1. Dòng sự kiện:
  2. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt
  3. Chính quyền Trump 2.0
  4. Chiến sự Nga - Ukraine

Vì sao Triều Tiên ồ ạt nhập khẩu lương thực từ Trung Quốc

(Dân trí) - Việc Triều Tiên ồ ạt nhập khẩu lương thực từ Trung Quốc trong một năm qua cho thấy sự phụ thuộc ngày càng tăng của Bình Nhưỡng vào quốc gia láng giềng trong bối cảnh cộng đồng quốc tế tăng cường một loạt các biện pháp trừng phạt.

Nông dân làm việc trên cánh đồng ở Sangwon, Triều Tiên (Ảnh: AP)
Nông dân làm việc trên cánh đồng ở Sangwon, Triều Tiên (Ảnh: AP)

Theo SCMP, kim ngạch xuất khẩu lương thực từ Trung Quốc sang Triều Tiên bất ngờ tăng đột biến trong năm vừa qua. Số liệu thống kê từ hải quan Trung Quốc cho thấy có sự gia tăng đáng kể trong gần 30 mặt hàng.

Cụ thể, xuất khẩu ngô từ Trung Quốc sang Triều Tiên tăng gấp 32 lần, từ 400 tấn lên gần 12.724 tấn, chuối tăng từ 63,4 tấn lên 1.156 tấn và bột mì tăng từ mức gần 0,6 tấn lên 7,6 tấn.

Xuất khẩu rượu từ Trung Quốc sang Triều Tiên cũng tăng hơn 4 lần, từ 2,1 triệu lít lên 9,5 triệu lít trong quý 2 năm nay so với cả năm 2016. Ngoài ra, lượng xuất khẩu các mặt hàng khác như bia, bánh kẹo, socola, bánh mì và bánh quy cũng đều tăng.

Các số liệu của hải quan Trung Quốc về kim ngạch xuất khẩu gạo sang Triều Tiên hiện chưa được thống kê đầy đủ. Tuy nhiên số liệu hiện có cũng cho thấy sự gia tăng đáng kể trong năm vừa qua, từ 3,5 triệu tấn trong quý 2 năm 2016 lên hơn 11 triệu tấn trong quý 2 năm nay.

Sự gia tăng trong kim ngạch xuất khẩu lương thực từ Trung Quốc thời gian qua cũng diễn ra cùng thời điểm với tình hình thiếu lương thực tại Triều Tiên do các điều kiện thời tiết bất ổn.

Theo Tổ chức Nông lương thế giới (FAO), sản lượng lương thực tại Triều Tiên, trong đó có các mặt hàng thiết yếu như ngũ cốc, đậu nành và khoai tây, trong năm 2016 ước tính chỉ đạt khoảng 5,4 triệu tấn, giảm 9% so với mức 5,9 triệu tấn năm 2014.

Triều Tiên đã trải qua đợt khủng hoảng lương thực kéo dài từ sau nạn đói nghiêm trọng vào những năm 1990. Báo cáo của Liên Hợp Quốc cho biết hơn 70% dân số Triều Tiên vẫn phải trông cậy vào nguồn trợ cấp lương thực từ nước ngoài.

Liên Hợp Quốc ước tính có khoảng 18 triệu người Triều Tiên vẫn đang đối mặt với tình trạng thiếu an ninh lương thực cũng như suy dinh dưỡng, và thiếu các điều kiện sống cơ bản.

Nhu cầu thị trường tăng lên

Các chuyên gia nhận định sự gia tăng trong kim ngạch xuất khẩu lương thực từ Trung Quốc có thể là dấu hiệu cho thấy nền kinh tế Triều Tiên đang phát triển dần lên, nhưng quốc gia này vẫn phải trông cậy vào đồng minh láng giềng để hỗ trợ lương thực, trong bối cảnh cộng đồng quốc tế tăng cường các biện pháp trừng phạt Bình Nhưỡng.

“Sự gia tăng này có thể là kết quả của việc nhu cầu thị trường lớn hơn ở Triều Tiên, do nền kinh tế của nước này đang hồi phục dần lên và thị trường chợ đen cũng đang bùng nổ”, Cai Jian, chuyên gia nghiên cứu về Trung Quốc - Triều Tiên tại Đại học Fudan ở Thượng Hải, nhận định.

“Điều này cũng cho thấy sự phụ thuộc ngày càng tăng của Bình Nhưỡng vào Bắc Kinh do nước này không thể nhập khẩu tự do mọi mặt hàng từ các nước khác”, chuyên gia Cai cho biết thêm.

Mới đây, Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc đã nhất trí thông qua lệnh trừng phạt mới nhằm vào Triều Tiên để gây sức ép với Bình Nhưỡng trong vấn đề hạt nhân và tên lửa, tuy nhiên lương thực không nằm trong các mặt hàng bị cấm. Liên Hợp Quốc hy vọng điều đó sẽ giúp đảm bảo mức sống tối thiểu cho người dân Triều Tiên.

Thành Đạt

Theo SCMP