1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Vì sao phó giám đốc ngân hàng Nga bị giết?

Người đứng đầu cuộc chiến chống rửa tiền ở Nga bị bắn chết lúc mờ sáng hôm qua. Những tên sát thủ đâm thuê chém mướn lẩn đi trong bóng tối, vứt lại súng ở hiện trường. Để rửa sạch hệ thống ngân hàng Nga, Andrei Kozlov đã phải trả bằng cả cuộc đời.

Andrei Kozlov, 41 tuổi, phó giám đốc ngân hàng trung ương Nga đi đầu một chiến dịch chống rửa tiền nhằm đem lại sự trong sạch và ổn định cho hệ thống ngân hàng đang phình to nhanh chóng của nước này. Trong số nhiều việc ông đã làm, nổi bật nhất là việc cho đóng cửa hàng trăm ngân hàng không đủ năng lực - hành động có lẽ đã đem đến cho ông nhiều kẻ thù trong giới xã hội đen.

 

Vụ sát hại mang dấu ấn của xã hội đen này khơi dậy ký ức về nạn thanh toán thuê trong giới làm ăn và quyền lực giang hồ ở Nga những năm trước.

 

"Chính những tên tội phạm đã ra tay trả thù chiến dịch của ngân hàng trung ương, và không may là Kozlov phải trả giá", Oleg Vyugin, đồng nghiệp của Kozlov ở ngân hàng trung ương, hiện là chủ tịch ủy ban chứng khoán, bình luận.

 

Kozlov là quan chức chính phủ cấp cao nhất bị ám sát ở Nga trong vòng 6 năm kể từ khi Tổng thống Putin lên nắm quyền.

 

Mặc dù Putin chưa đưa ra bình luận công khai nào, đã có những dấu hiệu cho thấy sự lo ngại của Kremlin. Thủ tướng Mikhail Fradkov ra lệnh cho các quan chức cảnh sát cấp cao mở cuộc điều tra và báo cáo cấp thời.

 

Cho đến nay vẫn chưa có vụ bắt bớ nào liên quan đến sự kiện này. Cảnh sát cho hay những tên giết người đã chạy bộ để trốn, vứt những khẩu súng gây án tại hiện trường.

 

Giả thuyết

 

Tại ngân hàng trung ương, nhiệm vụ chính của Kozlov là biến hệ thống ngân hàng lộn xộn của Nga vốn rời rạc và chỉ chăm chăm phục vụ những ông chủ giàu có thành một hệ thống có thể cung cấp dịch vụ cho các nhà bán lẻ và tầng lớp trung lưu đang ngày càng đông đảo hơn.

 

Nhưng quá trình chuyển đổi này gặp nhiều trở ngại từ các ngân hàng có mối quan hệ với giới chính trị, thường được gọi là "ngân hàng bỏ túi" và thuộc sở hữu của các tài phiệt. Việc kinh doanh của các ngân hàng đó mang lại nhiều rủi ro cho khách, bởi chúng chủ yếu liên quan và phục vụ công việc của chính các ông chủ. Sự phá sản của tài phiệt sẽ gây sụp đổ ngân hàng ngay lập tức.

 

Kozlov có nhiệm vụ đóng cửa các ngân hàng không đủ khả năng thanh toán, thúc đẩy sự đoàn kết của hơn 1.200 ngân hàng ở Nga nhằm bảo vệ khách hàng. Khi tin tức về cái chết của ông được công bố, cộng đồng kinh doanh ở Moscow đặt ra nhiều giả thuyết.

 

"Khả năng có thể xảy ra nhất là có một ngân hàng nhỏ có những thương vụ bẩn, do bọn tội phạm rất láo xược tiến hành", Nikolai Kovarsky, một chuyên gia tư vấn và là bạn của Kozlov, phỏng đoán. "Có lẽ chúng biết được tin là sắp bị đóng cửa".

 

"Tất cả những người mà tôi nói chuyện đều cho rằng chuyện sát hại này liên quan đến công việc của ông ấy", James Fenkner, giám đốc một quỹ quản lý tài sản nói. "Tình hình cứ như những năm 1990, thật khủng khiếp".

 

Kể từ năm 1995, đã có 24 quan chức cấp cao của các ngân hàng bị sát hại ở Nga, theo thống kê của trang newsru.com.

