1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Vì sao Trung Quốc chọn lãnh sự quán Mỹ ở Thành Đô để trả đũa?

Thành Đạt

(Dân trí) - Trung Quốc được cho là có những tính toán nhất định khi yêu cầu Mỹ đóng cửa lãnh sự quán ở Thành Đô, thay vì các cơ sở ngoại giao khác của Washington ở đại lục.

Vì sao Trung Quốc chọn lãnh sự quán Mỹ ở Thành Đô để trả đũa? - 1

Lãnh sự quán Mỹ tại Thành Đô (Ảnh: Global Times)

Bộ Ngoại giao Trung Quốc hôm nay 24/7 thông báo Bắc Kinh đã yêu cầu Mỹ đóng cửa lãnh sự quán ở thành phố Thành Đô. Bộ Ngoại giao Trung Quốc cũng đưa ra các yêu cầu cụ thể về việc dừng tất cả hoạt động và sự kiện của lãnh sự quán Mỹ.

Theo Bộ Ngoại giao Trung Quốc, yêu cầu đóng cửa lãnh sự quán tại Thành Đô là phản ứng “chính đáng và cần thiết đối với hành động phi lý của Mỹ, phù hợp với luật pháp quốc tế, các chuẩn mực cơ bản của quan hệ quốc tế và thông lệ ngoại giao".

Động thái trên của Trung Quốc diễn ra sau khi Mỹ ngày 21/7 bất ngờ yêu cầu Trung Quốc đóng cửa lãnh sự quán tại thành phố Houston, bang Texas trong vòng 72 giờ. Giới chức Mỹ cáo buộc lãnh sự quán Trung Quốc ở Houston có liên quan tới hoạt động gián điệp của Bắc Kinh tại Mỹ.

Ngay sau lệnh đóng cửa của Mỹ, Bộ Ngoại giao Trung Quốc tuyên bố sẽ có động thái đáp trả. 

Mỹ hiện duy trì 5 lãnh sự quán tại Trung Quốc đại lục: gồm Quảng Châu, Thượng Hải, Thẩm Dương, Thành Đô và Vũ Hán, cùng 2 tổng lãnh sự quán ở Hong Kong và Macau.

Theo SCMP, ngay từ đầu, giới phân tích đã dự đoán Trung Quốc sẽ chọn lãnh sự quán Mỹ tại Thành Đô để làm mục tiêu đáp trả. Cơ sở ngoại giao này được cho là có ý nghĩa quan trọng chiến lược đối với Washington.

Lãnh sự quán Mỹ tại Thành Đô phụ trách các công việc lãnh sự tại một số tỉnh thành như Tứ Xuyên, Vân Nam, Quý Châu, Trùng Khánh và các khu vực ở phía tây nam Trung Quốc. Phạm vi phụ trách của lãnh sự quán Mỹ ở Thành Đô còn bao gồm khu tự trị Tây Tạng - một trong những khu vực nhạy cảm đối với chính phủ Trung Quốc và là điểm nóng trong quan hệ Mỹ - Trung từ nhiều năm nay.

Lãnh sự quán ở Thành Đô được thành lập vào tháng 10/1985 dưới thời cựu Tổng thống Mỹ George Bush. Cơ sở ngoại giao này từng là tâm điểm thu hút sự chú ý của dư luận sau một số vụ việc gây rúng động chính trường Trung Quốc.

Lãnh sứ quán Mỹ ở Thành Đô từng bị đám đông biểu tình bao vây để phản đối vụ ném bom của Mỹ vào Đại sứ quán Trung Quốc ở Belgrade vào năm 1999. Vào tháng 2/2012, cơ sở ngoại giao này cũng là nơi cựu cảnh sát trưởng kiêm phó thị trưởng Trùng Khánh Vương Lập Quân tới xin tị nạn trong một nỗ lực đào tẩu liên quan tới cựu bí thư thành ủy Trùng Khánh Bạc Hy Lai.

Vương Lập Quân đã rời khỏi lãnh sự quán ở Thành Đô sau 30 giờ ở trong cơ sở này. Ông Vương được cho là đã cung cấp bằng chứng buộc tội ông Bạc trong cuộc gặp với quan chức Mỹ ở lãnh sự quán Thành Đô.

Vụ án liên quan tới Bạc Hy Lai được xem là một trong những cuộc khủng hoảng chính trị lớn nhất của Trung Quốc trong một thập niên. Ông Bạc bị sa thải và nhận án tù chung thân vì tội hối lộ, lạm dụng quyền lực và tham nhũng. Ông Vương cũng bị kết án 15 năm tù vì tội lạm dụng quyền lực, hối lộ và đào tẩu.

Đáp trả tương xứng

Vì sao Trung Quốc chọn lãnh sự quán Mỹ ở Thành Đô để trả đũa? - 2

Bên ngoài lãnh sự quán Mỹ tại Thành Đô (Ảnh: Global Times)

Theo Global Times, một số nhà phân tích ban đầu dự đoán Trung Quốc có thể đóng cửa lãnh sự quán Mỹ ở thành phố Vũ Hán, nơi khởi phát dịch Covid-19, để đáp trả Washington. Tuy nhiên, giới quan sát cho rằng việc đóng cửa lãnh sự quán ở Vũ Hán sẽ không thể hiện đầy đủ tuyên bố của Trung Quốc rằng, nước này sẽ có “biện pháp đáp trả tương xứng” với Mỹ.

Trước đó Mỹ đã sơ tán các nhân viên ngoại giao khỏi lãnh sự quán ở Vũ Hán khi dịch Covid-19 bùng phát. Do các nhân viên này vẫn chưa trở lại lãnh sự quán, nên việc Trung Quốc đóng cửa lãnh sự quán ở Vũ Hán sẽ không được xem là biện pháp đáp trả “tương xứng” với chiến thuật gây sức ép căng thẳng của Mỹ, thậm chí còn bị coi là phản ứng yếu ớt của Bắc Kinh trước Washington.

Long Xingchun, chủ tịch Viện Các vấn đề Thế giới Thành Đô - một viện nghiên cứu độc lập, nhận định việc đóng cửa lãnh sự quán Mỹ ở Vũ Hán sẽ không ảnh hưởng nhiều tới Mỹ. Trong khi đó, việc đóng cửa lãnh sự quán Mỹ ở Thành Đô sẽ gây ra tác động lớn hơn.

“Tây Tạng là một trong những mối quan tâm của lãnh sự quán Mỹ ở Thành Đô. Mỹ ngày càng quan tâm nhiều tới vấn đề Tây Tạng và Tân Cương”, ông Long cho biết.

Lu Xiang, nhà nghiên cứu tại Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Trung Quốc ở Bắc Kinh, nhận định việc Trung Quốc chọn đóng cửa lãnh sự quán Mỹ ở Thành Đô là biện pháp tương xứng và “ăn miếng trả miếng” đối với Mỹ, vì cơ sở ngoại giao này phụ trách hoạt động lãnh sự toàn khu vực tây nam Trung Quốc, và số lượng nhân viên ngoại giao Mỹ tại lãnh sự quán ở Thành Đô tương đương với số lượng nhân viên ngoại giao Trung Quốc tại lãnh sự quán ở Houston.

Michael Hirson, chuyên gia phân tích thuộc tổ chức tư vấn rủi ro Eurasia Group, nhận định với CNBC rằng nếu Trung Quốc muốn chọn một lãnh sự quán quan trọng, nhưng vẫn ở vị trí thứ cấp, của Mỹ để đáp trả thì Thành Đô hoặc Thẩm Dương là hai cơ sở phù hợp, vì vai trò của hai lãnh sự quán này tương đương với lãnh sự quán Trung Quốc ở Houston.

Theo ông Hirson, Trung Quốc cũng không nhắm mục tiêu trừng phạt tới lãnh sự quán Mỹ ở Thượng Hải hoặc Quảng Châu vì hai cơ sở ngoại giao này “cao cấp” hơn so với lãnh sự quán Mỹ ở Houston. Ông Hirson cũng nói rằng Bắc Kinh sẽ không chọn lãnh sự quán Mỹ tại Hong Kong vì động thái này sẽ khiến tình hình trở nên vô cùng nghiêm trọng, thậm chí có thể ảnh hưởng xấu tới tương lai và quyền tự trị của đặc khu hành chính này.