Vì sao Triều Tiên thả tù nhân Mỹ?
Việc Chính quyền Bình Nhưỡng liên tiếp thả các tù nhân người Mỹ đang tạo ra nhiều đồn đoán về khả năng vấn đề hạt nhân của Triều Tiên với các cường quốc sẽ được giải quyết trong nay mai.
Công dân Mỹ Kenneth Bae, 42 tuổi và Matthew Miller, 24 tuổi bị phía Triều Tiên bắt giữ lần lượt vào tháng 11/2012 và tháng 4 năm nay. Cả hai người này đều bị kết án nhiều năm lao động khổ sai do cáo buộc có hành động thù địch đối với Bình Nhưỡng.
Theo truyền thông Mỹ, nhiệm vụ lần này, vốn được chuẩn bị một cách kỹ lưỡng, đã diễn ra trong sự bí mật tuyệt đối. Để không gây chú ý, đích thân Giám đốc cơ quan tình báo Mỹ, James Clapper, đã đến Triều Tiên đón Kenneth Bae và Matthew Todd Miller. Trước đó, chính ông Clapper đã trao thư tay của Tổng thống Obama cho đại diện của nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim-jong un. Nội dung bức thư không được tiết lộ nhưng theo CNN là "ngắn gọn và cơ bản". Chuyến thăm của ông James Clapper đến Bình Nhưỡng đã diễn ra sau khi chính phủ CHDCND Triều Tiên "bất ngờ" liên lạc với các nhà chức trách Mỹ và yêu cầu gửi thành viên bất kỳ của chính quyền để thảo luận về việc thả Kenneth Bay và Matthew Todd Miller.
Sự việc xảy ra hai tuần sau khi một người Mỹ khác cũng vừa được thả. Tại sao Bình Nhưỡng có thái độ hòa dịu bất thường với kẻ thù Mỹ? Phải chăng hành động trả tự do lần này là tín hiệu Triều Tiên mong muốn nối lại đàm phán với Mỹ? Chính quyền Mỹ khẳng định rằng không có chuyện đổi chác và chưa sẵn sàng nối lại đàm phán chừng nào Bình Nhưỡng không từ bỏ chương trình hạt nhân.
Tuy nhiên, cựu đại sứ Mỹ tại Seoul, Christopher Hill, nhìn thấy một “cử chỉ có ý nghĩa” trong hành động trả tự do lần này. Nhưng Tổng thống Mỹ Barack Obama, khi chia sẻ niềm vui với các gia đình nạn nhân, đã không cảm ơn chính quyền Triều Tiên.
Một số nhà phân tích diễn giải thái độ khoan dung bất ngờ này của nhà lãnh đạo Kim-jong un như là một sự mong muốn cải thiện hình ảnh của Bình Nhưỡng trên trường quốc tế. Paul Carroll, chuyên gia về Triều Tiên ở Ploughshares Fund, San Francisco, nhận định: “Thông thường, con đường đi tới giải quyết loại việc này rất rõ ràng, thế nhưng lần này lại không như vậy”. Có thể là Triều Tiên tìm cách thăm dò các con đường khác để nối lại đối thoại với Mỹ”.
Vẫn theo ông Carroll, trong bối cảnh sức ép đối với Triều Tiên ngày càng gia tăng trong lĩnh vực nhân quyền, dường như Bình Nhưỡng muốn chứng tỏ là cũng biết cách ứng xử.
Đối với Washington, chính quyền Bình Nhưỡng sử dụng việc bắt các con tin Mỹ như một lá bài chính trị. Do vậy, theo giới phân tích, Mỹ rất thận trọng, tính toán kỹ trước khi có bất kỳ một nhượng bộ nào đối với các đòi hỏi của Triều Tiên.
John Delury, chuyên gia về Triều Tiên, thuộc đại học Yonsei, Seoul, nhận định, việc thả các công dân Mỹ là “một tín hiệu tích cực, nhưng việc nối lại đối thoại trực tiếp thì còn rất xa vời”.
Chuyên gia Peter Beck, thuộc Viện New Paradigm, Séoul, nhấn mạnh: “Việc trả tự do này không làm thay đổi vấn đề một cách cơ bản. Triều Tiên có thể cho rằng giờ đây trái bóng ở bên sân của Mỹ, nhưng chưa rõ liệu Washington có muốn đối thoại hay không”.
Vấn đề chính trị nước Mỹ, cùng với cuộc bầu cử nghị viện giữa kỳ, cũng có thể tác động đến hồ sơ này. Chính quyền Washington đã đáp lại cử chỉ của Triều Tiên một cách rất chừng mực. Ngoại trưởng Mỹ John Kerry bày tỏ hy vọng là các cuộc thương lượng về chương trình hạt nhân của Triều Tiên sẽ sớm được nối lại, tức là trong khuôn khổ vòng đàm phán sáu bên, chứ không phải tay đôi trực tiếp giữa Mỹ và Triều Tiên.
Cho đến nay, Mỹ luôn nhấn mạnh là chỉ mở đối thoại ở cấp cao nếu Triều Tiên thể hiện rõ quyết tâm từ bỏ chương trình hạt nhân.