Vì sao bang của Mỹ tiêm chủng cao nhưng vẫn trở thành tâm dịch?
(Dân trí) - Việc Florida trở thành tâm dịch mới tại Mỹ dù có tỷ lệ tiêm chủng cao được xem là lời cảnh báo về sự nguy hiểm của biến chủng Delta.
Theo New York Times, trong vài tháng qua, các bang chậm tiêm chủng của Mỹ đã đối mặt với làn sóng bùng dịch do biến chủng Delta. Tuy nhiên, Florida, bang có tỷ lệ tiêm chủng được xem là cao, cũng đang phải căng mình đối phó với đợt bùng dịch lớn chưa từng có. Các thống kê chỉ ra rằng, số lượng ca Covid-19, người nhập viện và ca tử vong vì dịch bệnh ở Florida lúc này cao hơn bất cứ thời điểm nào trong đại dịch trước đó.
Trong tuần qua, trung bình Florida ghi nhận 227 người thiệt mạng vì Covid-19, trong khi số người thiệt mạng trên cả nước Mỹ trung bình mỗi ngày trong tuần qua vào khoảng hơn 1.000. Tuần qua, số ca bệnh mới trung bình một ngày là 23.314, cao hơn 30% so với đỉnh dịch trước đó ở Florida hồi tháng Một.
Số ca nhập viện ở Florida tăng gần gấp 3 so với tháng trước và nhiều bệnh viện đã chứng kiến cảnh tượng quá tải bệnh nhân.
Chú trọng tiêm vắc xin, nhưng chưa đủ
Theo New York Times, giới chức Florida chú trọng vào việc tiêm chủng vắc xin Covid-19, đặc biệt ưu tiên cho nhóm người lớn tuổi, dễ bị tổn thương. Thống đốc Florida Ron DeSantis, một thành viên đảng Cộng hòa, mở các cơ sở tiêm chủng hàng loạt và điều động nhân viên y tế tới các trung tâm hưu trí cũng như nhà dưỡng lão để tiêm vắc xin. Tại nhiều khu vực tại Florida, nhiều người trẻ cũng xếp hàng tiêm vắc xin.
Ông DeSantis và các chuyên gia y tế công cộng bang đã dự đoán trước về kịch bản số ca bệnh sẽ tăng vào mùa hè khi mọi người tụ tập trong nhà có lắp điều hòa. Tuy nhiên, tình hình thực tế đã diễn biến xấu hơn do số ca bệnh tăng mất kiểm soát.
"Đó là một điều thực sự rất buồn cho chúng tôi. Thật khó tưởng tượng chúng tôi lại quay trở lại tình trạng này", chuyên gia Natalie E. Dean từ đại học Florida, cho biết.
Theo New York Times, trên 52% dân số Florida đã tiêm chủng đủ liều, một con số ở mức khá cao. Florida xếp thứ 21 trong 50 bang và Washington DC về tỷ lệ người ở mọi nhóm tuổi đã tiêm ít nhất một liều vắc xin. Mỹ và Florida đều vắc xin là vũ khí chính để chống lại đại dịch. Tuy nhiên, câu chuyện của Florida lại cho thấy rằng dù bang này có chú trọng vào việc tiêm chủng thì chỉ một nỗ lực đó là chưa đủ khi biến chủng Delta nguy hiểm đang lây lan.
"Rõ ràng là vắc xin đã giúp hầu hết mọi người không phải nhập viện, nhưng chúng ta chưa có đủ số người tiêm để đạt được cột mốc miễn dịch cộng đồng", ông DeSantis thừa nhận trong một cuộc họp báo hồi tuần trước.
Câu hỏi được đặt ra là vì sao Florida lại bùng dịch nghiêm trọng như vậy trong khi một số bang khác có độ phủ vắc xin tương tự như họ nhưng có số ca nhập viện ít hơn nhiều?
