1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Về giấc mơ siêu cường số 1 của Trung Quốc

“Cốt lõi tinh thần Trung Hoa vẫn là cái được George Russell viết về cái tinh thần Ireland, hai bên giống nhau đến lạ lùng, cái tinh thần tin vào mọi điều theo lối tưởng tượng dân dã."

Với tư cách là người am tường văn học Trung Hoa, nữ văn sĩ Mỹ Pearl Buck (tên tiếng Trung là Trại Trân Châu giải Nobel năm 1938) đã nhận xét: “Cốt lõi tinh thần Trung Hoa vẫn là cái được George Russell viết về cái tinh thần Ireland, hai bên giống nhau đến lạ lùng, cái tinh thần tin vào mọi điều theo lối tưởng tượng dân dã. Nó tạo nên những con tàu bằng vàng, cột buồm bằng bạc và những thành phố trắng bên bờ biển, những truyện trả công, các nàng tiên và khi cái tư duy dân dã bao la ấy biến thành chính trị, thì con người sẵn sàng tin vào mọi thứ… Niềm tin vào điều siêu nhiên vẫn tồn tại trong người dân xứ này và nó còn mãi tới ngày nay, thành một phần cuộc sống Trung Hoa”.

 

Tư duy ấy đã được chuyển hóa vào chính trị như thế nào? Trong khoảng 100 năm qua, các chính trị gia hàng đầu của Trung Quốc đã nhiều lần nhắc tới việc nước này phải đứng đầu thế giới, mà tiêu biểu là thông qua phát ngôn của Tôn Trung Sơn – người tiên phong của cách mạng dân chủ, Mao Trạch Đông – người sáng tạo ra Trung Quốc mới và Đặng Tiểu Bình – nhà thiết kế cải cách mở cửa.

 

1. Trong thời đại Trung Quốc là “nước nghèo nhất thế giới”, Tôn Trung Sơn đã yêu cầu “mọi người phải lập chí”, xây dựng Trung Quốc trở thành “nước giàu mạnh nhất thế giới” và kêu gọi 400 triệu người dân phải có nguyện vọng và ý chí này. Năm 1894, trong thư gửi lên Lý Hồng Chương, quan đại thần triều Thanh, Tôn Trung Sơn đã đề xuất cương lĩnh cải cách “nhân năng tận kỳ tài, địa năng tận kỳ lợi, vật năng tận kỳ dụng, hóa năng sướng kỳ lưu” (có thể phát huy hết tài năng của mọi người, có thể khai thác hết tác dụng của đất đai, có thể lợi dụng hết công năng của vạn vật, có thể để cho hàng hóa được lưu thông). Thực hiện được bốn điều này, Trung Quốc “có thể vượt lên châu Âu”. Tôn Trung Sơn mong muốn “người Trung Quốc phải làm nên những kỳ tích vĩ đại nhất nhân loại”, với “bốn nhất” gồm mạnh nhất thế giới, giàu nhất thế giới, nền chính trị tốt nhất thế giới, dân chúng hạnh phúc nhất thế giới hoặc “sáu nhất” gồm lớn nhất, ưu việt nhất, tiến bộ nhất, trang nghiêm nhất, giàu có nhất và bình yên sung sướng nhất.

 

Bố trí lực lượng trong tàu đổ bộ Tĩnh Cương Sơn


Bố trí lực lượng trong tàu đổ bộ Tĩnh Cương Sơn

 

Trong cuộc đời kéo dài 58 năm 8 tháng, có tới 10 năm 1 tháng Tôn Trung Sơn sống ở Mỹ và châu Âu, mục tiêu “Trung Quốc cần trở thành nước giàu mạnh nhất thế giới được xây dựng trên cơ sở những năm tháng đi du ngoạn của ông. Trong chủ nghĩa tam dân, ông nêu rõ: “Dân tộc Trung Hoa là dân tộc lâu đời nhất thế giới, là dân tộc lớn nhất thế giới, là dân tộc văn minh nhất thế giới, là dân tộc có khả năng đại đồng hóa nhất thế giới… So với các dân tộc khác trên thế giới, dân tộc chúng ta vẫn đông nhất và lớn nhất. Từ thế hệ này sang thế hệ khác, cho đến nay vẫn là dân tộc ưu tú nhất trên thế giới”.

 

Ông đưa ra nhận xét: “Chúng ta có đất đai rộng lớn, dân số đông, tài trí thông minh bẩm sinh ưu thế hơn nhiều so với Mỹ, châu Âu và Nhật Bản. Đất nước chúng ta cải tạo tốt, Trung Quốc cường thịnh, còn phải vượt lên Mỹ, châu Âu và Nhật Bản. Mọi người phấn đấu vì đất nước, xây dựng một đất nước tốt đẹp nhất thế giới, thế mới là có ý chí lớn. Hy vọng mọi người từ nay phải có ý chí lớn”. Ông cũng nhận định: “Trung Quốc cần phải xây dựng cơ nghiệp. Chúng ta không có vốn thì mượn vốn nước ngoài. Chúng ta không có nhân tài thì sử dụng nhân tài của nước ngoài. Phương pháp của chúng ta không tốt thì vận dụng phương pháp của nước ngoài. Lẽ nào lại không văn minh hơn nhiều lần so với các nước ở phương Tây và phương Đông?”.

 

Ngày 26/10/1912, phát biểu tại buổi chiêu đãi các học viên Trường Quân chính Nam Xương, Tôn Trung Sơn nêu rõ từ nay về sau hy vọng sâu sắc các học viên phát huy khí thế hào hùng, chăm chỉ nghiên cứu học tập, để đồng bào đều có tinh thần thượng võ. Trung Quốc khi đó có 400 triệu dân, kế hoạch của Tôn Trung Sơn là xây dựng lực lượng quân đội và kỹ thuật với 40 triệu quân, chiếm 1/10 dân số.

 

Ngày 18/8/1916, trong diễn thuyết của mình, Tôn Trung Sơn nói: “Các nước văn minh trên thế giới hiện nay phần lớn đều thực hiện tam quyền phân lập, tuy có nhiều lợi ích nhưng cũng có nhiều cái hại, vì thế 15 năm trước tôi mới đưa ra “ngũ quyền phân lập”. Đó là ngoài lập pháp, tư pháp và hành chính ra, còn có thêm chế độ chất vấn và thi cử. Hai chế độ này không có gì là mới đối với nước ta, từ thời cổ đã có, là cách làm hay, có thể trở thành mô hình của các nước trên thế giới trong thời kỳ cận đại”.

 

Nói đến ưu thế trí tuệ, ngày 21/12/1923, phát biểu tại buổi liên hoan của sinh viên Trường Lĩnh Nam, Quảng Châu, Tôn Trung Sơn đã nói: “Trên toàn nước Mỹ, tài trí thông minh vốn có của người Trung Quốc đều được người Mỹ thừa nhận, cho dù là học trường nào hay lớp nào ở Mỹ, điểm thi mỗi học kỳ của sinh viên Trung Quốc đều cao hơn sinh viên Mỹ… Khi Mỹ tách khỏi Anh, dân số chỉ 4 triệu người, cả nước chỉ có 13 tỉnh thành phố, toàn là những vùng đất hoang sơ. Về dân số chỉ bằng 1/100 Trung Quốc hiện nay. Trung Quốc hiện có 400 triệu dân với 22 tỉnh thành phố, tài nguyên phong phú. Nước Mỹ bé nhỏ như vậy lại có thể làm nên nghiệp lớn như hiện nay, nếu có thể đi theo con đường cách mạng của Mỹ, Trung Quốc người đông, tài nguyên phong phú thì kết quả trong tương lai đương nhiên sẽ tốt đẹp hơn Mỹ”.

