1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Vì sao phương Tây thận trọng với việc tịch thu tài sản của Nga?

Thanh Thành

(Dân trí) - Theo các chuyên gia, việc tịch thu tài sản của Nga để tái thiết Ukaine là một ý tưởng được nhiều nước phương Tây ủng hộ, nhưng việc thực hiện tiềm ẩn nhiều thách thức và rủi ro.

Vì sao phương Tây thận trọng với việc tịch thu tài sản của Nga? - 1

Mỹ và châu Âu vẫn đang thắt chặt các biện pháp trừng phạt nhằm vào Nga, các tài sản của người Nga ở nước ngoài (Ảnh minh họa: Getty).

Hơn 100 ngày sau cuộc chiến ở Ukraine, các biện pháp trừng phạt chưa từng có tiền lệ áp lên Nga vẫn đang được thắt chặt. Mỹ và châu Âu đã đóng băng dự trữ tiền tệ của Nga trong các ngân hàng phương Tây.

Vào ngày 3/6, Liên minh châu Âu (EU) đã cùng với Mỹ và Anh áp đặt lệnh cấm vận một phần đối với xuất khẩu dầu của Nga, đồng thời cắt ngân hàng cho vay lớn nhất của Moscow Sberbank ra khỏi hệ thống thanh toán toàn cầu SWIFT.

Một nhóm nhà tài phiệt Nga cùng với lượng tài sản mà họ nắm giữ như biệt thự, du thuyền, máy bay cũng trở thành mục tiêu bị trừng phạt. 

Các lệnh trừng phạt đã gây ra sự gián đoạn nghiêm trọng cho nền kinh tế Nga và nếu tiếp tục sẽ làm ảnh hưởng tới nước này trong nhiều năm. Mặc dù vậy, rõ ràng biện pháp này cũng có hạn chế nhất định. Do giá năng lượng tăng cao, Nga vẫn thu được nguồn ngân sách lớn từ dầu mỏ.

Do chỉ có các nước phương Tây và một số đồng minh châu Á đang thực thi các biện pháp trừng phạt nên nhiều đối tác khác vẫn tiếp tục mua dầu của Nga. Do đó, vào cuối năm 2023, sản lượng dầu thô của nước này dự kiến sẽ chỉ thấp hơn khoảng 20% so với mức trước khi chiến sự nổ ra. Các nhà tài phiệt Nga vẫn được tự do đi lại nhiều nơi trên thế giới.

Trong khi đó, vấn đề đang được nhiều bên quan tâm là khoản ngân sách rất lớn cần để tái thiết các thành phố đổ nát, khôi phục các trung tâm công nghiệp tại Ukraine, với chi phí ước tính hơn 600 tỷ USD. Vì vậy, đã có những ý kiến kêu gọi phương Tây cần "đi trước Nga một bước", chuyển từ phong tỏa tạm thời sang tịch thu vĩnh viễn tài sản thuộc tổ chức, cá nhân người Nga và dùng số tiền này để tái thiết Ukraine trong tương lai.

Hiện Moscow có khoảng 300 tỷ USD dự trữ ngoại hối và khoảng 1.000 tỷ USD tài sản thuộc sở hữu tư nhân của Nga ở nước ngoài. Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen cho biết, EU đang xem xét khả năng sử dụng tài sản bị đóng băng cho việc tái thiết Ukraine. Nhóm G7 cũng đã thảo luận vấn đề tương tự.

Kế hoạch về việc lấy tiền Nga để tái thiết Ukraine nhận được sự ủng hộ của dư luận phương Tây. Tuy nhiên, việc chuyển từ phong tỏa sang tịch thu tài sản lại là vấn đề lớn vì nó có nguy cơ làm leo thang hơn nữa căng thẳng hiện nay. Ngoài ra, đề xuất này cũng đối mặt với những rào cản nhất định về pháp lý và tính khả thi. 

Những thách thức

Theo luật Mỹ, tổng thống là người có quyền phong tỏa tài sản của nước ngoài, nhưng hiếm khi có quyền tịch thu, chỉ trừ trong trường hợp Mỹ có chiến sự với nước đó.

Ngoài ra, Tổng thống Mỹ Joe Biden cũng có thể chuyển giao tài sản nước ngoài cho một chủ thể khác khi nước Mỹ không công nhận chính thể đang tồn tại, như đã từng hành động đối với tài sản của Venezuela và Afghanistan. Nhưng với Nga thì khác. Mỹ tuyên bố nước này không có ý định thay đổi thể chế ở Moscow.

Trong khi đó, luật pháp quốc tế cũng quy định việc bồi thường chi phí chiến tranh sẽ là tự nguyện chi trả, coi đây là một phần của thỏa thuận hòa bình. Tuy nhiên, thực tế cho thấy viễn cảnh về những cuộc đàm phán như vậy hiện còn rất xa với khi cả Nga và Ukraine đều chưa có dấu hiệu nhượng bộ bên còn lại. 

Ngoài ra, việc tịch thu tài sản thuộc sở hữu cá nhân mà không có lệnh của tòa cũng là không dễ.

Mặt khác, việc tịch thu tài sản mà không có nền tảng pháp lý vững chắc sẽ khiến tài sản của phương Tây có thể bị đối thủ "ăn miếng trả miếng", gây ảnh hưởng vị thế điểm đến tài chính an toàn của Mỹ.

Nếu tịch thu tài sản của Nga, điều đó cũng khiến nhiều quốc gia, nhất là những nước không liên minh với Mỹ hay có quan hệ không hữu hảo với Mỹ, có thêm động lực để tìm cách thoát khỏi hệ thống tài chính do Mỹ đứng đầu - một nhân tố vốn lâu nay là tạo sức mạnh cho phương Tây.

Theo Economist