Vì sao Hy Lạp quyết trưng cầu dân ý về cứu trợ?
Các ngân hàng kẹt tiền của Hy Lạp sẽ tiếp tục đóng cửa cho đến sau cuộc trưng cầu dân ý ngày 5/7, về các điều kiện cứu trợ mà những chủ nợ đặt ra với nước này.
Quyết định gây ngạc nhiên của chính quyền đảng Syriza cầm quyền về trưng cầu dân ý đã "đánh chìm" cuộc đàm phán với các bộ trưởng khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone). Hy Lạp có rất ít thời gian chuẩn bị cho sự kiện này, mà kết quả của nó sẽ quyết định tương lai đất nước trong khối Eurozone.
Trưng cầu dân ý
Chính phủ của Thủ tướng Alexis Tsipras cho rằng, các điều kiện cứu trợ mà Liên minh châu Âu (EU) và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đặt ra là không thể chấp nhận được, nhưng việc từ chối các điều kiện này không thể không có tiếng nói của người dân.
Vấn đề này quan trọng với tương lai Hy Lạp đến mức "chúng tôi quyết định để dân chúng quyết định, để giải thích quan điểm từ chối của chúng tôi (về cứu trợ), nhưng cũng để cho họ lựa chọn", Bộ trưởng Tài chính Yanis Varoufakis nói.
Trong một lá thư gửi tới các lãnh đạo Eurozone mà tờ Financial Times tiết lộ, Thủ tướng Tsipras cho biết, tổ chức trưng cầu dân ý "là một quyền dân chủ tối cao của người dân Hy Lạp, cần thiết để đảm bảo quyền sở hữu về chương trình cứu trợ tài chính mà rốt cuộc sẽ được nhất trí với các thể chế".
Ông nói với người dân Hy Lạp rằng, các chủ nợ đã viện đến "tống tiền" để áp đặt thêm các biện pháp khắc khổ.
Cuộc trưng cầu dân ý ngày 5/7 sẽ yêu cầu người dân Hy Lạp phải trả lời "Có" hoặc "Không" trước các điều kiện mà các chủ nợ đặt ra. Một cuộc bỏ phiếu "Không" sẽ chính thức cắt dòng chảy Euro từ các chủ nợ và Chính phủ Hy Lạp sẽ buộc phải ban hành trái phiếu IOU hoặc một loại đồng "drachma mới" (tiền Hy Lạp) để ngăn chặn sự sụp đổ của ngành ngân hàng.
Tuy nhiên, hiện nay EU không có cơ chế nào cho một đất nước rời khỏi Eurozone, vì điều này chưa từng xảy ra.
Tâm trạng bất ổn hiện đang bao trùm bầu không khí trước thềm cuộc trưng cầu dân ý ở Hy Lạp. Các đối thủ chính trị của Thủ tướng Tsipras cáo buộc ông không thông báo với dân chúng chính xác những gì các chủ nợ đề ra, và những gì ông đặc biệt phản đối.
Ngay cả trước khi hạn chót trả nợ trôi qua ngày 30/6, chính phủ thừa nhận rằng, họ không thể hoàn lại khoảng nợ 1,6 tỷ Euro (1,8 tỷ USD) cho IMF đúng hạn.
Nhưng cuộc họp qua điện thoại của các quan chức Eurozone đã diễn ra vào phút chót đêm ngày 30/6, sau khi Hy Lạp đề nghị gói cứu trợ mới trị giá 29,1 tỷ Euro trong 2 năm, trong khuôn khổ Cơ chế Bình ổn châu Âu (ESM), được hiểu là quỹ cứu trợ thường trực cho các nước khối Eurozone với mục tiêu duy trì sự ổn định của đồng tiền này.
Phản ứng của các chủ nợ
Các bộ trưởng tài chính châu Âu đã chuẩn bị cho các cuộc đàm phán sát nút vào ngày 27/6 để tìm ra một thỏa thuận về cải cách. Sự đồng ý có nghĩa là sẽ giải ngân phần cứu trợ 7,3 tỷ Euro mà Hy Lạp đang khao khát. Tuy nhiên, ông Tsipras đã rút đoàn của mình ra khỏi cuộc họp ngay đêm trước đó và thông báo sẽ trưng cầu dân ý.
Trong một động thái bất thường, Ủy ban châu Âu sau đó đã công bố những cải cách chi tiết mà họ muốn đàm phán với Hy Lạp. Tuy nhiên, cơ quan này than phiền, "cả phiên bản tài liệu mới nhất và đề cương của một thỏa thuận bao hàm đều không thể hoàn tất và trình lên Eurogroup (Nhóm các Bộ trưởng tài chính Eurozone) do các quan chức Hy Lạp đơn phương từ bỏ tiến trình".
Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker thậm chí còn nói, ông cảm thấy bị phản bội bởi hành động của Thủ tướng Tsipras.
Tại sao Hy Lạp không được gia hạn cứu trợ?
Có một khoảng cách lớn giữa những gì các chủ nợ muốn và nghị trình của Chính phủ Hy Lạp.
Syriza - liên minh của những người cánh tả - đã giành chiến thắng bầu cử hồi tháng 1 với cam kết chấm dứt các biện pháp khắc khổ.
Cái giá cho khoản cứu trợ 240 tỷ Euro của Hy Lạp - bắt đầu từ năm 2010 - là phải thắt lưng buộc bụng. Cắt giảm ngân sách mà các chủ nợ yêu cầu đã khiến nhiều người nước này sống chật vật và một phần tư lực lượng lao động không có công ăn việc làm.
Syriza kêu gọi các chủ nợ giải ngân khoản 7,2 tỷ USD sau cùng, song các chủ nợ tuyên bố Hy Lạp phải đồng ý mở rộng giới hạn thuế bán (VAT), để thúc đẩy thu nhập và giảm bớt số người được cho về hưu sớm. Họ lập luận hệ thống lương hưu không thể trụ được nữa.
Đó là những điểm chính, nhưng các chủ nợ còn muốn Hy Lạp hành động nhiều hơn nữa chống lại nạn tham nhũng và trốn thuế.
Các chủ nợ không chấp nhận các đề án thu nhập thuế của Syriza. Họ cũng nghi ngờ đảng này không muốn tiến hành cải tổ các thói quen làm việc thâm căn cố đế.