1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Vì sao đảo chính ở Thổ Nhĩ Kỳ bất thành?

Trong vòng 50 năm qua, Thổ Nhĩ Kỳ đã trải qua nhiều cuộc đảo chính và âm mưu đảo chính, gây ra hàng loạt xáo trộn trong đời sống chính trị, xã hội của đất nước này, trong đó có 4 lần chính quyền đương nhiệm bị lật đổ vào các năm 1960, 1971, 1980 và 1997.

Khác với những lần trước, âm mưu đảo chính quân sự do một nhóm binh sĩ và sĩ quan trong quân đội Thổ Nhĩ Kỳ thực hiện ngày 15-7 vừa qua nhằm lật đổ chế độ của Tổng thống Recep Tayyip Erdogan đã nhanh chóng bị đập tan. Theo giới phân tích, có 3 nguyên nhân chính dẫn đến thất bại của cuộc đảo chính hôm 15-7.

Người dân Thổ Nhĩ Kỳ xuống đường bày tỏ sự ủng hộ với Tổng thống  Recep Tayyip Erdogan hôm 16-7 ở thủ đô Ankara. Ảnh: AFP
Người dân Thổ Nhĩ Kỳ xuống đường bày tỏ sự ủng hộ với Tổng thống Recep Tayyip Erdogan hôm 16-7 ở thủ đô Ankara. Ảnh: AFP

Nguyên nhân đầu tiên phải kể đến chính là lòng dân. Reuters cho biết, theo kết quả các cuộc thăm dò dư luận trước khi xảy ra cuộc đảo chính, tỷ lệ ủng hộ và phản đối các chính sách đối nội và đối ngoại của Tổng thống Erdogan là gần ngang nhau, đều khoảng 50%. Mặc dù vậy, việc người dân Thổ Nhĩ Kỳ phản đối chính sách của Tổng thống Erdogan không đồng nghĩa với việc họ ủng hộ một cuộc đảo chính quân sự.

Giáo sư Jenny White thuộc Viện Nghiên cứu Thổ Nhĩ Kỳ tại Trường Đại học Stockholm cho rằng, thất bại nhanh chóng của cuộc đảo chính lần này thể hiện sự bất mãn, chán chường của người dân Thổ Nhĩ Kỳ với việc can thiệp vào chính trị bằng vũ lực của quân đội. Những gì mà 4 cuộc đảo chính trước đây để lại là thời kỳ hỗn loạn về an ninh và kinh tế, với những bất ổn thường trực trong cuộc sống mà chính người dân Thổ Nhĩ Kỳ phải gánh chịu.

“Nỗi ám ảnh về bạo lực và đổ máu mà 4 cuộc đảo chính quân sự trước đây để lại đã thúc giục họ ra tay ngăn cản một biến cố tương tự xảy ra. Ngoài ra, trong quá khứ, sự phản đối đảo chính chưa đủ mạnh vì người dân chưa quan tâm đến bất cứ lãnh đạo cụ thể nào. Còn bây giờ, tình hình đã khác, ông Erdogan trở thành nhà lãnh đạo rất quyền lực và có ảnh hưởng tới dân chúng. Họ được tiếp thêm sức mạnh bởi lời kêu gọi "không quyền lực nào cao hơn quyền lực nhân dân" của Erdogan”, Giáo sư Jenny White nhấn mạnh.

Và đó chính là lý do trước lời kêu gọi của ông Erdogan, hàng triệu người dân quốc gia này đã đổ xuống các tuyến đường ở Ankara và Istanbul, hai thành phố lớn bị lực lượng đảo chính tấn công, để tiến hành các cuộc biểu tình phản đối đảo chính và thể hiện sự ủng hộ với Tổng thống cũng như chính phủ, nhiều người thậm chí sẵn sàng xả thân chặn đường những chiếc xe tăng trên phố của lực lượng đảo chính.

Một nguyên nhân khác, đó là thiếu sự đoàn kết nội bộ trong quân đội Thổ Nhĩ Kỳ. Giới phân tích cho rằng cuộc đảo chính vừa diễn ra chỉ là hành động bột phát của một nhóm nhỏ sĩ quan, binh sĩ trong quân đội Thổ Nhĩ Kỳ, không nhận được sự ủng hộ của các chính trị gia thế tục, các tướng lĩnh quân đội khác.

Khi nhóm đảo chính tuyên bố nắm chính quyền trên truyền hình, lập tức các tướng lĩnh cấp cao trong quân đội Thổ Nhĩ Kỳ đã lên án hành động của họ và bày tỏ sự ủng hộ đối với Tổng thống Erdogan. Theo chuyên trang phân tích tình báo toàn cầu Stratfor, điều đó cho thấy nhóm đảo chính đã không thể đoàn kết, tập hợp được toàn bộ lực lượng quân đội để thực hiện hành động “phiêu lưu” của mình.

"Cuộc đảo chính này chỉ là sản phẩm của sự chia rẽ Hồi giáo bên trong quân đội, và việc lợi dụng chia rẽ đó không phải là yếu tố bảo đảm sự thành công của một cuộc đảo chính", Stratfor nhấn mạnh.

Cuối cùng đó là sự thiếu niềm tin của chính lực lượng tham gia đảo chính. Tạp chí Vox dẫn lời học giả Naunihal Singh, chuyên nghiên cứu về các cuộc đảo chính, cho rằng yếu tố quan trọng của một cuộc đảo chính quân sự là liệu rằng các binh lính có niềm tin vào thành công của cuộc đảo chính hay không.

Theo chuyên gia này, khi một cuộc đảo chính mới bắt đầu, thực ra chỉ có một bộ phận nhỏ binh lính có can dự trực tiếp trong khi phần lớn các binh lính khác vẫn có thái độ trung dung. “Nếu lãnh đạo nhóm đảo chính có thể thuyết phục được các binh lính rằng chính phủ chắc chắn sẽ sụp đổ và khả năng kháng cự là rất nhỏ, có thể lực lượng còn lại của quân đội sẽ ngả theo phe họ”, học giả Naunihal Singh nhận xét.

Thế nhưng, điều đó đã không xảy ra. Và thực tế là, “các binh lính tham gia đảo chính đã không chiến đấu đến cùng. Họ sẵn lòng đầu hàng cho dù biết rằng sau này có thể bị xét xử vì tội phản quốc”, học giả Naunihal Singh nhấn mạnh.

Theo Hoàng Vũ

Quân đội nhân dân