1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Vì sao Nga quyết tâm bảo vệ Syria đến cùng?

(Dân trí) - Hiện nay, mọi ánh mắt đều đổ dồn về nước Nga-quốc gia đang nắm giữ lá phiếu quyết định vận mệnh của chính quyền Syria. Quyết định là vì, cái gật đầu của Nga đồng nghĩa với việc Tổng thống Syria phải chấm dứt ngay sự nghiệp chính trị đầy thăng trầm của mình.

Vì sao Nga quyết tâm bảo vệ Syria đến cùng?  - 1
Tàu sân bay Kuznetsov của Hải quân Nga có mặt tại Địa Trung Hải.

Nhưng xét trong bối cảnh thực tế hiện nay, rõ ràng Nga không thể ngồi yên phó mặc để nhìn Syria - đồng minh hiếm hoi còn lại trong khu vực Trung Đông và cũng là một trong ba bạn hàng mua vũ khí lớn nhất của Nga - gặp nguy hiểm.     

“Sẽ không có cơ hội nào cho một kế hoạch thay đổi chế độ tại Syria. LHQ không thể áp đặt các tham số cho một cuộc dàn xếp chính trị nôi bộ tại nước này vì HĐBA không có nghĩa vụ làm điều đó. Người dân Syria có quyền được tự quyết định vận mệnh của mình và có thể vẫn có một cơ hội khác cho việc phá vỡ vòng xoáy bạo lực tại Syria”, Đại sứ Nga tại Liên hợp quốc Vitaly Churkin đã quả quyết như vậy tại phiên họp nảy lửa của Hội đồng Bảo an diễn ra đêm 31/1 theo giờ Việt Nam.

Tất nhiên, Nga có nhiều lý do để đưa ra quyết định đối đầu với phương Tây trong việc tìm kiếm một nghị quyết mới của LHQ về tình hình Syria.

Thứ nhất, do chỉ còn hai tháng nữa là nước Nga sẽ bước vào cuộc bầu cử tổng thống quan trọng, nên với tư cách là ứng cử viên sáng giá cho chủ nhân chiếc ghế trong điện Kremlin, Thủ tướng Nga Vladimir Putin không thể không tỏ ra rắn mặt với phương Tây, đặc biệt khi phương Tây luôn tự ý áp đặt các biện pháp trừng phạt đơn phương mà không tham khảo trước ý kiến của Nga. Trong bối cảnh nước Nga đang tìm cách giành lại ảnh hưởng trên toàn cầu, chính giới Nga cần phải cho phương Tây thấy rằng Nga là một cường quốc mạnh, có vị thế không thể bị phớt lờ và cũng không để cho các thế lực bên ngoài dễ dàng đánh đổ các đồng minh của mình.

Thứ hai, Nga đã rút ra được bài học lớn từ cuộc chiến tại Libya. Việc Hội đồng Bảo an thông qua Nghị quyết 1973 cho phép thiết lập vùng cấm bay tại Libya vô hình chung đã tạo cơ hội cho một số chính phủ phương Tây - đứng đầu là Mỹ, Pháp, Anh - triển khai kế hoạch tấn công Lybia nhanh đến bất ngờ và kết cục là nhà lãnh đạo Libya Moamar Gadhafi đã bị sát hại dã man trong một vụ bắt giữ cho đến nay vẫn còn nhiều mờ ám. Vì vậy, tại cuộc bỏ phiếu nghị quyết về Syria dự kiến diễn ra vào cuối tuần này, Nga sẽ không sử dụng phiếu trắng như đã từng làm với Libya, mà thay vào đó là một lá phiếu phủ quyết.

Thứ ba và quan trọng nhất là Mátxcơva không thể bỏ rơi đồng minh duy nhất còn lại của mình trong thế giới Arập. Việc điện Kremlin quay lưng với Damascus cũng có nghĩa Nga sẽ chính thức bị đẩy ra khỏi vùng Vịnh và để mất một đối tác béo bở trong ngành công nghiệp xuất khẩu vũ khí của nước này. Đó là chưa kể Nga sẽ buộc phải đóng cửa căn cứ hải quân chiến lược và là căn cứ duy nhất của Nga ở vùng Vịnh, đang  đóng tại khu vực Tatut của Syria.

Cũng chính vì những lý do trên mà trong thời gian qua, Nga không chỉ dừng lại ở những lời tuyên bố phản đối mọi hình thức can thiệp từ bên ngoài vào Syria, mà còn có những động thái cụ thể thể hiện lập trường tránh để xảy ra bất kỳ hành động quân sự nào nhằm vào Syria núp dưới danh nghĩa nhân đạo.

Cụ thể, Nga đã cử một lực lượng đặc nhiệm hải quân thuộc Hạm đội phương Bắc, dẫn đầu là tàu sân bay duy nhất có trong biên chế Hải quân Nga, Đô đốc Kuznetsov, di chuyển vào khu vực Địa Trung Hải, tới gần vùng bờ biển Syria. Lực lượng này cho phép Nga có thể ngăn chặn các hoạt động tiếp tế vũ khí cho phe đối lập ở Syria cũng như các chiến dịch quân sự từ bên ngoài nhằm vào nước này.

Ngoài ra, Nga cũng đã chuyển giao cho Syria các tên lửa đối hạm siêu thanh Yakhont, theo một hợp đồng trị giá 300 triệu USD được hai bên ký kết từ hồi năm 2007. Các tên lửa Yakhont hoạt động như một phần của hệ thống phòng thủ bờ biển di động Bastion, có khả năng bảo vệ toàn bộ bờ biển Syria chống lại các cuộc tấn công từ hướng ngoài biển đánh vào.

Bên cạnh đó, điện Kremlin cũng rất tích cực xây dựng dự thảo Nghị quyết HĐBA về Syria, trong đó đặt ra giải pháp chính trị ôn hòa giữa chính phủ và phe đối lập ở Syria, đồng thời ngăn chặn việc cung cấp vũ khí từ bên ngoài cho lực lượng Quân đội Syria Tự do. Mới đây nhất, Nga cũng đã đề xuất tổ chức cuộc đàm phán hoà bình giữa chính phủ và phe đối lập Syria tại thủ đô Mátxcơva. Đáng tiếc là mọi nỗ lực của Kremlin đều bị chặn lại vì không đáp ứng điều kiện tiên quyết của Mỹ, phương Tây và Liên đoàn Arập đặt ra là Tổng thống Assad “phải ra đi”.

Rõ ràng, trong cuộc khủng hoảng tại Syria, nước Nga không có nhiều thứ để mất khi chọn con đường hiện nay. Bởi suy cho cùng, lợi ích kinh tế và địa chính trị là điều sẽ níu chân Nga đến cùng trong cuộc chiến đối đầu với phương Tây để bảo vệ Syria - một đồng minh chiến lược có từ thời Nga Hoàng và Liên bang Xôviết.

Vũ Anh
Theo AP, AFP, RIA  

 

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm