Mỹ bất ngờ đình chỉ viện trợ cho Ukraine
(Dân trí) - Mỹ đã đóng băng gần như toàn bộ các khoản viện trợ cho Ukraine trong 90 ngày, theo Politico.
Tạp chí Politico ngày 24/1 đưa tin, Ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio đã đóng băng gần như toàn bộ các khoản viện trợ cho Ukraine trong 90 ngày. Động thái này diễn ra sau khi Tổng thống Donald Trump ra lệnh xem xét lại mọi khoản viện trợ nước ngoài của Mỹ.
Politico dẫn một tài liệu nội bộ cho biết Ngoại trưởng Rubio đã chỉ thị tất cả các cơ quan ngoại giao và lãnh sự ban hành "lệnh ngừng hoạt động" đối với gần như tất cả "các khoản viện trợ nước ngoài hiện có".
Theo Politico, lệnh này đã "gây sốc" cho các quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ và dường như áp dụng cho cả việc viện trợ quân sự cho Ukraine.
Politico dẫn lời 3 quan chức đương nhiệm và 2 cựu quan chức quen thuộc với vấn đề này cho biết, chỉ thị của Ngoại trưởng Rubio đồng nghĩa với việc "sẽ không có thêm hành động nào được thực hiện để phân bổ tiền viện trợ cho các chương trình đã được chính phủ Mỹ chấp thuận".
BBC, hãng tin đã tiếp cận bản ghi nhớ của Bộ Ngoại giao Mỹ, cũng cho biết bản ghi nhớ này dường như "ảnh hưởng đến mọi thứ, từ viện trợ phát triển đến viện trợ quân sự".
Bản ghi nhớ được cho là đã cấp ngoại lệ đối với viện trợ quân sự cho Israel và Ai Cập, song không đề cập đến các quốc gia khác.
Tổng thống Trump trước đó đã ra lệnh đình chỉ trong 90 ngày tất cả "viện trợ phát triển nước ngoài để đánh giá hiệu quả chương trình và tính nhất quán với chính sách đối ngoại của Mỹ".
"Việc phân bổ viện trợ nước ngoài hiện tại không phù hợp với lợi ích của Mỹ và trong nhiều trường hợp đi ngược lại các giá trị của Mỹ và gây bất ổn cho hòa bình thế giới bằng cách thúc đẩy các ý tưởng ở nước ngoài đi ngược lại trực tiếp với các mối quan hệ hài hòa và ổn định nội bộ và giữa các quốc gia", sắc lệnh của Tổng thống Donald Trump nêu lý do tạm đình chỉ các chương trình hỗ trợ nước ngoài.
Hiện chưa rõ quyết định này sẽ ảnh hưởng đến bao nhiêu viện trợ của Mỹ vì nguồn tài trợ cho một số chương trình đã được quốc hội phân bổ.
Trong phiên điều trần tại Thượng viện, Ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio cho biết: "Mỗi đồng USD chúng ta chi tiêu, mỗi chương trình chúng ta tài trợ và mỗi chính sách chúng ta theo đuổi đều phải được chứng minh bằng câu trả lời cho 3 câu hỏi đơn giản: Chúng có làm cho nước Mỹ an toàn hơn, mạnh mẽ hơn và thịnh vượng hơn không".
Ông Trump từ lâu đã phản đối viện trợ nước ngoài mặc dù thực tế là khoản hỗ trợ đó thường chiếm khoảng 1% ngân sách liên bang, ngoại trừ trong những trường hợp bất thường như hàng tỷ USD vũ khí được cung cấp cho Ukraine.
Một số quốc gia nhận viện trợ lớn nhất của Mỹ gồm Israel (3,3 tỷ USD mỗi năm), Ai Cập (1,5 tỷ USD mỗi năm) và Jordan (1,7 tỷ USD mỗi năm). Tuy nhiên, những viện trợ này khó cắt giảm do nằm trong gói viện trợ dài hạn có từ nhiều thập niên trước và trong một số trường hợp được điều chỉnh bởi các nghĩa vụ theo hiệp ước.