Việt Nam, Thụy Điển hợp tác phát triển bền vững
(Dân trí) - Thông qua chuỗi sự kiện "Tiên phong đột phá", Thụy Điển mong muốn thúc đẩy, tạo điều kiện để Việt Nam - Thụy Điển hợp tác, sáng tạo, cùng hướng đến phát triển bền vững, thịnh vượng.
Chiều 2/11, tại Hà Nội, Đại học Kinh tế Quốc dân phối hợp với Đại sứ quán Thụy Điển và Hội đồng Thương mại và Đầu tư Thụy Điển (Business Sweden) tổ chức chương trình "Tiên phong đột phá" để bàn về việc đổi mới sáng tạo, mở ra cơ hội phát triển bền vững song phương.
Các chủ đề trọng tâm của chương trình bao gồm năng lượng bền vững, sản xuất bền vững, tiêu dùng và sử dụng nguyên phụ liệu bền vững cũng như tầm quan trọng của một nền kinh tế tuần hoàn.
Phát biểu tại sự kiện, Đại sứ Thụy Điển Ann Mawe cho biết, chương trình "Tiên phong đột phá" nhằm nêu ra kinh nghiệm của Thụy Điển trong việc thúc đẩy chuyển đổi bền vững thông qua các giải pháp bền vững và sáng tạo, chia sẻ kiến thức và kinh nghiệm thực tế từ quan điểm kinh doanh dựa trên phát triển bền vững và đổi mới sáng tạo.
Chương trình cũng tạo điều kiện thảo luận về bền vững trong các lĩnh vực như giao thông vận tải, sản xuất năng lượng, công nghiệp nặng, kinh tế sinh học, số hóa.
"Tiên phong đột phá" nhằm kích thích tư duy đổi mới, khơi dậy sự tò mò và thông minh của các bạn trẻ Việt Nam trong việc đưa ra các ý tưởng và giải pháp tạo ra sự thay đổi thực sự cho người dân và đóng góp vào sự phát triển bền vững ở Việt Nam. Ngoài ra, chương trình cũng khuyến khích các bạn trẻ thực hành lối sống bền vững có trách nhiệm
Thông qua chương trình, các diễn giả, trong đó có đại diện của các doanh nghiệp lớn của Thụy Điển có mặt tại Việt Nam đã chia sẻ những bài học kinh nghiệm cùng các giải pháp xanh để phát triển bền vững, nhằm mang lại lợi ích cho Việt Nam và quan hệ đối tác Việt Nam -Thụy Điển.
Cũng trong khuôn khổ sự kiện, triển lãm "Tiên phong đột phá" phác thảo chiến lược ứng phó với khí hậu đầy tham vọng của Thụy Điển để trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới không phụ thuộc năng lượng hóa thạch vào năm 2045 thông qua các chương trình cụ thể. Với vai trò đầu tàu của các công ty Thụy Điển đang tiên phong thúc đẩy những thay đổi tích cực.
Thụy Điển hiện có hơn 70 công ty lớn nhỏ, hoạt động trong nhiều lĩnh vực đa dạng như công nghệ thông tin và viễn thông, sản xuất và dịch vụ, đóng gói, thiết bị công nghiệp, chăm sóc sức khỏe và hàng tiêu dùng tại Việt Nam. Nhiều trong số các công ty này đã có mặt tại Việt Nam hơn 2 thập niên, đang từng bước chuyển giao chuyên môn, công nghệ và kinh nghiệm của Thụy Điển cho các đối tác Việt Nam, không chỉ phục vụ tăng trưởng kinh tế mà còn góp phần đẩy nhanh quá trình chuyển đổi xanh, bền vững ở Việt Nam.
Những năm gần đây, Việt Nam đã cho thấy những tiến bộ ấn tượng trong việc hướng tới một hành tinh xanh hơn. Tại COP26 năm ngoái, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã đưa ra cam kết Việt Nam hướng tới mục tiêu trở thành quốc gia không phát thải ròng vào năm 2050.
Cùng với đó, kế hoạch thực hiện mới thúc đẩy thực hiện các cam kết COP26 của Việt Nam - "Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu đến năm 2050" đã được phê duyệt. Kế hoạch thực hiện mới này, ngay trước thềm COP27, cho thấy sự cam kết và mục tiêu cụ thể của Chính phủ Việt Nam triển khai lộ trình chặt chẽ để theo đuổi các mục tiêu hành động.