1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Vì sao Nga "sảy chân" trước sóng thần Covid-19?

Minh Phương

(Dân trí) - Gần một năm sau khi trở thành quốc gia đầu tiên đăng ký vắc xin, Nga đang quay cuồng trong làn sóng Covid-19 mới, với số ca tử vong và mắc mới tăng cao mỗi ngày.

Vì sao Nga sảy chân trước sóng thần Covid-19? - 1

Số ca tử vong vì Covid-19 của Nga liên tục lập kỷ lục (Ảnh: Reuters).

Những kỷ lục đáng buồn

Nga đang phải đối mặt với làn sóng Covid-19 mới bùng phát từ khoảng giữa tháng 6, không lâu sau khi phát hiện ca bệnh đầu tiên nhiễm biến chủng Delta. Số ca nhiễm mới trong ngày ở Nga đã tăng từ khoảng hơn 8.000 ca lên hơn 20.000 ca, trong khi số ca tử vong trong ngày cũng tăng gấp đôi từ hơn 300 ca lên hơn 700 ca.

Số ca nhiễm và tử vong vì Covid-19 ở Nga liên tiếp lập kỷ lục trong khoảng 3 tuần trở lại đây. Theo số liệu của Bộ Y tế Nga, trong ngày 6/7, nước này ghi nhận 737 ca tử vong vì Covid-19, cao nhất kể từ khi dịch bùng phát. Con số này cũng đánh dấu lần đầu tiên số người chết vì Covid-19 trong ngày ở Nga vượt mốc 700 ca. Chỉ trong 8 ngày qua, Nga đã lập 6 kỷ lục mới về số ca tử vong. Đến nay, Nga đã có hơn 139.000 người tử vong vì đại dịch này. Giới quan sát cho rằng, số ca tử vong thực tế có thể cao hơn nhiều so với thống kê do có những trường hợp tử vong khi chưa được xét nghiệm.

Cũng trong ngày 6/7, Nga có thêm gần 24.000 ca mắc mới, nâng tổng số ca mắc tại nước này từ đầu dịch đến nay lên gần 5,7 triệu ca. Moscow và St. Petersburg hiện là các vùng dịch nghiêm trọng nhất ở Nga.

Để đối phó với làn sóng Covid-19 hiện nay, giới chức Nga, đặc biệt ở tâm dịch Moscow, đã siết chặt các biện pháp hạn chế như yêu cầu các doanh nghiệp hạn chế nhân viên làm việc tại cơ quan, cấm tụ tập đông người, đóng cửa các nhiều địa điểm công cộng không thiết yếu.

Sự xuất hiện của "quái vật" Delta

Vì sao Nga sảy chân trước sóng thần Covid-19? - 2

Các ca nhiễm biến chủng Delta xuất hiện lần đầu ở Nga từ tháng 5 (Ảnh: Bloomberg).

Biến chủng Delta được cho là nguyên nhân chính gây ra đợt bùng phát dịch nghiêm trọng hiện nay ở Nga. Theo dữ liệu toàn cầu về bộ gen của virus corona GISAID, biến chủng Delta chiếm đến 90% số ca nhiễm mới ở Nga.

"Có thể việc lơ là các biện pháp phòng dịch như đeo khẩu trang, giãn cách xã hội, tránh tụ tập đông người là một phần nguyên nhân, nhưng biến chủng Delta mới thực sự là nguyên nhân cốt lõi", Davidson Hamer, giáo sư Trường Y Boston và cũng là chuyên gia dịch tễ của Trung tâm Y tế Boston, nhận định.

Delta phát hiện lần đầu ở Ấn Độ là biến chủng có khả năng lây lan cao nhất trong số các biến chủng hiện nay của virus corona. Một nghiên cứu của Cơ quan Y tế Cộng đồng Anh chỉ ra, Delta làm tăng 60% nguy cơ lây lan trong hộ gia đình so với chủng Alpha (phát hiện lần đầu ở Anh), mà Alpha vốn có khả năng lây lan cao hơn 50% so với chủng ban đầu.

