1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Vì sao Mỹ không theo đuổi dự án tàu ngầm titan như của Liên Xô?

Theo các chuyên gia quân sự, có rất nhiều lý do khiến Mỹ không theo đuổi dự án sử dụng titan chế tạo thân tàu ngầm giống Liên Xô.

Ở cuối thời kỳ Chiến tranh Lạnh, ngành công nghiệp đóng tàu của Liên Xô đã đầu tư đáng kể vào việc chế tạo thân tàu ngầm bằng hợp kim titan - nhưng Mỹ - đối thủ chính của Nga lại không thực hiện điều này.

Vì sao Mỹ không theo đuổi dự án tàu ngầm titan như của Liên Xô? - 1

Dự án 705 Lira- một trong những dự án chế tạo tàu ngầm đắt đỏ nhất của Liên Xô. Ảnh: Pinterest.

Những kỷ lục chưa từng bị phá vỡ

Dự án 705 Lira, theo cách gọi của NATO là Alfa, là một trong những dự án chế tạo tàu ngầm tối tân nhất của Liên Xô vào những năm 1960. Hoạt động nhờ một lò phản ứng hạt nhân làm mát bằng kim loại lỏng, tàu ngầm Alfa đã tạo ra những kỷ lục về hiệu suất hoạt động mà không một tàu ngầm nào đủ sức phá vỡ cho đến tận ngày hôm nay.

Lira là một trong những tàu ngầm chạy nhanh nhất thế giới từng được chế tạo, chỉ đứng sau tàu ngầm lớp Papa. Tàu ngầm tấn công hạt nhân lớp Alfa có thể di chuyển với tốc độ 70 đến 80km/h, lặn tới độ sâu kỷ lục, hơn 670m, vượt xa so với tàu ngầm quân sự đương đại của NATO. Sự đổi mới này có được, một phần nhờ vào cuộc cách mạng sử dụng titan để chế tạo thân tàu. Về thiết kế, tàu ngầm hạt nhân Alfa có kích thước tương đối khiêm tốn với chiều dài 81,4 m, rộng 9,5 m và cao 7,6 m, lượng giãn nước khi nổi là 2.300 tấn, khi chìm là 3.200 tấn.

Với đặc tính nhẹ và bền, titan mang lại nhiều lợi thế cho tàu ngầm hơn so với kết cấu làm từ thép tiêu chuẩn. Như những gì tàu ngầm lớp Alfa và Papa đã chứng minh, đặc tính nhẹ của titan có thể giúp các con tàu đạt tốc độ nhanh kỷ lục. Ngoài ra, kim loại này cũng có khả năng chống ăn mòn và không có từ tính, khiến tàu ngầm khó bị phát hiện bằng máy dò từ tính dị thường (MAD) được sử dụng trên các tàu hải quân.

Những đặc tính ưu việt của Alfa đã khiến quân đội Mỹ cảnh giác cao độ. Mỹ lo ngại rằng, kho ngư lôi chống tàu ngầm hiện có của hải quân nước này ở thời điểm đó sẽ không thể đối phó hiệu quả với Alfa vì tàu ngầm này di chuyển quá nhanh và có thể lặn ở độ sâu lớn. Thế nhưng Washington không cố gắng sao chép những tiến bộ của Liên Xô trong chế tạo tàu ngầm. Thay vì đó, họ đầu tư vào những loại vũ khí chống tàu ngầm (ASW) tốc độ cao, chẳng hạn như ngư lôi Mark 48 - được cho là có khả năng tấn công tàu ngầm lớp Alfa.

Lý do Mỹ không theo đuổi dự án tàu ngầm titan

Theo các chuyên gia quân sự, có rất nhiều lý do khiến Hải quân Mỹ không theo đuổi dự án sử dụng titan chế tạo thân tàu ngầm giống Liên Xô. Trước hết, titan là một kim loại cực hiếm và đắt đỏ, quá trình xử lý cũng phức tạp hơn nhiều so với sắt, thép. Các tấm titan rất khó uốn cong để tạo thành hình dạng nhất định, đặc biệt là với hình dạng của tàu ngầm quân sự.

Để có thể chế tác thành công, titan phải được xử lý trong các buồng chứa khí argon bởi những thợ kim loại lành nghề và họ cần phải có bình oxy. Chỉ cần một sai sót nhỏ trong quá trình chế tác cũng dẫn đến những khiếm khuyết về thiết kế, gây ảnh hưởng đến toàn bộ cấu trúc của tàu ngầm. Hơn nữa, cũng không có chuỗi cung ứng sẵn có để có thể đưa vào loại tàu ngầm này vào sản xuất đại trà và cũng rất khó để tính đến phương án tiết kiệm chi phí. Riêng dự án chế tạo tàu ngầm lớp Papa đã chiếm 1% GDP của Liên Xô trong năm 1968, chưa kể chi phí bảo trì và nhiều chi phí khác.

Đối với quân đội Mỹ, việc phát triển các biện pháp đối phó, chẳng hạn như chế tạo ngư lôi chống tàu ngầm bằng titan sẽ tiết kiệm chi phí hơn nhiều và đạt hiệu quả hơn so với việc sao chép nguyên mẫu tàu ngầm đắt đỏ của Liên Xô. Hải quân Mỹ cũng cho rằng, các lò phản ứng bằng kim loại lỏng sẽ khó bảo trì hơn và do vậy, nguy hiểm hơn so với lò phản ứng kiểu nước áp lực - vốn được sử dụng rộng rãi cho tàu ngầm.

Có rất ít ý kiến cho rằng việc chế tạo tàu ngầm bằng hợp kim titan của Liên Xô sẽ tạo ra một bước đột phá lớn. Tuy mang trong mình những tính năng cao, nhưng chi phí quá đắt đỏ cùng những vấn đề kỹ thuật đã khiến chúng sớm được thay thế bằng tàu ngầm hạt nhân hiện đại lớp Yasen.