1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Chuyên gia Singapore: Không có vũ khí hoàn hảo trong cuộc chiến Covid-19

Thành Đạt

(Dân trí) - Theo chuyên gia Singapore, không có giải pháp hoàn hảo nào được áp dụng cho tất cả quốc gia và vào mọi thời điểm trong cuộc chiến chống Covid-19.

Chuyên gia Singapore: Không có vũ khí hoàn hảo trong cuộc chiến Covid-19 - 1

Khán giả không đeo khẩu trang ngồi kín chỗ trên khán đài theo dõi trận bóng đá tại Liverpool, Anh hôm 21/8 (Ảnh: EPA).

Theo Straits Times, trong cuộc chiến chống Covid-19, mỗi quốc gia có một chiến lược khác nhau. Điểm chung là tất cả đều đối mặt với một "kẻ thù vô hình" và đều có khoảng 18 tháng để trải nghiệm cuộc chiến này.

Mỗi nước tự xây dựng kế hoạch tác chiến riêng. Vào tháng 6, thành phố Sydney của Australia đã phong tỏa nhiều khu vực trong thành phố sau khi phát hiện một số trường hợp nhiễm biến chủng Delta. Kể từ đó, Sydney tiếp tục gia hạn lệnh phong tỏa và có thể kéo dài đến cuối tháng 9.

Hai thành phố Melbourne và Brisbane cũng triển khai cách tiếp cận chống dịch tương tự, mặc dù thực tế Australia là nước có tương đối ít ca nhiễm, chỉ khoảng hơn 50.000 trường hợp, trong đó có khoảng 1.000 trường hợp tử vong.

Cách chống dịch của Australia là một trong những chiến lược cứng rắn nhất thế giới, thậm chí Australia đã có lúc ngăn công dân của mình ở nước ngoài trở về nhà.

Ngược lại, Anh dường như đang chiến đấu với Covid-19 theo một cách hoàn toàn khác. Trong suốt hơn một tháng kể từ tháng 6, hàng triệu người trên thế giới đã theo dõi 4 sự kiện thể thao lớn diễn ra tại Anh, gồm các giải đấu bóng đá, tennis, golf và đua xe. Điều đáng chú ý là sự xuất hiện của đám đông cổ động viên tại các địa điểm tổ chức thi đấu. Hàng chục nghìn người được tận hưởng sự tự do khi không phải đeo khẩu trang, cổ vũ cho đội tuyển và vận động viên mà họ yêu thích.

Trong suốt "lễ hội" thể thao kéo dài một tháng, số nhiễm hàng ngày của Anh đã tăng lên hơn 30.000 trường hợp. Tuy nhiên, chính phủ Anh vẫn giữ nguyên kế hoạch dỡ bỏ hầu hết các biện pháp hạn chế chống dịch và mở cửa nền kinh tế.

Biên giới đã được mở ở phần lớn châu Âu, và cuộc sống đang trở lại gần như bình thường ở hầu hết các quốc gia trong khu vực.

Nhật Bản khiến nhiều nước thán phục khi quyết tâm tổ chức Thế vận hội trong bối cảnh dịch bệnh. Tuy nhiên, số ca bệnh tại Nhật Bản vẫn đang tăng lên và ca nhiễm hàng ngày hiện đã vượt quá 25.000 người.

Chống dịch đánh đổi bằng kinh tế?

Nếu mục tiêu đặt ra là cứu nhiều sinh mạng nhất và giảm thiểu số người chết, thì những nơi được xem chống dịch tốt nhất thường triển khai các biện pháp như áp phong tỏa nghiêm ngặt hoặc có các tuyến phòng thủ mạnh mẽ bao gồm xét nghiệm, truy vết tiếp xúc và tiêm chủng. Nhóm này gồm các nước như Trung Quốc, New Zealand, Australia, Singapore, Hàn Quốc và đều ghi nhận chưa đến 100 ca tử vong trên một triệu dân.

Nhóm thứ 2 gồm các quốc gia có cách tiếp cận tương đối thoải mái trong việc kiểm soát virus nhưng thắt chặt các biện pháp chống dịch khi số ca nhiễm tăng lên. Nhóm này thường có số ca tử vong lớn hơn nhiều so với nhóm 1, từ 500 đến 2.000 ca trên một triệu dân.

Phần lớn các nước châu Âu thuộc nhóm 2, tuy nhiên tỷ lệ tử vong ở mỗi nước trong khu vực vẫn có sự khác nhau do mức độ chống dịch khác nhau, trong đó Đức và Hà Lan ở nhóm thấp hơn (1.000 ca tử vong trên một triệu dân), còn Anh và Pháp ở nhóm cao hơn (1.700-2.000 ca tử vong trên một triệu dân).

Nhóm cuối cùng là những quốc gia cố gắng giảm thiểu việc để dịch bệnh làm gián đoạn đời sống kinh tế và xã hội, bằng việc hạn chế rất ít việc đi lại của người dân và các hoạt động khác như Thụy Điển, Mỹ và Brazil. Tỷ lệ tử vong ở Mỹ và Thụy Điển không khác nhiều so với các nước có tỷ lệ tử vong cao ở nhóm 2, trong khi tỷ lệ tử vong ở Brazil tăng vọt lên hơn 2.600 ca trên một triệu dân.