 

Trong cuốn “Phương lược kiến quốc”, ông nhắc lại: “Đất đai của Trung Quốc rộng lớn hơn Mỹ. Tài nguyên khoáng sản phong phú, đứng vào hàng đầu thế giới. Dân số có tới 400 triệu người, cũng đứng đầu thế giới. Tài trí thông minh của người Trung Quốc cũng nổi tiếng từ thời xa xưa. Việc kế thừa nền văn hóa 5.000 năm cũng là điều thế giới chưa từng có. Hàng nghìn năm trước cũng đã từng là quốc gia hùng mạnh trên thế giới”. Ngày 10/10/1919, trong cuốn “Các ngành của Trung Quốc nên phát triển như thế nào”, Tôn Trung Sơn viết: “Trung Quốc đất rộng, của cải nhiều, nông sản và khoáng sản phong phú, không những đuổi kịp mà còn có thể vượt Mỹ. Sức lao động của Trung Quốc nhiều gấp 4 lần so với Mỹ, nước ta chỉ thiếu vốn và tài năng. Nếu nước ta có 2 nhân tố này thì các ngành của nước ta sẽ phát triển, không chỉ ngang bằng Mỹ, mà còn có thể gấp 4 lần Mỹ”.

 

2. Mao Trạch Đông cũng là một người theo đuổi ý tưởng “đứng đầu thế giới”, ông cho rằng vượt qua Mỹ là trách nhiệm của người Trung Quốc. Ngày 29/10/1955, trong bài phát biểu tại cuộc hội đàm về cải tạo công thương nghiệp TBCN, Mao Trạch Đông từng nói: “Mục tiêu của chúng ta là phải đuổi kịp và vượt Mỹ. Nước Mỹ chỉ có hơn 100 triệu dân, còn chúng ta có hơn 600 triệu dân, do đó chúng ta phải đuổi kịp Mỹ… Ngày nào đuổi kịp Mỹ, vượt qua Mỹ chúng ta mới mở mày mở mặt. Hiện chúng ta vẫn chưa là gì, bị các nước khác chèn ép… Chúng ta cần phải lãnh trách nhiệm này. Trên thế giới, cứ bốn người chúng ta có một người, do đó không phấn đấu vươn lên là điều không thể chấp nhận được, chúng ta nhất định cần phải phấn đấu vươn lên không chịu thua kém”.

 

Năm 1956, phát biểu tại lễ tưởng niệm Tôn Trung Sơn, Mao Trạch Đông nói: “Là quốc gia rộng 9,6 triệu km2 và có hơn 600 triệu dân, Trung Quốc cần phải có đóng góp tương đối lớn đối với nhân loại. Song trong thời gian dài quá khứ, đóng góp này lại quá nhỏ. Điều này khiến chúng ta cảm thấy hổ thẹn… Vượt qua Mỹ, không chỉ có thể mà còn hoàn toàn cần thiết, hoàn toàn đáng làm. Nếu không như vậy thì dân tộc Trung Hoa chúng ta có lỗi với các dân tộc trên thế giới, cống hiến của chúng ta cho nhân loại quá nhỏ bé”.

 

Cũng trong năm 1956, khi bàn về vấn đề vượt qua Mỹ tại hội nghị trù bị Đại hội ĐCS Trung Quốc lần thứ 8, Mao Trạch Đông nói: “Liệu có nên đuổi theo Mỹ hay không? Hoàn toàn nên. 600 triệu dân số của chúng ta làm gì đây? Ngủ ư? Nên ngủ hay nên làm việc? Nếu nói cần làm việc, người ta (Mỹ) 170 triệu dân sản xuất 100 triệu tấn thép, thế chúng ta với 600 triệu dân không thể sản xuất 200-300 triệu tấn ư? Nếu không thể đuổi kịp được thì chúng ta chẳng còn lý do gì để biện minh, chẳng còn vinh quang cũng như chẳng còn vĩ đại gì nữa. Nước Mỹ mới chỉ thành lập được 180 năm, sản lượng thép 60 năm trước cũng chỉ đạt được 4 triệu tấn, vậy chúng ta lạc hậu so với Mỹ 60 năm. Giá như có thêm 50-60 năm, chúng ta hoàn toàn nên vượt qua Mỹ. Đây là một trách nhiệm. Có dân cư đông, đất đai rộng lớn, tài nguyên phong phú, lại đang xây dựng CNXH, nhưng sau 50-60 năm xây dựng đất nước mà vẫn không đuổi kịp Mỹ thì chúng ta sẽ ra sao đây? Chúng ta sẽ bị khai trừ khỏi thế giới!”.

