1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Vào “lò luyện” hoa hậu ở Venezuela (3)

Xem lại lịch sử các cuộc thi người đẹp, từ năm 1952 tới 1975, Mỹ hầu như thống trị cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ như thể đó là cuộc thi sắc đẹp của riêng đất nước họ vậy. Thế nhưng, Venezuela đã tước mất vị trí dẫn đầu của Mỹ từ hơn 25 năm nay, một thời gian khá dài mà chưa bị lật đổ. Điều đó khiến nhiều người nhầm tưởng rằng Venezuela là mảnh đất màu mỡ sản sinh ra toàn những cô gái đẹp.

Dao kéo và tiền bạc

 

Ông M.Fuenmayor, một chuyên gia sắc đẹp, thừa nhận sự hình thành và phát triển của "nền công nghiệp hoa hậu" là nguyên nhân quyết định đưa Venezuela gặt hái những thành công như ngày nay.

 

Ví như trường hợp Ana Karina Ánez, đại diện của Venezuela tham dự Hoa hậu Hoàn vũ năm 2004 thừa nhận là cô đã từng nhờ đến sự giúp đỡ của dao kéo. Cô nói: "Tôi đã được giải phẫu để có bộ ngực lớn hơn".

 

Chuyên gia nọ giải thích các cô gái thường tiến hành các cuộc giải phẫu thẩm mỹ từ khá sớm, khi đang ở tuổi dậy thì. Ở độ tuổi này, chỗ giải phẫu có khả năng thích nghi tốt. Theo thời gian, các kết quả nhân tạo sẽ trở nên tự nhiên hơn. Nếu chỉ nhìn thôi, khó lòng phát hiện. Đó là những can thiệp lớn trên ngực, bụng hay đùi. Cón những giải phẫu "tí ti" mang tính chất làm đẹp bề ngoài thì với những đôi tay điều luyện, không phải là vấn đề quá khó. Nó có thể thực hiện trong thời gian ngắn trước khi dự thi.

 

Dù giành được chiến thắng hay không, các cô gái vẫn cố gắng để đáp ứng được "thông số kỹ thuật" chuẩn của ba vòng ngực-eo-mông mà cuộc thi đưa ra là 90-60-90. Về chiều cao, ban tổ chức quy định các cô phải đạt được hơn 1m73.

 

Bên cạnh những kỹ thuật làm đẹp đã được nâng lên thành công nghệ, nền "công nghiệp hoa hậu" của Venezuela nhận được một nguồn tài chính khổng lồ từ các nhà tài trợ. Nguồn tiền bạc này chi trả các chi phí kinh hoàng mà không phải người đẹp nào trên thế giới có thể mơ được.

 

Chỉ riêng việc chuẩn bị quần áo đã là một câu chuyện. Bà A.Eloy Munoz, phụ trách trang phục của Ngôi nhà hoa hậu, cho hay 28 cô gái xinh đẹp tham dự vòng chung kết cuộc thi hoa hậu mỗi cô được mặc một bộ đầm thiết kế riêng với giá trung bình khoảng 8.000 USD. Những nhà thiết kết thời trang hàng đầu của Venezuela tranh nhau giới thiệu ngân hàng trang phục của mình nhiều tháng trước khi cuộc thi diễn ra. Mặc dù vậy, ban tổ chức thường đòi hỏi những nhà thiết kế có uy tín như Durant&Diego và Jose Maria Almeida. Họ luôn là những đơn vị được sắm sửa trang phục cho những người chiến thắng.

 

Không một mẫu quần áo nào được ưu đãi lựa chọn bằng cách không đúng đắn. Đỉnh điểm của giá trị quần áo chuẩn bị cho một hoa hậu Venezuela tham dự cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ trị giá đến nửa triệu USD. Đó là trường hợp của Hoa hậu Claudia Moreno hồi năm 2000. Cô đã mang theo vài trăm bộ quần áo, hai tá giày, một tá bộ đồ tắm hai mảnh, một bộ trang phục truyền thống được làm thủ công, bốn bộ đầm dạ hội và một tá sắc tay, ví đến đảo Síp để tham dự cuộc thi. Tất cả những vật phẩm ấy đều được đo, may riêng bởi những nhà thiết kế hàng đầu Venezuela.

