1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Vì sao quân cờ đen IS nhắm đến Tây Ban Nha?

Tây Ban Nha được xem là “ngôi nhà” của phong tràođòi độc lập và là “người quen” của chủ nghĩa khủng bố.

Hơn hẳn nhiều quốc gia châu Âu khác, Tây Ban Nha – nơi vừa xảy ra vụ tấn công bằng xe tải khiến ít nhất 13 người chết và hơn 100 người bị thương ngày 17-8, đã “quen” với sự tàn phá của các cuộc tấn công khủng bố, tờ NBC News bình luận.

Chính quyền địa phương nhanh chóng liên hệ vụ tấn công xe tải ở trung tâm TP Barcelona, thuộc vùng tự trị Catalonia, Tây Ban Nha tới chủ nghĩa khủng bố. Thủ tướng Tây Ban Nha mô tả đây là một hành động của “chủ nghĩa khủng bố thánh chiến”.

Vụ tấn công ngày 17-8 gần như giống với các vụ tấn công sử dụng xe hơi hoặc xe tải trên khắp châu Âu trong năm qua. Hầu hết các vụ này đều do chủ nghĩa khủng bố Hồi giáo đứng sau.

Thế nhưng ngoài mục tiêu nhắm đến là tạo sự kinh hoàng cho thế giới phương Tây, cụ thể là nhắm đến các nạn nhân là du khách, thì tại sao nhóm khủng bố Hồi giáo cực đoan lại nhắm tới Tây Ban Nha và vùng Catalonia.


Những người bị thương được chữa trị sau vụ tấn công xe tải ở Barcelona ngày 17-8. Ảnh: AP

Những người bị thương được chữa trị sau vụ tấn công xe tải ở Barcelona ngày 17-8. Ảnh: AP

Âm mưu khôi phục đế chế

Chủ nghĩa khủng bố Hồi giáo đã bùng phát ở Tây Ban Nha trong hai thập niên qua khi nó xuất hiện ở nhiều nơi trên thế giới. Một trong những vụ tấn công chết chóc nhất đã xảy ra ở thủ đô Madrid của Tây Ban Nha vào ngày 11-3-2004 khi gần 200 người thiệt mạng sau khi các đối tượng khủng bố kích nổ 10 quả bom trên bốn tàu hỏa trong vòng bốn phút.

Một cuộc điều tra kéo dài hai năm sau đó đã đi tới kết luận rằng các phần tử cực đoan Hồi giáo nội địa chịu trách nhiệm cho vụ tấn công ở Madrid. Vụ tấn công này xảy ra sau vụ khủng bố ngày 11-9-2001 ở Mỹ 911 ngày.

Tháng 11 năm ngoái, nhà chức trách Tây Ban Nha công bố đã dẹp tan một nhóm “cực đoan toàn diện” có liên quan tới tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) khi nhóm này có ý định tiến hành một vụ tấn công khác ở Madrid. Đến tháng 3 năm nay, giới chức Tây Ban Nha đã tịch thu hàng ngàn vũ khí trong quá trình số vũ khí này được chuyển cho các nhóm khủng bố.

Theo NBC News, Tây Ban Nha trong quá khứ đã nằm dưới sự thống trị của đế chế Hồi giáo trong gần 800 năm, tới tận cuối thế kỷ 15. Một số nhóm Hồi giáo cực đoan hiện nay lấy lý do “khôi phục đế chế” để bào chữa cho hành động bạo lực của mình.

Quá khứ bất ổn với chủ nghĩa ly khai

Một phần khác của lịch sử Tây Ban Nha cũng được thấy rõ sau vụ tấn công Madrid hồi năm 2004 khi chính phủ Tây Ban Nha đổ tội cho nhóm ETA. ETA là chữ viết tắt của tổ chức Euskadi Ta Askatasuna (Quê hương Basque tự do).

ETA được thành lập ở vùng Basque của Tây Ban Nha vào năm 1959 như một phong trào kháng chiến chống lại chế độ độc tài Francisco Franco và yêu cầu một nền độc lập cho xứ Basque. Qua bốn thập niên kế tiếp, tổ chức này đã theo đuổi một chiến dịch đầy bạo lực và giết chóc, châm ngòi cho sự phát triển của các nhóm cực hữu.

Năm 1973, các chiến binh ETA kích nổ bom gần một nhà thờ nơi Thủ tướng Tây Ban Nha Luis Carrero Blan đang dự lễ mi-xa. Blanco đã thiệt mạng sau đó. Ông được xem như người thừa kế của nhà độc tài cánh hữu lâu đời Francisco Franco của Tây Ban Nha.

Tây Ban Nha chuyển tiếp sang thời kỳ dân chủ sau khi Franco qua đời vào năm 1975. Chế độ phát xít của ông Franco (từ năm 1939 cho tới khi qua đời) được xem là một trong những giai đoạn đen tối nhất trong lịch sử Tây Ban Nha thời hiện đại. Tuy nhiên, ETA vẫn bám trụ chiến dịch đòi độc lập của tổ chức này.

Trong một loạt vụ tấn công của ETA phải kể tới vụ đánh bom khiến 12 bảo vệ dân sự thiệt mạng ở Madrid vào tháng 6-1986, vụ đánh bom làm 21 người chết ở Barcelona vào tháng 6-1987 và vụ đánh bom làm 11 người chết ở Zaragoza vào tháng 12-1987.

Đến năm 1995, ETA một lần nữa nhắm vào quan chức cấp cao bên trong chính phủ Tây Ban Nha. Tổ chức này đã kích nổ một quả bom vào tháng 4-1995 gần chiếc xe chở Thủ tướng Jose Maria Anzar nhưng Anzar thoát chết. ETA còn tổ chức một âm mưu ám sát nhà vua Juan Carlos cùng năm nhưng bị cảnh sát phá tan.

Dường như có sự trùng hợp nào đó khi vụ tấn công xe tải ngày 17-8 xảy ra ở TP Barcelona thuộc vùng tự trị Catalonia, nơi đã bị áp bức trong suốt thời gian nắm quyền hành 36 năm của nhà độc tài Franco. Hiện tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) đã đứng ra nhận trách nhiệm vụ tấn công này.

Theo Bảo Anh

Pháp luật TP. Hồ Chí Minh

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm