1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Vì sao Mỹ ủng hộ Úc mua tàu ngầm tối tân của Nhật Bản?

(Dân trí) - Cơ hội để Nhật Bản giành hợp đồng trị giá hàng triệu USD nhằm chế tạo các tàu ngầm cho Úc đang tăng lên nhờ các tham vọng chiến lược của Mỹ ở châu Á, giúp Tokyo có lợi thế so với các đối thủ từ Đức và Pháp, các nguồn tin quốc phòng cho hay.

Tàu ngầm lớp Soryu của Nhật (Ảnh minh họa:
Tàu ngầm lớp Soryu của Nhật (Ảnh minh họa: nikkei)
 
Mặc dù không có nhiều sự hiện diện tại một hội nghị về an ninh quốc phòng được tổ chức để thảo luận về dự án tàu ngầm tại tại Adelaide, Úc hồi tuần trước, các quan chức Mỹ đã cho Canberra thấy rằng việc mua các tàu ngầm Nhật Bản là một trong những chủ đề “nóng” nhất ở hậu trường.
 
Một hợp đồng như vậy có thể kết nối hải quân Mỹ, Nhật và Úc chặt chẽ hơn trong bối cảnh Trung Quốc tăng cường hiện đại hóa quân đội và ngày càng hung hăng trong các vùng biển của châu Á.
 
Điều đó cũng giúp Thủ tướng Shinzo Abe, người có chính sách an ninh được Washington ủng hộ, có được hợp đồng xuất khẩu vũ khí lớn đầu tiên sau khi chính quyền của ông dỡ bỏ lệnh cấm bán vũ khí cho nước ngoài hồi năm ngoái. Nó còn giúp thúc đẩy ngành công nghiệp quốc phòng của Nhật Bản và có thể mở đường cho việc bán các vũ khí tiên tiến của Nhật cho các quốc gia Đông Nam Á có tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc ở Biển Đông, các nguồn tin tại hội nghị quốc phòng của Úc cho hay.

Giới chức quốc phòng Úc thừa nhận rằng sự tương thích với hải quân Mỹ sẽ là một nhân tố quan trọng trong việc lựa chọn nhà thầu.

"Mức độ tham gia của ngành công nghiệp quốc phòng Úc cũng là vấn đề cơ bản, cũng như sự tương thích với đối tác liên minh Mỹ của chúng tôi", Bộ trưởng quốc phòng Úc Kevin Andrews cho biết tại hội nghị.

Một phát ngôn viên Bộ quốc phòng Úc nói thêm rằng khả năng, chi phí và thời gian cũng là những nhân tố quan trọng.

Các nguồn tin tại hội nghị nói rằng việc lựa chọn Nhật Bản có thể cho phép Úc sở hữu tàu ngầm công nghệ cao và có thể tiếp cận công nghệ nhạy cảm nhằm đẩy mạnh ngành công nghiệp đóng tàu của Úc nếu các tàu được đóng tại Úc. Nó cũng cho phép Canberra củng cố vị thế trong các vấn đề khu vực bằng việc hợp tác với một quốc gia vốn có liên minh an ninh lâu đời với Mỹ.

Sự khác biệt về chất lượng giữa các tàu ngầm được chào hàng là không đáng kể, ông Rex Patrick, một cựu cố vấn bộ trưởng quốc phòng và là một chuyên gia về tàu ngầm, nói.

"Tất cả nước này đều chế tạo tàu ngầm tốt. Ngoài khả năng, các nhân tố khác sẽ quyết định ai sẽ thắng thầu", ông Patrick nói, một phần liên hệ tới các mục tiêu chiến lược của Mỹ ở châu Á.

Cuộc cạnh tranh đang nóng lên đối với kế hoạch mua vũ khí quốc phòng lớn nhất của Úc, trị giá 38 tỷ USD.

Sự tương thích với công nghệ Mỹ
 
Nhật đã trở thành đối thủ nặng ký nhất nhằm thay thế các tàu ngầm lớp Collins nhiều tuổi của Úc, với một phiên bản tàu ngầm tối tân lớp Soryu của Lực lượng phòng vệ Nhật Bản, sau khi Thủ tướng Úc Tony Abbott nhất trí tăng cường hợp tác với Nhật về công nghệ quốc phòng với Thủ tướng Abe hồi tháng 6/2014.
 
Nhưng do một thách thức nội bộ đối với sự lãnh đạo của Thủ tướng Abbott hồi tháng 2, ông đã cam kết một cuộc đấu thầu mở vào cuối năm nay trong một nỗ lực nhằm thu hút sự ủng hộ chính trị.

Cam kết đó đã tạo cơ hội cho tập đoàn ThyssenKrupp Marine Systems GmbH của Đức và DCNS của Pháp, cả hai đều cho biết họ có thể chế tạo tàu ngầm tại Úc, nơi việc làm trong ngành chế tạo đang mất dần. Các hãng chế tạo tàu ngầm lớp Soryu là Mitsubishi Heavy Industries Ltd. và Kawasaki Heavy Industries Ltd. của Nhật.

Giới chức Mỹ khẳng định họ không thúc ép Úc mua bất kỳ loại tàu ngầm cụ thể nào, nhưng nói rằng họ nhìn thấy các lợi ích từ sự tương thích của tàu ngầm Nhật Bản.

Trong một chuyến thăm tới Úc hồi tháng 2, Tướng Martin Dempsey, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Mỹ, cho hay quyết định thuộc về Canberra. Tuy nhiên, ông cũng trích dẫn "sự tương thích" giữa các đồng minh là nhân tố quan trọng, mặc dù các chuyên gia tại hội nghị nói rằng tàu ngầm của Pháp và Đức có thể tương thích với tàu của Mỹ.

Nhưng quan điểm của Washington là tàu ngầm lớp Soryu của Nhật vượt trội về mặt kỹ thuật so với bất kỳ tàu ngầm nào do châu Ây chế tạo và sẽ tương thích với công nghệ của Mỹ.

Cựu Phó đô đốc Nhật Yoji Koda, người tham gia hội nghị tại Úc, cho hay hợp tác quốc phòng Nhật-Úc về thỏa thuận tàu ngầm có thể khiến các quốc gia trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương yên tâm nhờ các giá trị chung và khả năng phòng thủ chung.

"Điều quan trọng là không chỉ xuất khẩu thiết bị của chúng tôi trên cơ sở kinh tế, mà còn có ý nghĩa chiến lược", ông Koda nói, cho biết thêm rằng Tokyo sẽ linh hoạt và chế tạo hầu hết các tàu tại Úc, khiến thỏa thuận dễ chấp chận được đối với Thủ tướng Abbott.

Cho tới nay, các nguồn tin cho biết Nhật chưa nhiệt tình tham gia vào cuộc đấu thầu một phần vì lo ngại vướng vào một cuộc chiến đấu thầu. Nhật cũng e dè việc chế tạo tàu tại Úc vì những lo ngại về công nghệ nhạy cảm của Soyuz, trong đó có hệ thống đẩy tàng hình của tàu ngầm và các công nghệ hàn tiên tiến.

An Bình