 

Tháng 5/1958, tại Hội nghị lần thứ hai khóa 8 của Đảng, Phó thủ tướng Lý Phú Xuân nêu rõ: 7 năm đuổi kịp Anh, 15 năm đuổi kịp Mỹ. Trong lời phê, Mao Trạch Đông sửa lại thành: 7 năm đuổi kịp Anh, thêm 8-10 năm đuổi kịp Mỹ. Ngày 22/6/1958, Mao Trạch Đông tiếp tục nhận xét một báo cáo của Phó thủ tướng Bạc Nhất Ba: vượt Anh, đuổi kịp Mỹ không phải là 15 năm, cũng không phải là 7 năm, mà chỉ cần 2-3 năm, 2 năm là có thể. Ngày 2/9/1958, Mao Trạch Đông sửa lại một chút và tuyên truyền khẩu hiệu: Hãy phấn đấu vì mục tiêu 5 năm đuổi kịp Anh, 7 năm vượt qua Mỹ! Để thực thi chiến lược này, Mao Trạch Đông đã phát động cuộc vận động “Đại nhảy vọt”. Tại hội nghị ở Nam Ninh đầu năm 1958, Mao Trạch Đông tuyên bố: “Tôi không tin xây dựng đất nước khó khăn hơn đánh trận”…

 

3. Tới thời Đặng Tiểu Bình, tuy trong những phát biểu và sách báo công khai không đề cập tới những từ ngữ như “Trung Quốc đứng đầu”, “đuổi kịp, vượt qua Mỹ”, nhưng quan điểm không thay đổi. Ngày 24/5/1977, Đặng Tiểu Bình từng nói: “Minh Trị Duy Tân (Nhật Bản) là công cuộc hiện đại hóa do giai cấp tư sản thực hiện, chúng ta là giai cấp vô sản có khả năng thực hiện tốt hơn họ”. Trong thập niên 80 của thế kỷ XX, Đặng Tiểu Bình từng đề xuất thực hiện “chiến lược ba bước” với thời gian 70 năm, đến khi kỷ niệm 100 năm dựng nước thì thực hiện được mục tiêu chiến lược của Trung Quốc. Bước thứ nhất, cần 10 năm để đạt được mức sống ăn no mặc ấm; bước thứ hai, cần 10 năm để đạt được mức khấm khá, bước thứ ba, cần 50 năm trong thế kỷ XXI để thực hiện mục tiêu vĩ đại chấn hưng dân tộc. Ngày 15/4/1985, Đặng Tiểu Bình nhấn mạnh: “Nay chúng ta thực hiện việc mà Trung Quốc vài nghìn năm qua chưa từng làm. Cuộc cải cách này không chỉ ảnh hưởng tới Trung Quốc, mà còn tác động tới thế giới”. Ngày 7/4/1990, tại cuộc tọa đàm “Chấn hưng dân tộc Trung Hoa” lần thứ nhất, Đặng Tiểu Bình nhấn mạnh: “Thế kỷ tới, Trung Quốc rất có triển vọng”. Ông cũng nói: “Từ nay đến giữa thế kỷ sau sẽ là thời kỳ rất gấp gáp, chúng ta cần chăm chỉ làm việc. Trên vai chúng ta mang gánh nặng, trách nhiệm lớn”.

 

Mới đây, chuyên gia Gergely Varga, nhà nghiên cứu thuộc Viện Quốc phòng và chiến lược Hunggari, nhằm lý giải những ý đồ quân sự thực sự của Trung Quốc đã nhắc lại, trụ cột chính trong chiến lược của Trung Quốc đã được đưa ra trong chiến lược nổi tiếng của Đặng Tiểu Bình với 24 chữ như sau: “Lặng lẽ quan sát; giữ vững trận địa; bình tĩnh ứng phó; giấu mình chờ thời; giỏi về phòng thủ; quyết không đi đầu”.