Các nhà nghiên cứu ở Scotland cũng chỉ ra, biến chủng Delta làm tăng gấp đôi nguy cơ nhập viện ở bệnh nhân Covid-19 so với chủng Alpha. Những nghiên cứu trước đó chỉ ra, Alpha có thể có độc lực cao hơn từ 30% đến 70% so với chủng ban đầu.

Giới chuyên gia cho rằng, do tốc độ lây lan đáng kinh ngạc của Delta, các nước cần tăng tốc chương trình tiêm chủng vắc xin ngừa Covid-19 cho người dân càng nhanh, càng nhiều, càng tốt. Sự xuất hiện của Delta khiến mục tiêu tỷ lệ tiêm chủng để đạt miễn dịch cộng đồng cũng thay đổi.

Michael Head, nhà nghiên cứu cấp cao tại Đại học Southampton, cho rằng, tỷ lệ tiêm chủng để đạt miễn dịch cộng đồng hiện nay với biến chủng Delta là khoảng 85%. "Để đạt được mục tiêu này không phải là điều dễ dàng", ông Head nói.

Hoài nghi vắc xin

Vì sao Nga sảy chân trước sóng thần Covid-19? - 3

Nhiều người Nga còn ngại tiêm vắc xin (Ảnh: EPA).

Một trong những lý do nữa khiến Nga "sảy chân" trong cuộc chiến ứng phó đại dịch Covid-19 là tốc độ tiêm chủng chậm trễ. Mặc dù là quốc gia đầu tiên trên thế giới sở hữu vắc xin ngừa Covid-19 vào tháng 8 năm ngoái, đến nay, mới chỉ khoảng 15% dân số Nga được tiêm chủng ít nhất một liều. Nga hiện có 4 loại vắc xin nội địa, trong đó vắc xin đầu tiên có tên gọi Sputnik V được Nga phân phối rộng rãi trong nước và xuất khẩu sang nhiều quốc gia trên thế giới. Vấn đề là Nga phải đối mặt với tâm lý hoài nghi vắc xin của người dân.

Nga phê chuẩn Sputnik V vào tháng 8 năm ngoái thậm chí trước khi hoàn tất các thử nghiệm lâm sàng quy mô lớn. Đến tháng 2 năm nay, tạp chí y khoa Lancet đăng tải một phân tích cho rằng, Sputnik V có hiệu quả đến 92% trong việc ngăn ngừa Covid-19. Nhà sản xuất vắc xin này mới đây cũng khẳng định, Sputnik V có hiệu quả khoảng 90% ngăn biến chủng Delta.

Bất chấp hiệu quả của vắc xin, một cuộc thăm dò gần đây cho thấy, 60% người Nga không có kế hoạch tiêm vắc xin mặc dù ở một số nơi như Moscow nhiều người bắt đầu đổ xô tiêm chủng để tránh bị ảnh hưởng bởi các biện pháp hạn chế mà chính quyền địa phương đưa ra với người chưa tiêm chủng.

Chính phủ Nga khuyến khích người dân tiêm chủng bằng nhiều hình thức khác nhau như treo thưởng xe hơi, căn hộ, song mặt khác cũng cảnh báo những người không tiêm chủng đối mặt với nguy cơ bị sa thải, giảm thu nhập. Ngày 22/6, Điện Kremlin tuyên bố những người không tiêm vắc xin Covid-19 hoặc không có miễn dịch sẽ không được làm việc ở mọi nơi tại Nga. Mới đây, giới chức Nga đã yêu cầu tiêm chủng bắt buộc đối với lao động trong ngành dịch vụ như thợ làm tóc, tài xế taxi, giáo viên. Tuy nhiên, Điện Kremlin cũng khẳng định, việc tiêm chủng vắc xin ở Nga hiện nay về cơ bản vẫn hoàn toàn là tự nguyện.

Bất chấp những nỗ lực này, Nga vẫn không thể đạt mục tiêu tiêm chủng cho 30 triệu dân trong tháng 6.

"Nhiều nơi cũng đã và đang áp dụng phương thức này để khuyến khích người dân tiêm vắc xin. Nhưng ở Nga, vẫn còn nhiều người có tâm lý ngại tiêm vắc xin", chuyên gia Hamer nói.