1. Dòng sự kiện:
  2. Xung đột leo thang tại Trung Đông
  3. Ukraine tấn công tỉnh Kursk
  4. Xung đột leo thang ở Trung Đông

EU muốn nhân rộng dự án điện mặt trời nổi đầu tiên tại Việt Nam

(Dân trí) - Đại diện Phái đoàn Liên minh châu Âu (EU) tại Việt Nam đánh giá cao dự án điện mặt trời nổi đầu tiên của Việt Nam và hy vọng có thể hỗ trợ Việt Nam nhân rộng mô hình này trong khuôn khổ phát triển năng lượng bền vững trong tương lai.

Phái đoàn EU tham quan dự án điện mặt trời nổi đầu tiên tại Việt Nam


Trưởng ban Hợp tác Phát triển thuộc Phái đoàn Liên minh Châu Âu tại Việt Nam Koen Duchateau (trái) trả lời phỏng vấn báo chí. (Ảnh: Thành Đạt)

Trưởng ban Hợp tác Phát triển thuộc Phái đoàn Liên minh Châu Âu tại Việt Nam Koen Duchateau (trái) trả lời phỏng vấn báo chí. (Ảnh: Thành Đạt)

Vào chiều 17/12, Trưởng ban Hợp tác Phát triển thuộc Phái đoàn Liên minh Châu Âu tại Việt Nam Koen Duchateau cùng một số cán bộ thuộc phái đoàn đã tới thăm nhà máy điện mặt trời nổi đầu tiên và lớn nhất của Việt Nam tại hồ thủy điện Đa Mi thuộc địa bàn xã La Ngâu, huyện Tánh Linh và các xã Đa Mi, La Dạ, huyện Hàm Thuận Bắc, tỉnh Bình Thuận.

Chia sẻ với phóng viên Dân Trí về công trình nhà máy điện mặt trời nổi đầu tiên tại Việt Nam, ông Duchateau nói: “Đây là công nghệ rất thú vị vì chúng ta sử dụng năng lượng mặt trời. Chúng tôi ủng hộ phát triển năng lượng tái tạo tại Việt Nam. Việt Nam có rất nhiều đập thủy điện cũng như hồ và điều này phù hợp với việc phát triển điện mặt trời nổi”.

Theo Trưởng ban Hợp tác Phát triển thuộc Phái đoàn Liên minh Châu Âu, “một ưu điểm lớn của dự án điện mặt trời nổi là các tấm pin mặt trời được đặt ngay trên mặt hồ, do vậy không cần phải mua đất hay lấy đất của người nông dân để làm không gian thực hiện dự án mà có thể tận dụng chính tài nguyên nước trong khu vực”.


Ông Koen Duchateau cùng các cán bộ của phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam trực tiếp xem xét các tấm pin năng lượng mặt trời nhà máy điện mặt trời nổi Đa Mi. (Ảnh: Thành Đạt)

Ông Koen Duchateau cùng các cán bộ của phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam trực tiếp xem xét các tấm pin năng lượng mặt trời nhà máy điện mặt trời nổi Đa Mi. (Ảnh: Thành Đạt)

“Đây là dự án đầu tiên, đi tiên phong trong chương trình phát triển điện mặt trời nổi quy mô lớn tại Việt Nam. Chúng tôi nhận thấy công nghệ phát triển điện mặt trời nổi khá đơn giản với hệ thống phao nhựa, pin mặt trời để nổi. Chúng cũng dễ dàng trong việc lắp đặt và triển khai”, nhà ngoại giao EU cho biết thêm.

Nhận định về tính khả thi của nhà máy điện mặt trời nổi Đa Mi, ông Duchateau cho rằng ngay sau khi đi vào hoạt động, nhà máy “sẽ rất dễ dàng kết nối với hệ thống lưới điện quốc gia vì ở khu vực này đã có sẵn dự án thủy điện, theo đó rất dễ dàng để dự án điện mặt trời nổi Đa Mi hòa vào mạng lưới điện chính, từ đó tiết kiệm chi phí trang bị đường dây và trạm điện”.

Ông Duchateau nói rằng EU muốn theo dõi quá trình phát triển của nhà máy điện mặt trời Đa Mi trước khi hướng tới việc phát triển dự án tương tự tại Việt Nam bằng nguồn vốn của EU trong tương lai.