 

“Giấu mình” nhưng vẫn là tư duy đứng đầu thế giới.

 

Theo báo “Bưu điện Huffington” (Mỹ) ngày 30/5/2012, hơn 20 năm kể từ khi Liên Xô tan rã và sau khi thế giới trải qua giai đoạn “đơn cực” do Mỹ đứng đầu, Trung Quốc đang dần nổi lên thành siêu cường mới nhất. Tất cả các siêu cường trước đây thường thiết lập vị thế của họ bằng sức mạnh quân sự ghê gớm, song Trung Quốc lại tiến tới địa vị siêu cường bằng một con đường khác. Nhận thấy để đuổi kịp Mỹ bằng sức mạnh quân sự, Trung Quốc có thể sẽ phải trả giá đắt, Bắc Kinh đã chú trọng đến “sức mạnh mềm” bằng cách nỗ lực mở rộng tầm ảnh hưởng thông qua “lực hấp dẫn” chứ không phải là sự ép buộc. Mặc dù Bắc Kinh vẫn tiếp tục duy trì sức mạnh với các nước khác bằng vũ khí, kinh tế, đầu tư và thương mại, song Trung Quốc đã trở thành nước đại diện cho nền ngoại giao công chúng tích cực nhất thế giới.

 

Trung Quốc đã chi khoảng 7 tỉ USD cho các nỗ lực phát thanh quốc tế, nhiều trăm triệu USD để xây dựng mạng lưới các Viện Khổng Tử trên toàn thế giới và đổ một khối lượng tiền lớn vào các dự án quan trọng khác như các chương trình giao lưu và trao đổi giáo dục, các chương trình quảng cáo trên các bảng điện tử đắt giá tại Quảng trường Thời Đại của TP NewYork (Mỹ). Bên cạnh đó, một số trường đại học tổng hợp nổi tiếng của Trung Quốc đang giảng dạy về nền ngoại giao công chúng và coi đây như một môn học chủ yếu để huấn luyện thế hệ tiếp theo trở thành các chuyên gia trong lĩnh vực này. Báo này nhận xét rằng, không nôn nóng, Trung Quốc chấp nhận các thực tiễn của một “siêu cường chậm”.

 

Từ cuối tháng 12/2007, Trung Quốc đã trang bị tàu đổ bộ đầu tiên mang tên Côn Luân Sơn cho Hạm đội Nam Hải. Tháng 7/2011, Trung Quốc tiếp tục hạ thủy tàu đổ bộ lớn nhất nước này mang tên Tĩnh Cương Sơn có trọng tải khoảng 19.000 tấn, dài 210m, rộng 28m và được cho rằng có thể chở một tiểu đoàn lính thủy đánh bộ (400-800 lính), từ 15-20 xe quân sự. Boong phía sau có sân bay đủ rộng cho đồng thời hai chiếc trực thăng vận tải Z-8/AS-321 Super Frelon cất, hạ cánh. Mỗi trực thăng này có thể chở 30 lính đổ bộ được vũ trang đầy đủ. Khoang tàu phía sau có thể chứa tới 4 tàu đổ bộ đệm không khí. Các khoang chứa phía trước có thể mang 2 tăng T-99. Cuối tháng 5/2012, Tập đoàn Công nghiệp đóng tàu Trung Quốc tiếp tục đưa ra bản thiết kế tiêu chuẩn của tàu đổ bộ trực thăng thế hệ mới, có lượng giãn nước lên tới 25.000 tấn, có khả năng chở 1.068 binh lính và 8 trực thăng, đáp ứng yêu cầu cất – hạ cánh của 4 trực thăng hạng nặng trong điều kiện sóng gió cấp 6. Theo báo chí phương Tây, đây là thiết kế tàu đổ bộ hạng nặng ấn tượng nhất của Trung Quốc tính cho đến thời điểm này.

 

Theo Trần Thế Vinh

Petrotimes/Năng lượng Mới

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm