1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Vì sao Ngày Chiến thắng năm nay rất đặc biệt với Nga?

Thanh Thành

(Dân trí) - Nước Nga hôm nay kỷ niệm 77 năm kết thúc cuộc Chiến tranh Vệ quốc (Ngày Chiến thắng), trong bối cảnh chiến dịch quân sự của Moscow tại Ukraine vẫn đang diễn ra ác liệt.

Vì sao Ngày Chiến thắng năm nay rất đặc biệt với Nga? - 1

Tổng thống Nga Vladimir Putin cầm ảnh chân dung của cha ông khi tham gia cuộc tuần hành tại thủ đô Moscow nhân kỷ niệm Ngày Chiến thắng phát xít 9/5 (Ảnh: Reuters).

Cuộc duyệt binh tại Quảng trường Đỏ ở thủ đô Moscow và các thành phố trên khắp nước Nga vào ngày 9/5, đánh dấu chiến thắng trước Đức Quốc xã vào năm 1945, đã trở thành một sự kiện thường niên.

Thông thường, một buổi lễ duyệt binh với sự tham gia của hàng nghìn binh sĩ, hàng trăm xe tăng, pháo binh và máy bay chiến đấu diễn ra ở Quảng trường Đỏ ở thủ đô Moscow ngày 9/5 hàng năm.

Dưới thời Tổng thống Vladimir Putin, Ngày Chiến thắng trở thành cuộc biểu dương sức mạnh của quân đội và khí tài quân sự, đồng thời là dịp để tưởng nhớ những người đã hy sinh trong Thế chiến II. Ước tính, 27 triệu công dân Liên Xô đã thiệt mạng trong cuộc chiến tranh này, cho đến nay là mất mát lớn nhất của bất kỳ quốc gia nào.

Lễ duyệt binh Ngày Chiến thắng được đánh dấu từ thời Liên Xô và được Tổng thống Boris Yeltsin hồi sinh nhân kỷ niệm 50 năm vào năm 1995, nhưng chính Tổng thống Vladimir Putin mới biến nó thành sự kiện thường niên về khí tài quân sự kể từ năm 2008.

Năm nay, sự kiện này mang một ý nghĩa quan trọng của riêng nó: Nga đang tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine, một quốc gia thuộc Liên Xô cũ.

Chuyên gia Ammon Cheskin thuộc Đại học Glasgow (Anh) nhận định: "Ngay cả trong một năm bình thường, đó là một sự kiện phô trương sức mạnh quân sự của nước Nga. Và điều đó càng được mở rộng trong năm nay".

Buổi lễ hàng năm thường có sự góp mặt của giới lãnh đạo cấp cao Nga, các vị khách nước ngoài và các cựu chiến binh từ cuộc Chiến tranh Vệ quốc. Nhà lãnh đạo Nga thường sử dụng thời điểm này để gửi các thông điệp về ý định.

Trước lễ duyệt binh, giới chuyên gia cho rằng, năm nay, Tổng thống Putin muốn tận dụng sự kiện để kêu gọi sự ủng hộ của người dân Nga với cuộc xung đột tại Ukraine.

Moscow cũng đã bác bỏ tuyên bố sẽ kết thúc chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine, cũng như thông tin cho rằng Tổng thống Putin sẽ tuyên bố chiến tranh chính thức với Ukraine hoặc ra lệnh tổng động viên và gọi lực lượng dự bị nhập ngũ.

Sau khi Nga sáp nhập bán đảo Crimea vào năm 2014, nhà lãnh đạo Putin đã đánh dấu Ngày Chiến thắng bằng bài phát biểu tại Quảng trường Đỏ về việc đánh bại chủ nghĩa phát xít, trước khi bay đến cảng Sevastopol ở Biển Đen để mừng chiến thắng mới của Nga trước hàng nghìn người ủng hộ.

Năm nay, cùng với lễ duyệt binh hoành tráng ở Quảng Trường Đỏ, nhiều sự chú ý đổ dồn vào "chảo lửa" Mariupol khi có những dự đoán về việc Nga sẽ tìm cách kết thúc chiến sự tại nhà máy Azovstal trước ngày 9/5 để có thể tuyên bố chiến thắng trong lễ kỷ niệm. Bản thân Mariupol không có cuộc duyệt binh Ngày Chiến thắng vì các mối đe dọa an ninh rõ ràng. 

Olga Irisova, đồng sáng lập nhóm phân tích Riddle Russia, cho biết: "Tại các thành phố của Nga và các thủ đô trong khu vực, chúng ta có thể nhìn thấy các biển báo có biểu tượng Ngày Chiến thắng. Thông thường các biển báo ghi ngày 9/5/1945 nhưng năm nay là năm 1945/2022".

Quy mô nhỏ hơn

Vì sao Ngày Chiến thắng năm nay rất đặc biệt với Nga? - 2

Các xe chở tên lửa trong cuộc duyệt binh trên Quảng trường Đỏ ngày 9/5 (Ảnh: Reuters).

Cuộc diễu binh Ngày Chiến thắng trên Quảng trường Đỏ mang ý nghĩa quan trọng và là cơ hội để Điện Kremlin phô diễn các vũ khí mới nhất.

Đó là chiếc xe tăng Armata T-14 đã xuất kích vào Ngày Chiến thắng năm 2015, nhưng đã gây chú ý khi vắng mặt trong cuộc xung đột ở Ukraine, vì chưa sẵn sàng chiến đấu ở tiền tuyến. Ukraine cho biết đã tiêu diệt hơn 1.000 xe tăng kém hiện đại hơn của Nga trên chiến trường.

Năm nay lễ duyệt binh có ít khí tài hơn và quân số so với năm 2021. Dù vậy, buổi lễ vẫn có sự tham gia của 11.000 binh sĩ, 77 máy bay chiến đấu và 131 phương tiện quân sự. Một trong những xe tăng mới nhất của Nga, T-80BVM, cũng như các hệ thống tên lửa phòng không như Pantsir-S1 cũng góp mặt.

Màn trình diễn trên không ban đầu được lên kế hoạch quy mô, nhưng cuối cùng bị hủy bỏ do thời tiết xấu. 

Năm nay, không có nhà lãnh đạo nước ngoài nào tham dự giống các năm trước. Chuyên gia Olga Irisova nói rằng hầu hết các thông điệp xung quanh Ngày Chiến thắng đều hướng đến người dân Nga.

Theo BBC