Cán bộ theo dõi dự án điện mặt trời Đa Mi kiểm tra các tấm pin năng lượng mặt trời. (Ảnh: Thành Đạt)

Cán bộ theo dõi dự án điện mặt trời Đa Mi kiểm tra các tấm pin năng lượng mặt trời. (Ảnh: Thành Đạt)

Liên minh châu Âu đang triển khai Chương trình Hỗ trợ Chính sách ngành năng lượng để thúc đẩy việc tiếp cận năng lượng bền vững ở vùng nông thôn Việt Nam. Mục đích của chương trình nhằm giúp Việt Nam đạt được mục tiêu về cung cấp điện tới các vùng nông thôn, miền núi và hải đảo trong giai đoạn 2014 - 2020. Khoản hỗ trợ viện trợ không hoàn lại của EU cho ngành năng lượng Việt Nam trong giai đoạn 2014 - 2020 dự kiến trị giá 346 triệu euro.

“Điện mặt trời nổi là công nghệ tiên phong được một số doanh nghiệp châu Âu thực hiện. Họ là những doanh nghiệp dẫn đầu thị trường về công nghệ điện mặt trời nổi và công nghệ này đang được nhân rộng tại châu Âu. Khi ngày càng nhiều người sử dụng công nghệ mới, giá điện càng giảm và các nhà đầu tư sẽ mong muốn đầu tư nhiều hơn”, ông Duchateau chia sẻ.

“Hiện tại chúng tôi muốn dành gói viện trợ tiếp theo để tập trung vào năng lượng tái tạo như mặt trời, gió và sinh khối (biomass). Tuy nhiên chúng tôi cũng muốn lưu ý đến việc sử dụng hiệu quả năng lượng, vì nếu chúng ta sản xuất ra nhiều điện nhưng không sử dụng một cách hiệu quả thì điều đó thực sự lãng phí”, ông Duchateau chia sẻ về dự định thúc đẩy năng lượng bền vững trong tương lai của EU tại Việt Nam.

“Chúng ta đang chứng kiến sự xuất hiện của một số dự án tiên phong trên quy mô lớn về năng lượng tái tạo tại Việt Nam. Từ nay cho tới năm 2019 và 2020, chúng ta sẽ tiếp tục chứng kiến nhiều dự án đầu tư tiềm năng nữa trong lĩnh vực năng lượng tái tạo tại Việt Nam”, Trưởng ban Hợp tác Phát triển thuộc Phái đoàn Liên minh Châu Âu nhấn mạnh.


Nhà máy Đa Mi là nhà máy điện mặt trời nổi đầu tiên và lớn nhất tại Việt Nam. (Ảnh: Thành Đạt)

Nhà máy Đa Mi là nhà máy điện mặt trời nổi đầu tiên và lớn nhất tại Việt Nam. (Ảnh: Thành Đạt)

Với tổng mức đầu tư gần 1.500 tỷ đồng, Công ty Thủy điện Đa Nhim - Hàm Thuận - Đa Mi đang triển khai dự án điện mặt trời nổi trên diện tích 57 ha hồ thuỷ điện Đa Mi với công suất 47,5 MWp. Ông Trần Đức Trọng, cán bộ Phòng Đầu tư xây dựng theo dõi dự án điện mặt trời Đa Mi, cho biết nhà máy dự kiến phát điện đợt đầu tiên vào tháng 1/2019 và đảm bảo phát toàn bộ 47,5 MWp vào trước ngày 30/6/2019.

Trả lời câu hỏi của phóng viên Dân Trí về lý do chọn hồ thủy điện Đa Mi để phát triển dự án điện mặt trời nổi, ông Trọng nói rằng tiêu chí lựa chọn hồ tùy thuộc vào nhiều điều kiện, song cần đảm bảo mực nước dao động thấp nhất. Đối với hồ thủy điện Đa Mi, mực nước gần như không dao động. Ngoài ra, hiện dự án mới chỉ triển khai trên 50ha trong tổng diện tích lòng hồ là 600ha, do vậy tiềm năng khai thác còn rất lớn.


Nhà máy điện mặt trời nổi Đa Mi dự kiến phát điện đợt đầu tiên vào tháng 1/2019. (Ảnh: Thành Đạt)

Nhà máy điện mặt trời nổi Đa Mi dự kiến phát điện đợt đầu tiên vào tháng 1/2019. (Ảnh: Thành Đạt)

Thành Đạt

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm