1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Việt Nam: không thể chỉ dựa vào nhân công giá rẻ

(Dân trí) - Thay vì đổ xô tới Trung Quốc, giờ đây các doanh nghiệp Nhật Bản đang đua nhau tới Việt Nam tìm kiếm cơ hội làm ăn. Tờ Japan Times của Nhật đã có bài viết về vấn đề này.

Việt Nam là một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất của thế giới, được thúc đẩy bởi sự bùng nổ đầu tư nước ngoài trong thời gian gần đây. Chính vì vậy, các công ty Nhật đang đua nhau tới Việt Nam với những nguồn đầu tư khổng lồ.

 

Doanh nghiệp Nhật lựa chọn Việt Nam bởi 2 lý do: 1, Thị trường Trung Quốc đang bị chính sách một con hạn chế. 2, Việt Nam đang bắt đầu nổi lên như một đối thủ đáng gờm của 4 quốc gia có ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế toàn cầu gồm Brazil, Nga, Ấn Độ và Trung Quốc - gọi tắt là nhóm BRICs.

 

Trên thực tế, Việt Nam đã gia nhập WTO vào tháng 1/2007 và đạt được những bước tăng trưởng kinh tế ấn tượng trong vài năm trở lại đây. Năm 2005, kinh tế của Việt Nam đã tăng trưởng 8,4% và 8,2% trong năm 2006. Năm 2007, kinh tế Việt Nam dự đoán sẽ đạt mức tăng trưởng 8,3%.

 

Dòng đầu tư trước tiếp nước ngoài khổng lồ đang trở thành động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế nhanh chóng của Việt Nam. Việt Nam đã thu hút 9,22 tỉ USD vốn đầu tư từ các doanh nghiệp nước ngoài trong năm 2006, gấp 2 lần so với số liệu vào năm trước.

 

Các nguồn đầu tư mới từ Nhật Bản đã lên tới 1,06 tỉ USD trong năm 2006, gấp 2 lần so với năm trước và gấp 6,5 lần so với năm 2001. Việt Nam cũng đã tự do hoá thương mại và có chính sách cởi mở với nguồn đầu tư nước ngoài trước khi gia nhập WTO.

 

Rất nhiều công ty Nhật giờ đây đang bắt đầu chuyển việc sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam do Trung Quốc bị hạn chế bởi chính sách 1 con và việc chuyển dịch này cũng nhằm đa dạng hoá nguồn đầu tư và giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc.

 

Khuynh khướng chuyển dịch đặc biệt gia tăng kể từ khi các cuộc biểu tình chống Nhật tại Trung Quốc lên cao vào năm 2005. Ngược lại, Việt Nam được coi là quốc gia có nền chính trị và xã hội ổn định, ít căng thẳng sắc tộc, tôn giáo.

 

Vị trí địa lý giáp Trung Quốc và nằm trong khối ASEAN cũng khiến Việt Nam trở thành địa điểm hấp dẫn do việc xuất khẩu sang các thị trường này rất thuận tiện.

 

Tuy nhiên, nhân tố quan trọng nhất giúp Việt Nam thu hút các nhà đầu tư nước ngoài chính là chi phí nhân công thấp. Ông Kenjiro Ishiwata, giám đốc Tổ chức Ngoại thương Nhật Bản (JETRO) văn phòng tại Hà Nội, nói: “Giá nhân công rẻ là điều kiện hấp dẫn nhất khiến các doanh nghiệp Nhật Bản chọn Việt Nam là điểm đầu tư”.

 

Một cuộc khảo sát được JETRO thực hiện vào tháng 11/2006 cho thấy, lương trung bình tháng cho một nhân công bình thường chỉ trong khoảng 87-198 USD tại Hà Nội và 122-216 USD tại TPHCM. Con số này thấp hơn khá nhiều so với lương trung bình 164 USD tại Thái Lan và 134-446 USD tại Quảng Đông. Thêm vào đó, các công ty Nhật cũng ưa thích lực lượng lao động trẻ dồi dào và có chất lượng tại Việt Nam.

 

Shunsuke Saito, giám đốc công ty phân phối Logitem Việt Nam, một chi nhánh của tập đoàn Logistic Nhật Bản, cho biết: “Giống như nhiều công ty Nhật Bản vẫn nhận định, lực lượng lao động Việt Nam rất siêng năng và khéo léo”. Logistic hiện đã mở rộng qui mô hoạt động tại Việt Nam từ năm 1994.

 

Ngoài Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh là 2 trung tâm thu hút các công ty nước ngoài, miền Trung đang trở thành địa điểm hấp dẫn đầu tư trong vài năm gần đây. Nhà sản xuất motor điện loại nhỏ Mabuchi Motor Co là một trong những công ty nằm trong số này. Tháng 9/2006, Mabuchi đã chọn Đà Nẵng là địa điểm để đặt nhà máy thứ 2, sau nhà máy đầu tiên tại TPHCM đã đi vào hoạt động được 10 năm.

 

Takashi Kamei - Chủ tịch Mabuchi tại Đà Nẵng, nói: “Chúng tôi tới đây vì thị trường tại khu vực miền nam đang thiếu lao động. Giá nhân công tại đó đang tăng lên trong khi mức giá tại đây rẻ hơn 10%”. Mabuchi hiện đang có 500 nhân công tại Đà Nẵng, hầu hết họ đều trong độ tuổi dưới 22.

 

Ông Kamei cho biết, ban đầu Trung Quốc là địa điểm sản xuất quan trọng của Mabuchi nhưng công ty đang mở rộng hoạt động tại Việt Nam do giá nhân công rẻ hơn và nhằm tăng mạng lưới bán hàng bên ngoài Trung Quốc”.

 

Trong khi Việt Nam vẫn được coi là địa điểm sản xuất thì nhà kinh tế Takashi Kadokura, chủ tịch Viện nghiên cứu BRICs cho biết, Việt Nam đang bắt đầu trở thành thị trường với hàng nghìn các khách hàng tiềm năng. Kadokura nói: “Dân số đang tăng và kinh tế phát triển sẽ kéo theo số lượng người thuộc tầng lớn thu nhập trung lưu cũng gia tăng”.

 

Cũng theo ông Kadokura, thị trường tiềm năng cho các sản phẩm giá cao như ô tô, tủ lạnh, máy giặt hiện rất lớn bởi mới chỉ 15% dân số Việt Nam có các sản phẩm này. Dân số Việt Nam hiện đạt mức 85 triệu người, với một nửa là dưới tuổi 25, sẽ tăng lên 88,3 triệu vào năm 2010.

 

Một ví dụ điển hình là việc Dai-ichi Mutual Life Insurance Co mua lại hãng bảo hiểm Bảo Minh CMG. Dai-ichi là hãng bảo hiểm đầu tiên của Nhật Bản gia nhập thị trường Việt Nam vào tháng 1 vừa qua.

 

Thị trường bảo hiểm Nhật Bản đang khựng lại do dân số già và tỉ lệ tăng dân số giảm. Vì lý do đó, Dai-ichi Life đã vào thị trường Việt Nam nơi dân số tăng với nền kinh tế phát triển nhanh và kết cấu dân số rất hấp dẫn.

 

Tuy nhiên, theo giám đốc JETRO Kenjiro Ishiwata, để duy trì mức tăng trưởng, Việt Nam cần giảm sự phụ thuộc vào nguồn đầu tư nước ngoài, phát triển cơ sở hạt tầng, đẩy mạnh sửa đổi công tác hành chính, nhổ tận gốc rễ nạn tham nhũng đang gây cản trở nền kinh tế đất nước.

 

Ngoài ra, ông Ishiwata cũng cho rằng Việt Nam cần phải tìm một điều gì khác ngoài thị trường lao động giá rẻ nhằm lôi cuốn các công ty nước ngoài, nếu muốn duy trì mức phát triển, bởi đến một lúc nào đó, giá nhân công cũng sẽ tăng cùng với giá hàng hoá.

 

V.T.H
Theo Japan Times