Một trong những nguyên nhân được đưa ra là dù Florida có tỷ lệ tiêm chủng tốt nhưng chưa đủ để bảo vệ toàn bộ người dân dễ bị tổn thương. Bang này có cộng đồng người cao tuổi đông tới mức dù đã tiêm chủng cho phần lớn người lớn tuổi nhưng còn 800.000 dân thuộc nhóm này chưa tiêm chủng hoặc chưa tiêm đủ mũi. Tỷ lệ tiêm chủng ở nhóm trẻ tuổi không đều nhau, trong khi đó, các đợt bùng dịch trước đó ở Florida chỉ mang lại tỷ lệ miễn dịch tự nhiên không cao.
Coi nhẹ các biện pháp phòng dịch khác
Tuy nhiên, các chuyên gia lại chỉ ra một vấn đề ở Florida là việc bang này coi nhẹ các biện pháp phòng dịch khác.
Ví dụ, tại Oregon, nơi đã kiểm soát được dịch bệnh, bang này vẫn yêu cầu người dân phải đeo khẩu trang khi ra ngoài đường. Tuy nhiên, Thống đốc DeSantis lại hy vọng rằng Florida có thể trải qua đợt bùng dịch mà không phải áp dụng bất cứ biện pháp phòng dịch nào khác. Không có các lệnh hạn chế được áp dụng, trong khi người dân tụ tập, tiệc tùng trong suốt nhiều tháng qua.
Ngoài ra, chỉ riêng việc đeo khẩu trang cũng trở thành chủ đề gây tranh cãi ở Florida. Giới chức bang này chủ trương cấm các trường công lập bắt buộc trẻ em đeo khẩu trang tới trường và nhấn mạnh rằng việc trẻ em đeo hay không là do phụ huynh quyết định. Ông DeSantis cũng cảnh báo cắt ngân sách với những trường học không làm theo quy định mà chính quyền bang đặt ra.
Dù có tỷ lệ tiêm chủng tổng thể khá cao nhưng Florida lại tồn tại một số "lỗ hổng". Ví dụ, tỷ lệ tiêm chủng tại các viện dưỡng lão ở Florida thấp hơn hầu hết bang ở Mỹ, trừ Neveda. Tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ của nhân viên tại các cơ sở dành cho người cao tuổi cũng nằm trong số các bang thấp nhất trên toàn nước Mỹ.
Theo chuyên gia Peter Chin-Hong từ đại học California, người cao tuổi nhiều khả năng bị suy giảm miễn dịch và kéo theo việc họ có thể trở thành các ca nhiễm đột phá - tức là đã tiêm chủng đầy đủ nhưng vẫn mắc Covid-19.
Ngoài người cao tuổi, ngày càng có nhiều người trẻ tuổi tử vong vì dịch. Trước ngày 25/6, số người dưới 65 tuổi tử vong vì dịch chiếm tổng cộng 22% số ca tử vong toàn bang. Kể từ đó tới nay, con số này tăng lên 28%.
Tại 10 hạt lớn nhất Florida, 56% dân số từ 12-64 tuổi đã tiêm chủng đầy đủ, ngang bằng với con số trung bình toàn quốc. Tuy nhiên, tại các hạt còn lại, con số này chỉ là 43%. Tại 27 hạt, cứ 3 người thì có ít hơn một người trong nhóm tuổi trên tiêm chủng đầy đủ. Sự mất cân bằng trong việc tiêm chủng giữa các hạt đã kéo theo sự gia tăng ca tử vong ở nhóm người trẻ và trung tuổi.
Ngoài các lý do kể trên, các chuyên gia cũng chỉ ra một nguyên nhân khác là trước đó bang này chưa từng chứng kiến đợt bùng phát nào có quy mô nghiêm trọng. Điều đó khiến Florida mất lợi thế về miễn dịch tự nhiên so với các bang khác. Nhiều nghiên cứu chỉ ra việc từng mắc Covid-19 và khỏi bệnh giúp con người đạt được kháng thể với mầm bệnh.