Delta lây lan mạnh, các nước chọn diệt hoàn toàn hay sống cùng Covid-19?
(Dân trí) - Sự hoành hành của biến chủng Delta khiến các nước phải lựa chọn giữa việc tiếp tục cách tiếp cận "không ca nhiễm" hay học cách sống chung với nó lâu dài.
Khi New Zealand bất ngờ xuất hiện một ca Covid-19 cộng đồng mới vào tuần trước, quốc gia này ngay lập tức áp dụng cách thức mà họ đã sử dụng liên tục từ khi đại dịch bắt đầu: Phong tỏa chặt chẽ nhằm loại bỏ mầm bệnh khỏi cộng đồng.
Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern cho biết, chính phủ nước này đã nhìn thấy hiệu quả của việc nhanh chóng áp dụng các đợt phong tỏa, điều giúp họ không ghi nhận bất cứ ca bệnh nào trong 170 ngày. "Áp dụng biện pháp mạnh từ sớm có hiệu quả với New Zealand", bà Ardern nói.
Tuy nhiên, New Zealand đã nhanh chóng nhận ra, trong đợt dịch lần này, có một yếu tố mà bà Ardern mô tả là đã khiến "cuộc chơi thay đổi" - chủng Delta. Kể từ khi ca đầu tiên xuất hiện tuần trước, nước này tới nay đã ghi nhận 210 ca Covid-19.
Sự lây lan của dịch bệnh ở New Zealand đặt ra thách thức mà nhiều nước trên thế giới đã và đang theo đuổi chính sách "Không Covid-19" (Covid Zero).
Khi Delta lây lan, nhiều nước không còn rõ liệu những cách thức ứng phó, bao gồm phong tỏa, cách ly, xét nghiệm diện rộng và truy vết mầm bệnh nhanh chóng, có thể ngăn chặn được mầm bệnh lây lan hay không.
Giới chức Australia cũng đối mặt với câu hỏi tương tự rằng, liệu họ có nên tiếp tục áp dụng chiến lược "Không Covid-19", tức là cố gắng đưa số ca nhiễm mới về 0, hay chuẩn bị để sống chung với Covid-19.
Nhiều tranh cãi về chiến lược "Không Covid-19"
Tại Australia, vấn đề này đã gây ra sự chia rẽ trong chính nội bộ. Ví dụ, bang New South Wales, vốn đang trong tình trạng bùng dịch khá nghiêm trọng, gần đây đã từ bỏ chính sách "Không Covid-19", trong khi các bang khác như Tây Australia, chính quyền địa phương vẫn quyết tâm giữ chiến lược "Không Covid-19".
Các chuyên gia y tế cũng coi đây là vấn đề gây tranh cãi, dù tất cả đều đồng ý rằng việc tăng tốc tiêm chủng là cách hữu hiệu nhất để đối phó với Delta.
Ngược lại, tại Trung Quốc, đất nước tỷ dân này đã phát đi tín hiệu rằng họ sẽ không đi chệch khỏi cách tiếp cận "không khoan nhượng" với Covid-19, bất chấp sự bùng phát gần đây của biến chủng Delta. Trong đợt bùng dịch từ sân bay Nam Kinh hôm 20/7, giới chức Trung Quốc cấp tập xét nghiệm diện rộng, cách ly và hạn chế đi lại. Trên thực tế, biện pháp này đã tỏ ra có hiệu quả ít nhất tới thời điểm này khi Trung Quốc tới ngày 22/8 không ghi nhận ca Covid-19 mới.
Cùng lúc đó, giới chức Trung Quốc cũng nhấn mạnh rằng vắc xin sẽ tiếp tục là một phần quan trọng trong chiến lược chống dịch của nước này.
Tuần trước, nhà dịch tễ học Zhong Nanshan nói rằng, Trung Quốc sẽ cần tiêm chủng hơn 80% dân số để đạt được miễn dịch cộng đồng và mốc này có thể đạt được vào cuối năm nay. Vì vậy, ông Zhong nhấn mạnh, chiến lược hiện tại của Trung Quốc không tập trung vào điều trị ca bệnh mà là ngăn chặn triệt để mầm bệnh lây lan.
Tương tự, Hong Kong cũng áp dụng cách tiếp cận "Không Covid-19". Họ đã đạt được hiệu quả nhất định khi đặc khu này không ghi nhận ca Covid-19 nào trong tháng trước và 2 ca vào tháng này.
Nhà dịch tễ học Ben Cowling từ Đại học Hong Kong cho rằng, mục tiêu "Không Covid-19" đã trở thành "chiến lược tối ưu cho Hong Kong trong 18 tháng qua", nhưng cảnh báo rằng cách tiếp cận này có thể gây ra những tác động đáng kể tới kinh tế và xã hội.
Thủ tướng Australia Scott Morrison, trong tuần này, cho rằng bất cứ nỗ lực nào của New Zealand hoặc các quốc gia khác nhằm theo đuổi chiến lược "Không Covid-19" lâu dài là "vô lý".
"Bất cứ quốc gia hay vùng lãnh thổ nào nghĩ rằng họ có thể tự bảo vệ mình khỏi chủng Delta mãi mãi là vô lý. Hướng đi là hãy tiêm chủng 70-80% dân số và mở cửa lại một cách an toàn", ông Morrison nói.
Khi được hỏi về những bình luận trên, Bộ trưởng Ứng phó Covid-19 của New Zealand Chris Hipkins cho rằng còn quá sớm để từ bỏ chiến lược "Không Covid-19".