Vai trò hỗ trợ Ukraine của nhà máy sản xuất xe tăng ở Mỹ
(Dân trí) - Cách chiến tuyến hàng nghìn km, một nhà máy sản xuất thiết bị quân sự ở thành phố nhỏ miền trung tây Lima, bang Ohio đóng vai trò quan trọng trong chiến lược trang bị vũ khí cho Ukraine của Mỹ.
Thuộc sở hữu của quân đội Mỹ và do tập đoàn General Dynamics điều hành, nhà máy có tên chính thức là Trung tâm Sản xuất Hệ thống Lima có kế hoạch tân trang xe tăng Abrams để Mỹ chuyển đến hỗ trợ cho Ukraine. Họ cũng đang chuẩn bị chế tạo phiên bản xe tăng Abrams mới cho Ba Lan, các quan chức quân đội Mỹ cho biết khi đến tham quan nhà máy hôm 16/2.
Có mặt trong chuyến thăm này, Bộ trưởng Lục quân Mỹ Christine Wormuth cho biết, rất có khả năng nhà máy này sẽ là nơi cung cấp xe tăng chính cho Ukraine.
"Chúng tôi vẫn đang xem xét các lựa chọn về phiên bản xe tăng nào sẽ được cung cấp cho Ukraine. Tôi nghĩ vẫn còn một số vấn đề cần phải giải quyết", bà Wormuth nói.
Các quan chức Mỹ từ chối cung cấp thông tin chi tiết về những chiếc Abrams cuối cùng sẽ được chuyển đến Ukraine, nói rằng họ phải quyết định xem có nên gửi xe tăng Lục quân, xe tăng Thủy quân lục chiến cũ đã được tân trang lại hay một số phiên bản khác. Nhưng cho dù là gửi phiên bản nào, các xe tăng sẽ phải cần được nâng cấp tại nhà máy Lima trước khi được vận chuyển tới chiến trường Ukraine.
Hôm 16/2, các quan chức cho biết, tổng sản lượng tại nhà máy đã thay đổi dựa theo nhu cầu hợp đồng. Và mặc dù nhà máy hiện đang chế tạo 15-20 xe bọc thép mỗi tháng - bao gồm cả xe tăng - nhưng nó có thể dễ dàng tăng lên 33 chiếc mỗi tháng và có thể chế tạo nhiều hơn nếu cần.
Bộ trưởng Wormuth cho biết, thời hạn gửi Abrams tới Ukraine phụ thuộc vào việc Mỹ lấy xe tăng từ kho huấn luyện quân sự hiện có của họ hay từ các đơn vị Lục quân. Việc điều xe từ các đơn vị lục quân là khó hơn vì có thể ảnh hưởng đến năng lực sẵn sàng chiến đấu của Mỹ.
Ngoài ra còn vấn đề về các hợp đồng bán hàng hiện tại, bao gồm 250 phiên bản mới nhất cho Ba Lan và khoảng 75 chiếc cho Australia.
Mới đây, trong một quyết định đảo ngược kịch tính, chính quyền Tổng thống Joe Biden đã thông báo sẽ hỗ trợ 31 xe tăng M1A2 Abrams cho Ukraine sau nhiều tháng khẳng định rằng, "cỗ máy chiến đấu" nặng 70 tấn này quá phức tạp và cũng quá khó để bảo trì và sửa chữa.
Ngay sau quyết định của Mỹ, Đức cũng nối gót, tuyên bố sẽ gửi xe tăng Leopard 2 tới Ukraine và cho phép Ba Lan cùng các đồng minh khác làm điều tương tự.
Khi đi bộ trên các làn đường sản xuất trong nhà máy, bà Wormuth đã nhìn thấy phiên bản mới nhất của Abrams khi nó được biến đổi từ một thân xe bọc thép rỗng thành một chiếc xe tăng mới được sơn sáng bóng. Quá trình này mất từ 18-24 tháng.
Mỹ không chế tạo xe tăng mới 100%. Họ có một hạm đội khoảng 2.500 chiếc Abrams, và sử dụng những chiếc xe tăng cũ hơn, phá bỏ chúng và sử dụng thân xe rỗng làm điểm khởi đầu để chế tạo một chiếc mới. Một số thân xe đã được tân trang lại nhiều lần.
Khoảng 800 nhân công đang làm việc tại nhà máy ở tây bắc Ohio. Không gian sản xuất rộng gần 500 km vuông của nó là nơi duy nhất sản xuất xe tăng M1A2 Abrams. Khoảng 45% công nhân ở đây chủ yếu sản xuất xe tăng, nhưng nhà máy cũng sản xuất xe bọc thép Stryker, xe hỗ trợ xe tăng và một số thiết bị khác.
Khi bà Wormuth kết thúc chuyến thăm bằng việc kiểm tra một số xe tăng đã hoàn thiện trong một tòa nhà khác, một hàng dài những chiếc Abrams mới nhất đậu bên ngoài đường ray xe lửa gần đó. Và khi bà chuẩn bị rời đi, các toa tàu bắt đầu di chuyển, đưa xe tăng đến Fort Hood, bang Texas, nơi nó sẽ được lắp radio và các thiết bị khác trước khi đến điểm cuối cùng là một đơn vị quân đội nào đó.
Nói chuyện với các phóng viên sau đó, bà Wormuth cho biết, quân đội sẽ đầu tư khoảng 558 triệu USD vào việc cải tiến nhà máy trong 15 năm tới, trong đó chú trọng sử dụng robot rộng rãi hơn.
"Tôi nghĩ cuộc chiến ở Ukraine đã cho tất cả mọi người ở đây thấy rằng thực sự cần phải tăng cường cơ sở công nghiệp quốc phòng của chúng ta. Nhà máy ở Lima là một phần của điều đó", Bộ trưởng Wormuth nhấn mạnh.