Chuyên gia Singapore: Không có vũ khí hoàn hảo trong cuộc chiến Covid-19 - 2

Singapore là quốc gia có tỷ lệ dân tiêm chủng đủ liều vắc xin Covid-19 cao nhất thế giới. Trong ảnh: Người trên 70 tuổi tiêm chủng tại một trung tâm tiêm chủng ở Singapore hồi tháng 1 (Ảnh: Reuters).

Tuy nhiên, trong trường hợp các nước đặt mục tiêu không chỉ là bảo toàn sự sống mà còn duy trì nền kinh tế, họ sẽ cần hành động như thế nào? Đây cũng là bài toán đặt ra đối với hầu hết các nước châu Âu và Mỹ.

Nhiều người cho rằng, những nước nới lỏng chống dịch sẽ không bị thiệt hại nhiều về kinh tế, nhưng dữ liệu thực tế lại cho thấy kết quả khác.

Một số khu vực phong tỏa nghiêm ngặt nhất đã ghi nhận tăng trưởng dương trong năm ngoái: Đài Loan (3,1%), Trung Quốc (2,3%), New Zealand (1%). Các nền kinh tế khác cũng thuộc nhóm này gồm Hàn Quốc, Australia, Singapore lần lượt ghi nhận mức tăng trưởng -1%, -0,3% và -5,4%.

Trong khi đó, tăng trưởng kinh tế của các nước thuộc nhóm thứ 2 gồm những nước chống dịch theo từng giai đoạn: Hà Lan (-3,87%), Đức (-4,9%), Pháp (-8,1%), Anh (-9,8%).

Nhóm thứ 3 gồm những nước không áp đặt quá nhiều biện pháp hạn chế chống dịch: Thụy Điển (-2,8%), Mỹ (-3,5%), Brazil (-4,1%).

Khi diễn giải các dữ liệu trên cần lưu ý rằng, nền kinh tế của mỗi quốc gia là khác nhau và tăng trưởng kinh tế bị ảnh hưởng không chỉ bởi các hạn chế về y tế cộng đồng mà còn phụ thuộc vào cấu trúc của nền kinh tế hay sự phụ thuộc vào các yếu tố bên ngoài… Nhưng ngay cả khi tính đến các yếu tố này, điều đáng ngạc nhiên là các quốc gia áp dụng các biện pháp chống Covid-19 khắc nghiệt nhất lại không chứng kiến sự sụt giảm kinh tế lớn nhất. Ngay cả ở Australia và New Zealand, sự sụt giảm kinh tế cũng ít hơn nhiều so với Anh và Pháp.

Do đó, sẽ là sai lầm khi cho rằng một quốc gia dốc toàn lực để cứu sống sinh mạng của người dân trước Covid-19 nhất định sẽ phải đánh đổi bằng chi phí kinh tế cao nhất.

Phân tích trên áp dụng trước khi vắc xin được phổ biến rộng rãi và được coi là vũ khí chống dịch của hầu hết quốc gia.

Giờ đây, đối với nhiều quốc gia đã tiêm chủng cho phần lớn người dân, vấn đề đặt ra là làm thế nào để mở cửa dần nền kinh tế trong khi vẫn áp dụng đủ các biện pháp để ngăn chặn các ca nhiễm.

Những bài học kinh nghiệm

Theo Han Fook Kwang, nhà nghiên cứu tại Trường Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam, Đại học Công nghệ Nanyang, các bài học kinh nghiệm từ thời kỳ chưa có vắc xin vẫn còn hữu ích trong giai đoạn hiện nay, khi thế giới đã có vắc xin.

Thứ nhất, không có giải pháp hoàn hảo nào được áp dụng cho tất cả quốc gia và vào mọi thời điểm. Một số quốc gia từng được xem là thành công trong việc giảm số ca nhiễm lại đang ghi nhận số ca nhiễm tăng kỷ lục trở lại, chẳng hạn Nhật Bản và Hàn Quốc.

Cách tiếp cận của Singapore được Bộ trưởng Y tế Ong Ye Kung mô tả gần đây là "trung hòa", không quá chặt chẽ nhưng cũng không quá tự do. Đây là cách tiếp cận phù hợp khi một quốc gia phải đối mặt với một tình huống chưa từng có tiền lệ với kết quả không chắc chắn.

Thứ hai, mặc dù không có cách tiếp cận chung cho tất cả các nước, nhưng việc duy trì sự nhất quán trong việc chống dịch rõ ràng có thể mang lại hiệu quả nhất định.

Theo Giáo sư Igor Rudan tại Đại học Edinburgh, các quốc gia châu Âu, những nước áp dụng phương pháp dập dịch theo từng đợt, thường quá chậm để ứng phó với đợt bùng phát dịch mới và nhiều nước bị choáng ngợp khi xuất hiện đợt dịch mới. Cách tiếp cận của các nước này thường mang tính phản ứng tức thì hơn là chủ động, và thiếu sự nhất quán. Trong trường hợp này, họ không chỉ ghi nhận số ca tử vong cao mà còn không đạt được lợi ích kinh tế nào.

Bài học thứ 3 liên quan đến việc đại dịch đã ảnh hưởng như thế nào đến các nhóm dân cư dễ bị tổn thương, bao gồm cả người nghèo. Theo nghiên cứu mới nhất do Trường Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam công bố, nhóm này bị thiệt hại nhiều nhất về thu nhập và mất việc làm.

Khi các nước như Singapore mở cửa trong giai đoạn hậu vắc xin, họ cần tiếp tục theo dõi nhóm dân số dễ bị tổn thương để đảm bảo những người này có thể hưởng lợi từ các cơ hội việc làm sẵn có.