1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Vì sao Ukraine không đạt bứt phá trong phản công dù được phương Tây hỗ trợ?

Thành Đạt

(Dân trí) - Giới phân tích nhận định chiến dịch phản công của Ukraine không được như kỳ vọng dù Kiev nhận được sự hỗ trợ tích cực từ phương Tây.

Vì sao Ukraine không đạt bứt phá trong phản công dù được phương Tây hỗ trợ? - 1

Lực lượng Ukraine chiến đấu ở Donetsk (Ảnh: Reuters).

Financial Times (FT) ngày 15/9 dẫn lời các nhà phân tích quân sự phương Tây và binh sĩ Ukraine cho biết, lực lượng Ukraine chưa được Mỹ và các đồng minh châu Âu huấn luyện đầy đủ để đối mặt với chiến dịch phản công vào mùa hè nhằm đẩy lùi lực lượng Nga.

Theo FT, cho đến nay, quân đội Ukraine "chưa đạt được bước đột phá mang tính quyết định như mong muốn", đồng thời cho biết một số quan chức phương Tây tin rằng Kiev đã không tận dụng được các cơ hội từ các gói viện trợ quân sự khổng lồ của phương Tây mang lại vào thời điểm "có sự hỗ trợ chính trị cao nhất".

FT đưa tin, một số quan chức Mỹ phàn nàn rằng quân đội Ukraine "đã thất bại trong quá trình huấn luyện để thuần thục các hoạt động tác chiến hiện đại kết hợp bộ binh cơ giới, pháo binh và phòng không".

FT cũng cho biết, tổn thất của Ukraine ngay từ đầu cuộc phản công là "không bền vững", đồng thời nhận định tổn thất này lên tới "gần 1/5 số trang thiết bị mà NATO cung cấp cho cuộc phản công" chỉ tính riêng cuối tháng 5 và đầu tháng 6. Những tổn thất như vậy buộc Kiev phải thay đổi chiến thuật và quay trở lại "cách tiếp cận tiêu hao".

FT cho rằng, lực lượng Ukraine "không thể" tuân theo học thuyết của NATO về chiến tranh vũ trang kết hợp, bao gồm các hoạt động phối hợp của bộ binh, thiết giáp, pháo binh và phòng không, đồng thời cho biết quân đội Kiev vẫn gặp khó khăn trong việc tiến hành các chiến dịch "trên cấp đại đội (200 người) hoặc thậm chí trung đội (20-50 người)".

Theo các nhà phân tích được FT phỏng vấn, quá trình phương Tây huấn luyện quân đội Ukraine dường như diễn ra trong thời gian "quá ngắn" và cũng khó thích nghi với điều kiện chiến đấu thực tế mà binh sĩ Ukraine phải đối mặt khi chiến đấu với lực lượng Nga.

Một chỉ huy đơn vị Lực lượng Đặc nhiệm Ukraine từng nói rằng nếu làm theo "lời khuyên tồi" mà ông nhận được từ các huấn luyện viên phương Tây, ông sẽ "chết".

"Sự hiểu biết chưa đầy đủ về cách chiến đấu của quân đội Ukraine cũng như về môi trường tác chiến nói chung có thể dẫn đến những kỳ vọng sai lầm, những lời khuyên sai lầm và những chỉ trích không công bằng trong giới chức phương Tây", các nhà phân tích quân sự Michael Kofman và Rob Lee cho biết trong báo cáo được công bố vào đầu tháng 9.

Ngược lại, các quan chức Mỹ đã đặt câu hỏi về quyết định của Kiev trong việc huy động các binh sĩ giàu kinh nghiệm chiến đấu hơn để tham gia chiến dịch "phòng thủ vô ích" tại thành phố Bakhmut ở vùng Donbass, nơi đã bị lực lượng Nga kiểm soát từ tháng 5 sau trận chiến kéo dài nhiều tháng.

Các nhà phân tích cho biết, các lực lượng Nga tiếp tục "học hỏi từ đối phương" và điều chỉnh chiến thuật của họ. Ngoài ra, lực lượng Moscow vẫn có lợi thế trong cuộc chiến bằng máy bay không người lái, vì máy bay không người lái cảm tử Lancet-3 của Nga có khả năng tự động theo dõi mục tiêu và trở thành "mối đe dọa đặc biệt" mà Kiev được cho là không thể theo kịp.

Trong bối cảnh hiện tại, thành công của Ukraine sẽ là một cuộc chiến diễn ra với tốc độ chậm và Kiev sẽ tiếp tục phụ thuộc vào các đồng minh phương Tây trong việc "tăng cường sản xuất đạn dược và các thiết bị khác để duy trì một cuộc chiến tiêu hao".

Theo RT