 

Phù thủy Osmel

 

 

Vào “lò luyện” hoa hậu ở Venezuela (3) - 1

Hoa hậu Venezuela 2003

Valentina Patruno.

(fundaciondoctordepando.com)

Sự thành công của Venezuela hôm nay còn là công lao làm việc cật lực của một nhân vật nổi tiếng trong thế giới người đẹp - Osmel Sousa. Ông nắm giữ chức Chủ tịch tổ chức hoa hậu trong 25 năm qua và số lần chứng kiến các người đẹp của mình đăng quang thì nhiều gấp ba lần số năm ông làm việc. Đến nỗi chính ông nói ra một câu khá "chảnh rằng": "Tôi sẽ nghỉ hưu sau hơn hai thập kỷ lãnh đạo tổ chức hoa hậu này. Đã đến lúc tôi thấy chán vì liên tục chứng kiến các danh hiệu hoa hậu của thế giới được trao từ tay cô gái Venezuela này sang cô gái Venezuela khác".

 

Osmel Sousa có lý do để "chảnh". 25 năm chịu trách nhiệm tổ chức cuộc thi hoa hậu Venezuela là 25 năm rực rỡ của đất nước này. Không năm nào, Venezuela không mang về ít nhất một danh hiệu hoa hậu quốc tế. Ông được coi là một phù thủy có thể biến những hoa hậu bình thường trở thành hoa hậu thế giới. Vậy ông có bí quyết gì? Osmel Sousa không giấu giếm: "Chuyện “làm mới” đôi chút và giải phẫu thẩm mỹ là điều quá rõ ràng". Tuy nhiên, "làm mới" tới mức nào thì ông không tiết lộ.

 

Ông luôn ngồi trong hội đồng tuyển chọn người đẹp ở tất cả các cuộc thi chung kết cấp khu vực hay thậm chí một buổi diễn thử trực tiếp. Sự lựa chọn của ông thường xuyên làm đảo lộn toàn bộ kết quả, điểm số của ban giám khảo khu vực. Osmel có một nhãn quan đặc biệt. Ông dễ dàng "bói" ra hoa hậu mà người khác không nhận thấy được.

 

Không chỉ "làm mới" những người đẹp đã có trong tay, Osmel còn ra cả nước ngoài săn tìm người đẹp. Và một thực tế ít người biết, trong những năm gần đây, Venezuela "nhập khẩu" khá nhiều người đẹp từ nước ngoài. Họ có thể đang học tại các trường đại học hay những người mẫu quốc tế. Các cô gái này được sinh ra và có quốc tịch Venezuela nhưng lớn lên ở nước ngoài.

 

Kể về trường hợp hoa hậu Valentina Patruno đại diện cho tiểu bang Miranda năm 2003 và đại diện cho Venezuela dự thi hoa hậu thế giới năm 2004, Osmel nói: "Tôi gặp cô ấy ở Florida (Mỹ). Cô ấy đã đạt danh hiệu người đẹp Carnival của Miami, hoa hậu Italy tại Mỹ và hoa hậu Italy ở nước ngoài. Sau ba chiến thắng quan trọng, tôi đã có lời mời cô tham dự cuộc thi Hoa hậu Venezuela. Chúng tôi cố gắng đối xử với cô như bất kỳ người đẹp nào khác".

 

Trong khi đó, Andrea Gomez, cô hoa hậu có đôi môi gợi cảm, đôi mắt xanh lơ, đại diện của Venezuela ở cuộc thi Hoa hậu liên lục địa 2004 cũng là một người sống ở Mỹ. Andrea Gomez vừa học vừa hành nghề người mẫu ở Miami. Ngay cả Monica Spear, vừa đại diện Venezuela dự thi Hoa hậu Hoàn vũ 2005 tại Thái Lan cũng là "hàng nhập". Sinh vào ngày 1/10/2004 tại bang Maracaibo, nhưng sau đó, Monica Spear đã sang Mỹ cùng với cha. Năm 2004, cô quay về Venezuela và đăng ký đại diện cho bang Guarico để dự thi Hoa hậu Venezuela.

 

Đó chỉ là những gương mặt nổi bật đã giành được các danh hiệu người đẹp quan trọng của Venezuela. Những trường hợp nhập khẩu chưa đoạt giải khác không phải là ít.

 

Theo Tiền phong