Vì sao các nước phương Tây tham gia không kích tại Syria?
Được sự chấp thuận của Hạ viện, trong thời gian tới Đức sẽ điều 1.200 quân nhân, 6 máy bay trinh sát Tornado, một tàu khu trục và một máy bay tiếp liệu đến tham gia các cuộc không kích chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) tại Syria.
Như vậy, những quốc gia hàng đầu châu Âu hiện đã chính thức tham chiến ở Syria. Câu hỏi được đặt ra lúc này là tại sao, sau hơn 2 năm hoành hành, giờ đây IS mới chính thức bị các nước phương Tây nhằm đánh tốc lực?
Theo tin Reuters, đề xuất của Thủ tướng Đức Angela Merkel đã nhanh chóng được Hạ viện nước này thông qua trong cuộc bỏ phiếu hôm 4-12 với 445 phiếu thuận, 146 phiếu chống và 7 phiếu trắng. Như vậy, đúng như dự định, chính phủ Đức sẽ triển khai tối đa 1.200 binh sĩ cùng vũ khí, khí tài chống IS. Đây được xem là chiến dịch quân sự ở nước ngoài lớn nhất của Đức trong thời điểm hiện tại với chi phí vào khoảng 141,7 triệu USD.
Thủ tướng Đức Angela Merkel và các nghị sĩ bỏ phiếu chấp thuận cho Đức tham gia không kích ở Syria. (Ảnh: FT)
Bộ trưởng Quốc phòng Đức Ursula von der Leyen lý giải rằng, các vụ tấn công khủng bố vừa qua ở Paris đã cho thấy các nước cần phải quyết tâm và kiên định trong cuộc chiến chống IS dù đây là sứ mệnh khó khăn và nguy hiểm.
Trước đó 2 ngày, Hạ viện Anh cũng “bật đèn xanh” cho chính phủ Anh trong việc triển khai lực lượng tới Syria và tham gia không kích IS…
Như vậy, sau Pháp, Anh và Đức là hai cường quốc ở Tây Âu tiếp theo gia nhập đội quân chống IS ở Syria. Một điểm đáng chú ý là lý do mà chính phủ những nước này đưa ra để thuyết phục các nghị sĩ ủng hộ kế hoạch không kích này đều là để chống khủng bố.
Giới quan sát nhận định rằng, việc Anh và Đức sớm đưa ra quyết định nói trên là chuyện bình thường bởi lẽ trước đó họ đã nhận được không ít lời kêu gọi từ phía Pháp. Hơn nữa, các vụ tấn công khủng bố ở Pháp cùng những phát hiện mới của các cơ quan tình báo châu Âu trong thời gian vừa qua về việc IS trà trộn vào dòng người di cư để tấn công khủng bố đã thực sự khiến các cường quốc này lo ngại và thấy có trách nhiệm hơn trong cuộc chiến chống IS ở Syria.
Tuy nhiên, còn một điểm nữa mang tính quyết định nhất trong việc này chính là sự tham gia của Nga tại IS. Thắng lợi của không quân Nga trong các cuộc không kích, tiêu diệt IS đã khiến Mỹ và các nước phương Tây “giật mình” nhìn lại và phải hành động ngay nếu không muốn “thất bại thảm hại”.
Khi thanh thế của Nga trong các chiến dịch quân sự ở Syria ngày càng gia tăng thì Mỹ, Anh, Pháp Đức lại càng phải dè chừng hơn nữa bởi như thế thì âm mưu sử dụng IS và các nhóm Hồi giáo cực đoan ở Syria nhằm lật đổ chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad của họ sẽ bất thành.
Tờ USNews viết: “Liên quân quốc tế chống IS do Mỹ đứng đầu không muốn những gì mà họ đã tạo ra ở Trung Đông bị thay đổi bởi Nga. Hơn nữa, mảnh đất Trung Đông giàu có tài nguyên thiên nhiên, đặc biệt là dầu mỏ đã trở thành “miếng bánh” mà không một cường quốc nào muốn nó rơi vào tay đối thủ.
Thêm vào đó, việc Tổng thống Vladimir Putin được tung hô bởi chính người dân Trung Đông đã khiến cho những quốc gia này nổi giận. Họ muốn trở thành bá chủ những vùng đất giàu có tại Syria, Iraq. Vì thế, họ phải lựa chọn phương án “đánh úp” nhằm giành lại thế chủ động”.
Nhưng theo như nhận định của giới truyền thông quốc tế thì những nỗ lực này chưa mấy hiệu quả bởi sự dịch chuyển cán cân quyền lực đang dần rời xa thế bá quyền của Mỹ. Anh, Pháp, Đức dù cố gắng đến mấy cũng vẫn “mờ nhạt” so với Nga trong cuộc chiến ở Syria.
Các con số thống kê của chính cơ quan tình báo các nước này đưa ra đều cho thấy, những đợt không kích của Mỹ đã đánh mạnh vào IS và khiến nhiều chi nhánh của tổ chức này bị tan rã. Chỉ trong 9 ngày qua, không quân Nga đã tấn công gần 1.500 mục tiêu IS trên toàn lãnh thổ Syria, giúp quân đội Syria giành lại quyền kiểm soát ở nhiều tỉnh, thành. Tuyến đường buôn lậu dầu của IS ở vùng biên giới của Iraq và Syria cũng đã bị triệt phá, nguồn cung tài chính cho tổ chức này đã bị giảm tới 1/3…
Theo Phan Hiển
Công an nhân dân