 

Tuy nhiên kể từ khi Putin lên nắm quyền, nạn giết thuê giảm đi rõ rệt, còn Kozlov thì đang nỗ lực để tạo cho hệ thống nhà băng Nga một gương mặt mới. Nhu cầu tín dụng của năm ngoái tăng gấp đôi, trong khi thế chấp bằng bất động sản chỉ chiếm mức rất nhỏ là 0,02% so với chừng 4 đến 10% ở các nước Đông Âu khác.

 

Chống rửa tiền

 

Ngoài việc bắt các ngân hàng thương mại tăng dự trữ bắt buộc ở ngân hàng nhà nước, Kozlov gây áp lực để thực thi những quy định chặt chẽ hơn trong việc cấp tín dụng cho khách hàng lớn, với mục tiêu buộc các "ngân hàng bỏ túi" sáp nhâp với các ngân hàng khác, tạo ra thực thể tài chính vững mạnh hơn.

 

Ông cũng điều tra mạnh tay với nạn rửa tiền - công việc được coi là đầy nguy hiểm. "Đấy là đứa con tinh thần của ông ấy", người bạn Kovarsky nói. "Mọi số liệu để điều tra các ngân hàng đều do ông ấy làm".

 

Đầu tháng này, Kozlov đã đề nghị cấm những ông chủ nhà băng từng dính đến rửa tiền được kinh doanh ngân hàng trở lại - biện pháp có thể giúp đặt dấu chấm hết cho tình trạng một số ngân hàng bị tước giấy phép lại đàng hoàng mở cơ sở kinh doanh mới với cái tên khác.

 

"Những hành động của ông ấy nhằm giám sát hệ thống ngân hàng có thể là nguyên nhân khiến các băng nhóm ra lệnh hạ sát ông", Boris Gryzlov, chủ tịch Duma Nga nói.

 

Công việc của Kozlov khiến ông trở thành cái gai trong mắt hàng trăm chủ ngân hàng không tốt ở Nga, ông từng nhiều lần là mục tiêu của các chiến dịch bôi nhọ trên báo chí và Internet.

 

Mikhail Grishankov, chủ tich ủy ban chống tham nhũng của Duma, nói rằng hàng năm có tới hàng chục tỷ đôla được tẩy rửa qua những ngân hàng phạm pháp có mối quan hệ với các tổ chức tội phạm và quan chức tham nhũng.

 

"Vụ sát hại Kozlov là dấu hiệu xấu cho xã hội, nó chỉ ra rằng những người trung thực và tử tế đang bị đe dọa", Garegin Tosunian, chủ tịch hiệp hội ngân hàng Nga, nhận xét. Ông nói thêm rằng hiệp hội sẽ treo giải cho những ai cung cấp thông tin dẫn đến điều tra ra kẻ phạm tội.

 

Tim Ash, nhà phân tích thuộc công ty tài chính Bear Stearns, bình luận rằng sự kiện hôm qua là một thách thức trực diện đối với chính phủ của Putin. "Nếu thất bại trong việc tìm ra hung thủ, sẽ là tín hiệu xấu đối với các quan chức khác, rằng họ cũng có thể bị đe dọa", Ash nói.

 

Dmitry Golubkov, một nhà phân tích thuộc công ty môi giới đầu tư Aton, cho rằng vụ ám sát là một đòn giáng vào uy tín của Nga. "Vụ giết hại một quan chức cấp cao như thế bộc lộ những nguy cơ ở các nước như Nga và Mỹ Latin", trang gazeta.ru trích lời ông này bình luận.

 

Việc làm của Kozlov được giới tiền tệ phương tây đánh giá cao. Chủ tịch Hội đồng Kinh doanh Mỹ - Nga hôm qua phát biểu rằng Kozlov là "một trong những ngôi sao sáng nhất trong chính phủ Nga".

 

Nói về cái chết của bạn mình, Kovarsky cho rằng với vị thế của Kozlov và công việc nguy hiểm mà ông đang làm, việc để vị phó giám đốc ngân hàng trung ương đi đêm giữa Moscow với mỗi một viên tài xế là không thể chấp nhận được. "Ngân hàng trung ương nên nhận lỗi về mình", Kovarsky bình luận. "Một người có tầm quan trọng như thế đáng lẽ phải có 10, 15 hay 20 vệ sĩ".

 

Theo T. Huyền

Vnexpress/IHT, AP