1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Việt Nam - EU bắt tay chống khai thác gỗ bất hợp pháp

(Dân trí) - Việt Nam và Liên minh châu Âu sắp phê chuẩn một hiệp định để giúp thúc đẩy quản trị rừng, giải quyết vấn đề khai thác gỗ bất hợp pháp và thúc đẩy xuất khẩu các sản phẩm gỗ hợp pháp từ Việt Nam sang EU và các thị trường khác.


(Từ trái sang phải) Thứ trưởng Hà Công Tuấn, Phó Chủ tịch Nghị viện châu Âu Heidi Hautala và Trưởng phái đoàn Liên minh châu Âu Bruno Angelet trong cuộc họp báo.

(Từ trái sang phải) Thứ trưởng Hà Công Tuấn, Phó Chủ tịch Nghị viện châu Âu Heidi Hautala và Trưởng phái đoàn Liên minh châu Âu Bruno Angelet trong cuộc họp báo.

Vào chiều ngày 7/1 tại Hà Nội, Thứ trưởng Thường trực Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Công Tuấn và Phó Chủ tịch Nghị viện châu Âu Heidi Hautala đã chủ trì cuộc họp báo để chia sẻ về việc Việt Nam và EU sắp phê chuẩn Hiệp định đối tác tự nguyện (VPA) về Thực thi luật lâm nghiệp, quản trị rừng và thương mại lâm sản (FLEGT).

VPA là một cam kết gắn liền với luật để đảm bảo việc thực thi quản trị và các biện pháp quy định nhằm giải quyết vấn đề khai thác gỗ lậu, đồng thời mang lại lòng tin và thương hiệu cũng như các lợi ích kinh tế, xã hội và môi trường.

Bà Heidi Hautala,hiện đang có chuyến thăm Việt Nam, cho VPA này là hiệp định thứ 2 mà EU ký với đối tác châu Á sau Indonesia và đây là một phần rất quan trọng trong chiến lược rộng lớn hơn của EU để thúc đẩy đa dạng sinh học và phát triển bền vững ở châu Á và để chống khai thác gỗ bất hợp pháp và thương mại liên kết.

Phó Chủ tịch Nghị viện châu Âu nhấn mạnh, VPA là một hiệp định rất quan trọng và việc thực thi đúng đắn hiệp định sẽ giúp hỗ trợ đàm phán Hiệp định Thương mại Tự do giữa EU và Việt Nam (EV-FTA).

Sau 6 năm đàm phán, VPA đã được EU và Việt Nam ký vào ngày 19/10/2018 tại Brussels, Bỉ. Trước khi VPA có hiệu lực, mỗi bên phải hoàn thành các thủ tục phê chuẩn. Ở phía EU, VPA cần phải nhận được sự đồng thuận của Nghị viện châu Âu trước khi được trình lên Hội đồng châu Âu để phê chuẩn. Từ phía Việt Nam, VPA là một hiệp ước quốc tế và sẽ được chính phủ phê chuẩn.

Khi VPA được thực hiện đầy đủ, tất cả gỗ và các sản phẩm từ gỗ xuất sang châu Âu từ Việt Nam sẽ có chứng chỉ FLEGT do Việt Nam cấp.

Thứ trưởng Thường trực Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Công Tuấn cho biết Hiệp định VPA sẽ góp phần ngăn chặn hiệu quả tình trạng khai thác gỗ bất hợp pháp, đồng thời thúc đẩy các sản phẩm gỗ của Việt Nam xuất khẩu sang EU một cách hợp pháp.

Ông Tuấn cho biết thêm, hiện Việt Nam xuất khẩu các sản phẩm gỗ sang 28 nước thành viên EU. Đây là thị trường lớn thứ 4 của Việt Nam, với các sản phẩm gỗ xuất khẩu sang EU chiếm 13-17% tổng kim ngạch xuất khẩu gỗ của Việt Nam.

“Việt Nam khẳng định nỗ lực và quyết tâm cao nhất của Chính phủ và các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu gỗ trong việc hoàn thành các cam kết được đưa ra trong VPA để nhằm phát triển một ngành công nghiệp chế biến gỗ sử dụng các nguyên liệu gỗ bền vững và hợp pháp”, ông nói.

An Bình

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm