Lãnh sự quán Houston: Từ biểu tượng Mỹ - Trung tới cáo buộc “ổ gián điệp”
(Dân trí) - Lãnh sự quán tại Houston từng được xem là biểu tượng cho mối quan hệ Mỹ - Trung trước khi trở thành tâm điểm của cuộc tranh cãi ngoại giao giữa hai nước.
Đầu năm 1979, chỉ vài tuần sau khi Bắc Kinh và Washington bình thường hóa quan hệ, nhà lãnh đạo Trung Quốc Đặng Tiểu Bình đã đội chiếc mũ cao bồi khi đến xem đua ngựa ở phía tây Houston, bang Texas trong chuyến thăm lịch sử cấp nhà nước tới Mỹ.
Chuyến thăm của ông Đặng Tiểu Bình tới Texas được xem là biểu tượng cho mối quan hệ Mỹ - Trung và trở thành dấu mốc quan trọng trong lịch sử hai nước. Vào thời điểm đó, những bức ảnh chụp nhà lãnh đạo Trung Quốc đội mũ cao bồi đã xuất hiện hàng loạt trên các tờ báo Mỹ.
“Đám đông reo hò, huýt sáo, dõi theo với sự phấn khích khi ông Đặng đội mũ cao bồi. Chỉ bằng một cử chỉ đơn giản, ông Đặng dường như không chỉ chấm dứt 30 năm căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc, mà còn mở đường cho người dân nước ông tiếp nhận văn hóa và lối sống Mỹ”, Washington Post dẫn lời Orville Schell, nhà báo đi cùng ông Đặng Tiểu Bình, viết về chuyến thăm của ông tới Mỹ.
Lãnh sự quán tại Houston, thành phố lớn thứ 4 tại Mỹ, là lãnh sự quán đầu tiên trong số 5 lãnh sự quán được Trung Quốc thành lập tại Mỹ sau khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm 1979. Sau Houston, các lãnh sự quán khác của Trung Quốc xuất hiện tại San Francisco, New York, Chicago và Los Angeles.
Phái đoàn ngoại giao của Trung Quốc tại Houston phụ trách 8 bang phía nam tại Mỹ, gồm Texas, Oklahoma, Louisiana, Arkansas, Mississippi, Alabama, Georgia, Florida và vùng lãnh thổ Puerto Rico.
Trung Quốc, nước nhập khẩu hơn 70% dầu mỏ, có lợi ích thương mại khổng lồ tại Texas - nơi Bắc Kinh đặt lãnh sự quán. Texas cũng là một trong những bang xuất khẩu dầu thô lớn nhất tại Mỹ.
Tranh cãi ngoại giao
Theo SCMP, trong những năm gần đây, Houston bị “mắc kẹt” trong mối quan hệ thăng trầm giữa Mỹ và Trung Quốc. Nhà lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn đã chọn Houston làm điểm trung chuyển vào năm 2017 và 2018 trước khi lên đường thăm các nước Trung Mỹ. Việc Mỹ cho phép bà Thái quá cảnh đã vấp phải sự phản đối mạnh của Trung Quốc.
Cũng trong năm 2017, một quan chức hàng đầu thuộc chương trình thám hiểm không gian của Trung Quốc đã bị Mỹ từ chối cấp thị thực để tham dự một hội thảo khoa học ở phía bắc Houston.
Tháng 8/2019, lãnh sự quán Trung Quốc tại Houston đã ra tuyên bố lên án Daryl Morey, tổng giám đốc đội bóng rổ Houston Rockets, vì đã đăng bài trên Twitter ủng hộ các cuộc biểu tình tại Hong Kong.
Trong những tháng gần đây, cơ sở ngoại giao này đã thể hiện thiện chí bằng cách quyên tặng khẩu trang và các vật dụng khác cho các bệnh viện tại địa phương khi dịch Covid-19 bùng phát.
