạng và hàng trăm người bị thương hôm 7-4. Ngược lại, Damascus và Moscow cáo buộc phiến quân ở Douma dựng lên vụ tấn công nhằm lôi kéo sự can dự của cộng đồng quốc tế vào tình hình Syria, từ đó làm chậm bước tiến của chính quyền ông Assad.
Điều đáng nói là nghi án nói trên - chưa được kiểm chứng độc lập - xảy ra đúng 1 năm sau khi quân đội Mỹ phóng 59 tên lửa hành trình Tomahawk nhằm vào căn cứ không quân Shayrat của Syria để đáp trả vụ tấn công vũ khí hóa học tại thị trấn Khan Sheikhoun 3 ngày trước đó (hôm 4-4-2017). Damascus cũng bị quy trách nhiệm cho vụ này nhưng bác bỏ.
Sự việc cũng diễn ra chưa đầy 1 tuần sau khi ông Trump bày tỏ mong muốn rút quân khỏi Syria càng sớm càng tốt theo chính sách "nước Mỹ trên hết", dẫn đến chỉ trích từ Thượng nghị sĩ John McCain rằng chính ông chủ Nhà Trắng đã "khuyến khích ông Assad ra lệnh tiến hành vụ tấn công".
Thiếu chiến lược rõ ràng
Tờ The New York Times nhận định vụ việc mới nhất này đe dọa làm thay đổi những tính toán của nhà lãnh đạo Mỹ đối với Syria, thậm chí có thể lôi kéo ông lún sâu hơn vào một cuộc chiến chưa rõ hồi kết. Cố vấn về an ninh nội địa và chống khủng bố của Nhà Trắng, ông Thomas P. Bossert, cho biết Washington đang thảo luận những biện pháp trả đũa và loại trừ bất kỳ hành động nào.
Theo đài CNN, Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ có thể đề xuất tấn công tên lửa, bổ sung lực lượng đến Syria hoặc chuyển nhiệm vụ của khoảng 2.000 binh sĩ đang hiện diện tại quốc gia Trung Đông này sang đối phó với việc sử dụng vũ khí hóa học. Nỗi lo ở đây là bất kỳ hành động quân sự nào của Mỹ tại Syria cũng có thể dẫn đến đối đầu trực diện với lực lượng Nga.
Mặt khác, trả đũa quân sự không có nghĩa là chính quyền ông Trump đang có một chiến lược nghiêm túc và rõ ràng để giải quyết khủng hoảng Syria. Theo một số chuyên gia, việc rút quân Mỹ khỏi Syria quá sớm có thể tác động tiêu cực đến tình hình khu vực và những nơi khác, từ đó khiến ông Trump đối mặt chỉ trích trong và ngoài nước.
Những đồng minh của Washington tại khu vực, như Israel, Ả Rập Saudi… cho rằng lực lượng Mỹ vẫn cần thiết để làm đối trọng với Nga và Iran. Ngoài ra, sự rút quân có thể mở đường cho tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng quay lại Syria, khiến công sức lâu nay có nguy cơ "đổ sông đổ biển".
Nhiều tướng lĩnh hàng đầu Mỹ cũng ủng hộ tiếp tục duy trì lực lượng ở Syria. Tướng Joseph Votel, Tư lệnh Bộ Chỉ huy Trung ương Mỹ, cho rằng họ nên bình ổn những khu vực giành lại từ IS, đưa người tị nạn trở về nhà và giúp đỡ việc tái thiết.
Theo Hoàng Phương
Người lao động