1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Vì sao Ukraine "lực bất tòng tâm" trước tiêm kích bom Su-34 Nga?

Thành Đạt

(Dân trí) - Mặc dù các căn cứ đặt máy bay ném bom Su-34 của Nga rất gần biên giới Ukraine, nhưng Kiev không thể tấn công các mục tiêu này.

Vì sao Ukraine lực bất tòng tâm trước tiêm kích bom Su-34 Nga? - 1

Tiêm kích bom Su-34 của không quân Nga (Ảnh: Sputnik).

Gần biên giới phía đông bắc Ukraine, một số máy bay ném bom chiến đấu Su-34 của Nga nằm lộ diện trên đường băng của một sân bay quân sự khi chờ lệnh thực hiện cuộc tấn công tiếp theo.

Căn cứ không quân Voronezh Malshevo là điểm cất cánh của các máy bay chiến đấu do Trung đoàn máy bay ném bom cận vệ số 47 của Không quân Nga vận hành.

Trung đoàn 47 thường xuyên tham gia các cuộc tấn công vào khu vực Kharkov ở Ukraine, đồng thời liên tục tiến hành các cuộc tấn công vào các vị trí ở Ukraine bằng cách sử dụng bom lượn có sức tàn phá cao.

Hình ảnh vệ tinh của căn cứ không quân Voronezh Malshevo cho thấy một nhóm tiêm kích Su-34, cùng với các máy bay và trực thăng khác, đang xếp hàng trên đường băng, dường như để chuẩn bị cất cánh.

Chỉ cách biên giới Ukraine 160km, căn cứ này có thể dễ dàng nằm trong tầm bắn của Hệ thống tên lửa chiến thuật lục quân (ATACMS) do Mỹ sản xuất và cấp cho Ukraine. Đây là hệ thống vũ khí có tầm bắn lên tới 300km.

Tuy nhiên, Mỹ đã cấm Ukraine tấn công lãnh thổ Nga bằng ATACMS. Kiev chỉ được phép tấn công các mục tiêu trong lãnh thổ có chủ quyền, bao gồm cả khu vực bị kiểm soát.

Ukraine trong tháng này đã tấn công cảng Sevastopol ở Crimea, bán đảo sáp nhập vào Nga năm 2014, bằng tên lửa ATACMS, khiến ít nhất 4 người thiệt mạng và hơn 150 người khác bị thương. Moscow đổ lỗi cho Mỹ về vụ tấn công và cảnh báo sẽ đáp trả.

Đây có thể sẽ là một sự thất vọng lớn đối với Kiev, khi Ukraine đã khởi động một chiến dịch nhằm đẩy lùi lực lượng không quân Nga và phá hủy các máy bay Su-34. Ukraine thường phải dựa vào các thiết bị như máy bay không người lái (UAV) để thực hiện các cuộc tấn công này, tuy nhiên UAV có thể bị các hệ thống điện tử ngăn chặn.

Đầu tháng này, lực lượng Ukraine đã phóng ít nhất 70 máy bay không người lái vào một căn cứ không quân ở khu vực Rostov của Nga, cách biên giới Ukraine khoảng 320km.

Trong cuộc tấn công, hình ảnh vệ tinh chụp một sân bay gần Morozovsk cũng cho thấy nhiều máy bay ném bom chiến đấu Su-34 xếp hàng ngoài trời.

Một kênh Telegram của Nga dẫn nguồn tin từ Bộ Tổng tham mưu Nga cho biết: "Hầu hết máy bay không người lái đã bị bắn hạ, một số bị hỏng. Chúng tôi có 6 người thiệt mạng, trong đó có 2 phi công quân sự. Và hơn 10 người bị thương".

Hiện chưa rõ mức độ thiệt hại do cuộc tấn công gây ra cho các máy bay quân sự.

Nga đã tăng cường sử dụng bom lượn cực mạnh khi cuộc chiến ở Ukraine đang tiếp diễn. Loại bom này được sản xuất bằng cách gắn cánh và hệ thống định vị vệ tinh vào những quả bom cũ thời Liên Xô.

Các máy bay chiến đấu của Nga như Su-34 sau đó có thể thả bom từ khoảng cách an toàn hơn, khiến Ukraine khó có thể chống lại các cuộc tấn công như vậy.

Đoạn video mới được chia sẻ trên các kênh Telegram của Nga vào tuần trước dường như ghi lại cảnh Moscow lần đầu tiên sử dụng quả bom lượn khổng lồ nặng 3.000kg trong quá trình tác chiến.

Forbes đưa tin quả bom FAB-3000 khổng lồ được Su-34 thả xuống.

"Việc các lực lượng Nga tìm ra cách phóng FAB-3000 là một bước phát triển đáng kể và sẽ làm tăng khả năng hủy diệt của các cuộc tấn công bằng bom lượn của Nga nhằm vào các lực lượng và cơ sở hạ tầng của Ukraine", Viện Nghiên cứu Chiến tranh (ISW) có trụ sở tại Mỹ nhận định.

Theo BI

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm