1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Vì sao Mỹ bỏ lệnh cấm xuất khẩu dầu?

Quốc hội Mỹ đã bỏ phiếu thông qua việc dỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu dầu mỏ vốn tồn tại suốt 40 năm qua tại nước này. Đây là động thái được ví như một phát súng nhắm vào nhiều mục tiêu trong “cuộc chiến” giành quyền kiểm soát thị trường dầu mỏ toàn cầu.

Dỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu dầu nằm trong gói dự luật chi tiêu và giảm thuế trị giá 1.800 tỷ USD, vừa được Thượng viện Mỹ phê chuẩn sáng 19-12 (theo giờ Việt Nam) với 65 phiếu thuận và 33 phiếu chống. Động thái này đánh dấu thay đổi trong chính sách năng lượng của các nghị sĩ Cộng hòa và là một phần trong thỏa thuận "hai bên cùng có lợi" mà các nghị sĩ của hai đảng đã thảo luận trong hai tuần qua.

Trước đó, dự luật ngân sách này đã được Hạ viện thông qua và Tổng thống Mỹ Barack Obama đã ngay lập tức ký ban hành sau khi có kết quả tại Thượng viện.

Vì sao Mỹ bỏ lệnh cấm xuất khẩu dầu? - 1

Đường ống dẫn dầu tại một cơ sở dự trữ ở bang Texas. (Ảnh: npr.org)

Cách đây hơn 4 thập kỷ, Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) đã đưa ra lệnh cấm vận sau khi Mỹ bắt tay cùng Israel trong cuộc chiến tranh Yom Kippur hay còn được biết đến là cuộc chiến giữa A-rập và Israel năm 1973 khiến giá dầu tăng vọt từ 3USD lên 12USD mỗi thùng.

Ở thời điểm đó, nước Mỹ đã lâm vào cảnh lao đao vì thiếu xăng dầu. Để đáp trả lại, Mỹ ban hành luật cấm xuất khẩu dầu vào tháng 12-1975 để bảo đảm nguồn dầu khai thác được tiêu thụ trong nước. Tuy nhiên có ngoại lệ khi các công ty nước này được phép xuất khẩu tới một số nước nhất định được chấp thuận như Canada.

Luật này vẫn được duy trì cho tới thời điểm hiện tại trong bối cảnh "vàng đen" liên tục sụt giảm từ mức hơn 100 USD/thùng hồi tháng 6-2014 xuống còn dưới 35 USD/thùng-mức thấp nhất trong hàng chục năm qua.

Có nhiều nguyên nhân dẫn tới việc thay đổi chính sách năng lượng của Mỹ, trong đó phải kể đến kỹ thuật khai thác dầu đá phiến - “vũ khí lợi hại” mà các công ty năng lượng Mỹ nắm trong tay. Chính kỹ thuật này đã khiến sản lượng khai thác dầu của Mỹ từ chỗ chỉ đạt khoảng 5 triệu thùng/ngày trong năm 2008 đã nhảy vọt lên 9 triệu thùng/ngày trong thời điểm hiện tại, kéo theo giá thành dầu siêu nhẹ ở Mỹ đã giảm xuống thấp hơn nhiều so với chi phí khai thác dầu truyền thống.

Thậm chí còn xảy ra tình trạng bi hài khi trong tháng 3 năm nay, Bộ Năng lượng Mỹ tiết lộ thành phố Cushin, bang Oklahoma, nơi được mệnh danh là "trung tâm lưu trữ" dầu của nước này với các bồn chứa lớn có khả năng lưu trữ 85 triệu thùng dầu đang gặp phải tình trạng quá tải.

Theo giới quan sát, với sản lượng như hiện nay, Mỹ rất có khả năng sẽ vượt qua cả A-rập Xê-út và Nga để trở thành quốc gia sản xuất dầu lớn nhất thế giới. Việc tạo điều kiện để dầu thô của Mỹ cạnh tranh trong thị trường nước ngoài sẽ tiếp tục tác động giảm giá dầu quốc tế.

Những công ty khai thác lớn như Exxon Mobil và thậm chí công ty nhỏ hơn như Continental Resources luôn đóng vai trò đầu tàu kêu gọi dỡ bỏ lệnh cấm. Họ muốn bán dầu khai thác tại Mỹ tới càng nhiều thị trường càng tốt, đặc biệt là những nước sẵn sàng trả cho họ mức giá hời. Chính vì vậy lợi ích kinh tế là không hề nhỏ.

Cũng phải nói thêm rằng, các nhà máy lọc dầu Mỹ hiện vẫn nhập khẩu lượng lớn dầu thô từ nước ngoài để sản xuất khí đốt, vì vậy giá dầu quốc tế trượt dốc kéo theo giá khí đốt giảm sẽ là tin vui với Mỹ. Bởi từ ngành nông nghiệp cho tới hàng không Mỹ sẽ theo đó mà cắt giảm được khoản chi phí khá lớn đồng thời tạo động lực đầu tư vào giao thông và tạo thêm nhiều việc làm.

Động thái nới lỏng lệnh cấm xuất khẩu dầu của Mỹ được dự đoán sẽ tác động mạnh đến Nga và Venezuela, các nước có nguồn thu ngân sách đều phụ thuộc lớn vào dầu mỏ và đặc biệt tác động đến đối thủ cạnh tranh lớn nhất trên thị trường dầu mỏ của Mỹ-OPEC.

Theo Hà Lan

Quân đội nhân dân

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm