Uy lực vũ khí răn đe tầm xa của Ukraine
(Dân trí) - Quân đội Nga cáo buộc Kiev đang sử dụng ngày một thường xuyên các UAV tấn công tầm xa nhằm vào các mục tiêu bên ngoài biên giới Ukraine.
Ngày 3/5, hai máy bay không người lái (UAV) đã phát nổ sau khi lao vào Điện Kremlin, trung tâm đầu não của chính phủ Nga đồng thời là nơi ở của Tổng thống Vladimir Putin. Văn phòng Tổng thống Nga sau đó cáo buộc Ukraine đã tiến hành tập kích Điện Kremlin với mục tiêu ám sát ông Putin.
Tổng thống Volodymyr Zelensky cùng nhiều quan chức cấp cao của Ukraine sau đó đã lên tiếng bác bỏ cáo buộc trên của Nga, đồng thời khẳng định Ukraine không liên quan tới vụ việc trên.
Tuy nhiên, vụ việc trên khiến giới quan sát hoài nghi và bày tỏ sự chú ý tới một loại vũ khí đặc biệt mà Ukraine thường xuyên sử dụng trong thời gian gần đây, đó là các UAV tấn công tầm xa. Trong bối cảnh các quốc gia phương Tây từ chối cho phép Ukraine sử dụng vũ khí viện trợ để tấn công ra ngoài biên giới của Kiev, các UAV tầm xa sẽ trở thành một công cụ răn đe hiệu quả nhằm tăng cường sức mạnh cho quân đội Ukraine.
UAV tầm xa từ thời Liên Xô
Khi nhắc đến phi đội máy bay không người lái tầm xa của Ukraine, giới quan sát không thể không nhắc tới cái tên Tupolev Tu-141. UAV này bắt đầu nhận được sự chú ý sau khi Nga cáo buộc Ukraine sử dụng chúng để tập kích căn cứ không quân Dyagilyaevo ở vùng Ryazan và Engels ở vùng Saratov vào đầu tháng 12/2022.
Vụ tập kích trên đã khiến quân đội Nga rúng động vì đây là lần đầu tiên Dyagilyaevo và Engels, 2 căn cứ quan trọng bậc nhất của lực lượng hàng không vũ trụ Nga trong chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine, bị tấn công. Đây là điểm tập kết của các máy bay ném bom chiến lược của Moscow trước khi tiến hành những phi vụ tập kích nhằm vào các mục tiêu trên lãnh thổ Ukraine.
Về Tu-141 Strizh, đây là một UAV được phát triển và chế tạo bởi Viện thiết kế Tupolev, Liên Xô từ những năm 70 của thế kỷ trước. Chuyến bay đầu tiên của Tu-141 Strizh được thực hiện vào năm 1974 và chính thức được đưa vào biên chế trong quân đội Liên Xô từ năm 1979.
Ban đầu, UAV này được thiết kế với nhiệm vụ do thám và trinh sát các hoạt động của đối phương. Tuy nhiên, vào năm 2014, quân đội Ukraine đã giới thiệu một phiên bản mới của loại máy bay không người lái này với khả năng mang theo đầu đạn nặng tới 150kg để tấn công các mục tiêu của đối phương.
Với chiều dài 14,33m, sải cánh 3,88m và chiều cao 2,44m, Tu-141có trọng lượng cất cánh có tải lên tới 6 tấn. Được trang bị động cơ Tumansky KR-17A, UAV này có thể đạt vận tốc tối đa lên tới 1.100km/h, tầm bay 1.000km và trần bay 6.000m. Với tầm bay 1.000km cùng khả năng tăng tầm bắn nếu giảm trọng lượng đầu đạn, UAV Tu-141 có thể tiến hành nhiều vụ tấn công vào mục tiêu vượt xa biên giới Ukraine.
Ngoài các vụ tập kích căn cứ không quân Dyagilyaevo và Engels, nhà chức trách Nga đã nhiều lần lên tiếng cáo buộc Kiev sử dụng UAV Strizh để tấn công các thị trấn và thành phố trên đất Nga, một số trong đó cách biên giới Ukraine hàng trăm cây số.
Tuy Kiev đã liên tục bác bỏ cáo buộc trên, quân đội Nga vẫn coi những cơ sở quân sự phục vụ chế tạo và bảo dưỡng loại UAV này như là các mục tiêu hàng đầu. Hôm 24/4, Trung tướng Igor Konashenkov, người phát ngôn của Bộ Quốc phòng Nga, khẳng định quân đội nước này đã tập kích phá hủy một cơ sở sửa chữa của UAV Tu-141.
"Nhà máy của một tập đoàn công nghiệp hàng không gần thành phố Kiev, nơi sửa chữa và thử nghiệm máy bay không người lái (UAV) dùng động cơ phản lực Strizh, đã bị tấn công", ông Konanshenkov tuyên bố trong thông báo cập nhật tình hình chiến sự hôm 24/4.
UAV tấn công tầm xa nội địa
Bên cạnh các UAV Tu-141 Strizh có nguồn gốc từ thời Liên Xô, các UAV tấn công tầm xa nội địa của Ukraine hiện cũng đang được khẩn trương hoàn thiện để sẵn sàng tham chiến.
Nhà chức trách Nga ngày 28/2 đã công bố những hình ảnh được cho là máy bay không người lái của quân đội Ukraine rơi tại khu vực ngoại ô thủ đô Moscow, gần một nhà máy nén khí của Tập đoàn năng lượng Gazprom.
Theo các chuyên gia quân sự, UAV nói trên có tên gọi UJ-22 và được cho là bị rơi khi đang trên đường tập kích nhà máy nén khí của Gazprom tại làng Gubastovo ở phía Đông Nam thủ đô Moscow. Một số nguồn tin cho biết vị trí rơi của UAV này chỉ cách Điện Kremlin, cơ quan đầu não của chính phủ Nga, khoảng 120km.
UJ-22 là một loại UAV hiện đại của Ukraine. Được sản xuất bởi nhà thầu quốc phòng Ukrjet, UAV này mới được ra mắt trong Triển lãm quốc phòng và an ninh quốc tế Kiev vào năm 2021. Theo Ukrjet, UAV này có thể được sử dụng như một loại bom điều khiển từ xa nhằm tấn công binh lực và trang thiết bị quân sự của đối phương. Tầm bay của UAV này được khẳng định là lên tới 800km.
Với trọng lượng cất cánh 85kg, Ukrjet tiết lộ UAV UJ-22 có thể mang theo đầu đạn nặng tới 20kg và bay liên tục trong vòng 14 tiếng ở tốc độ tối đa 200km/h.
Bên cạnh UJ-22, vào đầu năm 2023, công ty PJSC Ramsay có trụ sở tại Kiev cũng đã hoàn tất quá trình thử nghiệm RZ60, một UAV đa nhiệm mới của Ukraine. Với khả năng mang theo đầu đạn nặng 3kg và bay với vận tốc 290km/h ở độ cao 6000m, UAV RZ60 có thể thực hiện của một máy bay không người lái trinh sát cũng như tấn công cảm tử nhằm vào các mục tiêu nằm sâu trong lãnh thổ Nga.
Cuối cùng, UAV tầm xa được mong đợi nhất của Ukraine được cho là loại máy bay không người lái vừa được tập đoàn công nghiệp quốc phòng Ukroboronprom thử nghiệm thành công hồi tháng 12/2022.
Theo bà Natalia Sad, thư ký báo chí của Ukroboronprom, "các công đoạn thử nghiệm đã được hoàn tất dựa trên những chỉ dẫn của Bộ Tổng tham mưu các lực lượng vũ trang Ukraine". Ukroboronprom tiết lộ các UAV này sẽ được kiểm tra về khả năng đối phó với các hệ thống tác chiến điện tử của đối phương trước khi được đưa vào tham chiến.
"Chúng tôi hy vọng rằng sau khi thử nghiệm thành công khả năng chống chọi với các hệ thống tác chiến điện tử, UAV nội địa của Ukraine có thể được đưa vào tham chiến. Chúng tôi đã cam kết rằng UAV này sẽ ra trận trước khi xung đột với Nga kết thúc và đang làm hết sức mình để giữ vững cam kết này", bà Sad nói.
Trước đó, truyền thông Ukraine đưa tin Ukroboronprom chuẩn bị cung cấp cho quân đội Ukraine những UAV tự sát có khả năng mang theo đầu đạn nặng 75kg và tầm bay đạt 1.000km.
Nga đối phó UAV của Ukraine thế nào?
Với uy lực ngày càng được cải thiện, các UAV tầm xa của Ukraine được kỳ vọng sẽ góp phần tăng cường năng lực tác chiến của quân đội nước này trong cuộc xung đột với Nga. Những UAV này có thể tạo ra một mối đe dọa thường xuyên với Nga, khiến Moscow buộc phải chia sẻ lực lượng phòng không nhằm bảo vệ an toàn cho các mục tiêu trong nước.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia quân sự, điểm mạnh nhất của UAV tầm xa Ukraine là khả năng gây bất ngờ nhằm thực hiện những đòn tấn công vào các mục tiêu quan trọng khi đối phương mất cảnh giác. Vì vậy, sau hàng loạt những vụ tập kích mà Nga cáo buộc UAV Ukraine là thủ phạm trong thời gian qua, việc tiếp cận mục tiêu của loại vũ khí này sẽ gặp phải nhiều khó khăn bởi lực lượng phòng không và tác chiến điện tử hiện đại của Moscow.
Các chuyên gia đã bày tỏ quan điểm rằng điểm yếu lớn nhất của UAV Ukraine là việc loại vũ khí này có thể dễ dàng bị vô hiệu hóa bởi các hệ thống tác chiến điện tử của đối phương.
Ở chiều ngược lại, theo Forbes, hiệu quả của tác chiến điện tử của quân đội Nga đang được thể hiện rõ nét trên chiến trường. Vào những tháng đầu tiên, các UAV Ukraine, đặc biệt là loại Bayraktar-TB2 do Thổ Nhĩ Kỳ sản xuất, đã gây ra không ít thiệt hại cho Nga. Tuy nhiên, các vũ khí tác chiến điện tử của Nga đã bắt đầu thích ứng và ngăn cản hiệu quả nỗ lực này. Các UAV Ukraine được triển khai thường mất khả năng điều hướng và liên lạc khi bị hệ thống tác chiến điện tử của Nga chặn tín hiệu.
Trong biên chế của quân đội Nga hiện tại có hàng loạt thiết bị tác chiến điện tử uy lực. Tổ hợp Krasukha-4 là một trong những nền tảng tác chiến điện tử tiên tiến nhất của Nga, có khả năng gây nhiễu tín hiệu, làm vô hiệu khí tài đối phương. Một hệ thống tác chiến điện tử trên không tiên tiến khác của Nga là máy bay ném bom chiến đấu Su-34, với tổ hợp Khibiny trên đầu cánh.
Nga cũng có các trực thăng chiến đấu được tích hợp khả năng tác chiến điện tử, như Mi-8MTPR-1. Gần đây nhất, Nga đã lần đầu đưa UAV tác chiến điện tử Moskit tới chiến trường ở Ukraine. Dòng vũ khí này tuy không mang theo thuốc nổ nhưng có thể âm thầm làm tê liệt hệ thống thông tin, vũ khí của Kiev.
Ngoài ra, Nga cũng sở hữu trong biên chế hệ thống tình báo - tín hiệu TORN và SB-636 Svet-KU có thể xác định chính xác các đơn vị đối phương bằng cách theo dõi tín hiệu vô tuyến của họ; RB-341V Leer-3 kết hợp UAV Orlan-10 có thể phá tín hiệu đối thủ, thiết bị gây nhiễu vô tuyến R-934B Sinitsa và R-330Zh Zhitel chặn liên kết vệ tinh.
Những khí tài trên cho thấy quân đội Nga hoàn toàn có khả năng vô hiệu hóa các UAV tấn công tầm xa của Ukraine, qua đó giảm bớt năng lực tác chiến của loại vũ khí này. Vì vậy, để có thể tấn công một cách hiệu quả hơn vào các mục tiêu bên ngoài lãnh thổ, thay vì chỉ sử dụng các UAV tầm xa, giới quan sát nhận định Ukraine vẫn cần những tổ hợp vũ khí uy lực và tin cậy hơn như tên lửa hành trình và pháo phản lực phóng loạt tăng tầm.
Tùng Nguyễn
Theo Defense Express, mil.in.ua, RT, Guardian