Hơn 40 năm sau sau chuyến thăm của ông Đặng Tiểu Bình, Houston là nơi Mỹ thực hiện một bước đi cứng rắn chưa từng có tiền lệ trong mối quan hệ vốn đang bị xói mòn với Trung Quốc, khi yêu cầu Bắc Kinh đóng cửa lãnh sự quán tại thành phố này.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ ngày 22/7 lý giải việc yêu cầu lãnh sự quán Trung Quốc tại Houston phải đóng cửa “để bảo vệ sở hữu trí tuệ và thông tin cá nhân của người Mỹ”. Cùng ngày, Bộ Tư pháp Mỹ kết tội 2 công dân Trung Quốc vì tấn công mạng các nhà thầu quốc phòng, các nghiên cứu vắc xin Covid-19 và các công ty trên toàn thế giới.
Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa Mỹ Marco Rubio hôm qua cũng lên tiếng ủng hộ việc đóng cửa lãnh sự quán Trung Quốc ở Texas. Ông Rubio cáo buộc cơ sở này là “trung tâm gián điệp khổng lồ”.
Theo chính trị gia Mỹ, lãnh sự quán ở Houston không phải là cơ sở ngoại giao mà là “nút trung tâm trong mạng lưới quy mô lớn gián điệp và các hoạt động gây ảnh hưởng tới Mỹ”.
Ông David Stilwell, trợ lý ngoại trưởng Mỹ phụ trách Đông Á và Thái Bình Dương, nói với New York Times rằng lãnh sự quán Trung Quốc ở Houston là “trung tâm” của các hành vi phá hoại ở Mỹ, bao gồm nỗ lực của quân đội Trung Quốc nhằm gửi các sinh viên tới các trường đại học ở Mỹ để đánh cắp các thông tin quân sự.
Ông Stilwell cho biết tổng lãnh sự Trung Quốc tại Houston và hai nhà ngoại giao khác của Trung Quốc gần đây đã tham gia vào “hoạt động khả nghi”, khi họ được phát hiện có mặt ở sân bay và mang theo những giấy tờ với ngày sinh giả.
Trong cuộc phỏng vấn với ABC hôm qua, Tổng lãnh sự Trung Quốc tại Houston Cai Wei đã bác bỏ cáo buộc làm giả giấy tờ, khẳng định ông và các nhân viên trong lãnh sự quán chỉ đơn giản hỗ trợ một số sinh viên Trung Quốc lên máy bay.
Mỹ chỉ cho các nhân viên ngoại giao tại lãnh sự quán Trung Quốc 3 ngày để rời khỏi cơ sở này. Vào tối 21/7, truyền thông Houston đã công bố video được cho là ghi lại cảnh các nhân viên trong lãnh sự quán Trung Quốc đốt tài liệu khiến khói bốc lên từ khuôn viên tòa nhà. Lính cứu hỏa và cảnh sát nhận được tin báo tới hiện trường, nhưng không có thẩm quyền được vào bên trong cơ sở ngoại giao này.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Wang Wenbin nói với các phóng viên rằng, lãnh sự quán Trung Quốc gần đây nhận được những lời đe dọa sát hại và đánh bom. Báo The Paper của Trung Quốc ngày 22/7 đưa tin lãnh sự quán ở Houston buộc phải tăng cường an ninh sau khi bị dọa đánh bom hôm 20/7 cùng các bức thư hăm dọa trong những ngày gần đây.
Tổng lãnh sự Cai Wei cho biết ông “chưa bao giờ nghĩ sẽ bị đối xử như vậy”, trong khi ông và các đồng nghiệp “vẫn đang hướng đến tình hữu nghị, sự hiểu biết lẫn nhau giữa Trung Quốc và Mỹ”. Nhà ngoại giao Trung Quốc khẳng định “đây là việc chưa từng có tiền lệ kể từ năm 1979”.
Vụ việc xảy ra trong bối cảnh quan hệ Mỹ - Trung leo thang căng thẳng trong những tháng gần đây liên quan tới hàng loạt vấn đề từ thương mại, công nghệ, Biển Đông, Hong Kong, Tân Cương hay việc hai nước áp đặt rào cản đối với các nhà báo và nhà ngoại giao của nhau.