1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Vì sao phát xít Đức không phá nổi mật mã Liên Xô trong Thế chiến 2?

Lực lượng của phe Trục (phe phát xít) chuyên về phá mã đã không tài nào đọc nổi các thông điệp được mã hóa của Liên Xô mà chúng chặn được.

Các sĩ quan mật mã Xô viết nằm trong số các tài sản chiến đấu quan trọng nhất trong Thế chiến 2 và Đức Quốc xã đã phải chật vật lùng bắt những người này.

Vì sao phát xít Đức không phá nổi mật mã Liên Xô trong Thế chiến 2? - 1

Một điện đài viên nhận tin tức từ Cục Thông tin Liên Xô. Ảnh: Sputnik.

Một mệnh lệnh do trùm phát xít Adolf Hitler đưa ra vào tháng 8/1942 có đoạn như sau: “... Bất cứ ai bắt được một sĩ quan mật mã Nga hoặc chiếm được thiết bị mã hóa của Nga thì sẽ được thưởng Huân chương Thập tự Sắt và được nghỉ phép về nhà, được cung cấp việc làm ở Berlin và sau chiến tranh sẽ có nhà ở bán đảo Crimea”. Nhưng mục tiêu này của Hitler đã không bao giờ đạt được.

Trong Thế chiến 2, các nhân viên phá mã của phe Trục (phe phát xít) không thể đọc nổi một thông điệp được mã hóa của Liên Xô mà chúng cố chặn được. Hệ thống mã hóa của Liên Xô trở nên dễ bị bẻ chỉ trong một tình huống: Nếu kẻ mã thám tiếp cận được thiết bị mã hóa và chìa khóa giải mã. Tuy nhiên các sĩ quan mật mã Liên Xô đã thể hiện chủ nghĩa anh hùng lớn lao và không bị suy chuyển trước kẻ thù, nhờ vào lòng can đảm không vị lợi.

Trong một bài báo về việc bảo vệ thông tin Xô viết trong Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại, chuyên gia mật mã Dmitry Larin viết rằng: “Theo các chỉ dẫn, các sĩ quan mật mã Liên Xô được bảo đảm an ninh tin cậy. Ngoài ra, họ còn thường đặt một bình xăng bên cạnh và thủ sẵn một quả lựu đạn để nếu quân thù tiến lại gần, họ có thể tiêu hủy tài liệu, thiết bị và tự sát”.

Phát xít săn lùng lực lượng cơ yếu Liên Xô

Phía Đức đã phát động một cuộc truy lùng các sĩ quan mật mã Liên Xô, nhằm tiếp cận thiết bị và các bộ mật mã của họ. Kết quả là nhiều sĩ quan mật mã Liên Xô đã phải hy sinh.

Sử gia Nga V.A. Anfilov viết rằng “các nhân viên mật mã của Đại sứ quán Liên Xô ở Đức là những người đầu tiên bị tấn công. Vào ngày 22/6/1941, họ phải đốt khẩn cấp những thứ quan trọng nhất, đó là mật mã”.

Vẫn Anfilov: “Vào ngày hôm đó, lực lượng SS đột kích vào tòa nhà Đại sứ quán Liên Xô ở Berlin. Nhân viên mật mã của phái đoàn thương mại Liên Xô - Nikolai Logachev, cố gắng giam mình trong một căn phòng và đốt tất cả tài liệu mật mã, cố gắng giữ tỉnh táo trong màn khói dày đặc. Bọn Đức Quốc xã phá cửa xông vào nhưng đã quá muộn: tất cả các đoạn mã đều đã bị tiêu hủy. Logachev bị bắt giữ nhưng sau đó đã được đem trao đổi lấy nhân viên ngoại giao Đức ở Moscow”.

Vì sao phát xít Đức không phá nổi mật mã Liên Xô trong Thế chiến 2? - 2

Nữ quân nhân thông tin Hồng quân Elena Stempkovskaya. Ảnh: Tư liệu.

Các nhân viên cơ yếu này đã thể hiện sự quả cảm lớn lao trong nỗ lực bảo vệ mã. Một ví dụ tiêu biểu là câu chuyện về sự hy sinh của điện đài viên Elena Stempkovskaya, được đăng tải trên tờ báo của Hồng quân. Bài báo có đoạn như sau: “Các tay súng tiểu liên Đức xông vào sở chỉ huy trung đoàn. Chúng phát hiện ra điện đài viên và lao vào cô. Elena nhặt lên một khẩu carbine và bắn chết 2 tên Đức. Nhưng bọn phát xít vẫn nhào tới và khống chế được cô. Lính Đức Quốc xã tra tấn người phụ nữ trẻ trong suốt một đêm nhưng Elena không khai một lời. Cô bị chúng diễu qua phố. Chúng xỉ vả cô rồi chặt đứt tay của Elena...”.

Bí mật mật mã Xô viết

Một mã riêng được phát triển cho mỗi thông điệp trên mặt trận và các mã như thế không bao giờ được dùng lại. Do các nước phe Trục không bao giờ tiếp cận được hệ thống mật mã nên họ gần như không bao giờ có thể giải mã được liên lạc của Hồng quân ngoài tiền tuyến.

Việc mã hóa được áp dụng cho việc truyền mọi loại liên lạc bí mật trong chiến tranh. Tổng hành dinh quân đội Xô viết nhận được tới 60 bức điện mỗi ngày, còn sở chỉ huy ở mặt trận thì nhận tới 400 bức điện mỗi ngày.

Tại mặt trận, các máy mã hóa và điện thoại mật được sử dụng.

Một máy mật mã mang mật danh M-101 Izumrud (có nghĩa là “ngọc lục bảo” trong tiếng Nga) được Liên Xô tạo ra vào năm 1942. Máy này được xem là thiết bị mã hóa đáng tin cậy và được dùng để mã hóa các bức điện có tầm quan trọng đặc biệt.

Ngoài máy Izumrud, các sĩ quan mã hóa Liên Xô ngoài mặt trần còn sử dụng một thiết bị có tên gọi Sobol-P. Theo sử gia Dmitry Larin, đây là chiếc máy tinh vi nhất dùng cho truyền thông tin mật và không có phiên bản ngang cơ ở nước ngoài. Chiếc máy đầu tiên của dòng máy này được gửi tới Stalingrad. Các máy Sobol-P đã hiện thực hóa việc liên lạc qua vô tuyến điện thay vì qua đường dây điện thoại. Dây diện thoại dễ bị quân thù phá hủy hoặc chặn nghe, còn việc bẻ hệ thống mã hóa lời nói dùng cho điện đài thì cực kỳ khó.

Trong các hồi ký của mình, một số chỉ huy nổi tiếng của Hồng quân thời Thế chiến 2 viết rằng họ có thể đã không thắng trận nếu thiếu các nhân viên mật mã.

Vị tư lệnh quân sự nổi tiếng của Liên Xô Georgy Zhukov, còn được biết đến với cái tên “Nguyên soái của Chiến thắng”, đã viết rằng công việc xuất sắc của các nhân viên mật mã đã giúp ông giành thắng lợi trong hơn một trận chiến.

Trong khi đó Nguyên soái Ivan Konev, người đã giải phóng Ukraine, Moldova, Romania, Ba Lan, Tiệp Khắc và cũng tham gia các chiến dịch Berlin và Praha, đã viết như sau trong hồi ký của mình: “Chúng tôi phải tri ân các thiết bị mật mã và các đội liên lạc của chúng tôi, những người đảm bảo liên lạc thông suốt và luôn theo sát mọi bước của những người sử dụng hệ thống liên lạc đó”.

Theo Trung Hiếu

VOV.VN