1. Dòng sự kiện:
  2. Xung đột leo thang tại Trung Đông
  3. Ukraine tấn công tỉnh Kursk
  4. Xung đột leo thang ở Trung Đông

Uy lực hệ thống phòng thủ tên lửa Mỹ triển khai đến Israel

Minh Phương

(Dân trí) - Hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) là một trong những vũ khí chống tên lửa mạnh nhất của quân đội Mỹ, có khả năng đánh chặn tên lửa đạn đạo ở cự ly 150-200km.

Uy lực hệ thống phòng thủ tên lửa Mỹ triển khai đến Israel - 1

Hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) của Mỹ (Ảnh: Max).

Người phát ngôn của Lầu Năm Góc Pat Ryder ngày 13/10 xác nhận Mỹ sẽ triển khai một hệ thống THAAD tại Israel và cử 100 quân nhân của Mỹ để vận hành hệ thống này.

Ông Ryder cho biết việc triển khai này sẽ giúp tăng cường hệ thống phòng không tích hợp của Israel, qua đó giúp bảo vệ Israel tốt hơn trước các cuộc tấn công bằng tên lửa trong tương lai.

THAAD có thể được triển khai nhanh chóng bởi các máy bay vận tải quân sự C-17 và C-5. Tuy nhiên, giới chức Mỹ không nêu rõ thời điểm cụ thể triển khai hệ thống trên tại Israel.

Quyết định trên được đưa ra sau khi đồng minh Israel chứng kiến 2 cuộc tấn công tên lửa quy mô lớn của Iran, gần nhất là vụ phóng khoảng 200 tên lửa hôm 1/10.

Sử dụng sự kết hợp giữa các hệ thống radar và thiết bị đánh chặn tiên tiến, THAAD là hệ thống phòng thủ tên lửa duy nhất của Mỹ có thể tấn công và tiêu diệt các tên lửa đạn đạo tầm ngắn, trung bình và tầm trung trong giai đoạn cuối của hành trình bay.

Các tên lửa đánh chặn của THAAD có động năng, nghĩa là chúng tiêu diệt các mục tiêu đang tiếp cận bằng cách va chạm với chúng thay vì phát nổ gần đầu đạn đang bay tới.

Quân đội Mỹ sở hữu 7 khẩu đội THAAD. Mỗi khẩu đội bao gồm 6 bệ phóng gắn trên xe tải, với mỗi bệ phóng chứa 8 tên lửa đánh chặn, và một hệ thống radar mạnh mẽ, bộ phận liên lạc và điều khiển hỏa lực.

Uy lực hệ thống phòng thủ tên lửa Mỹ triển khai đến Israel - 2

Sơ đồ hoạt động của THAAD (Nguồn: Raytheon).

Thông qua hệ thống chỉ huy, kiểm soát và quản lý chiến đấu rộng rãi, các khẩu đội THAAD có thể liên lạc với nhiều hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ, bao gồm hệ thống Aegis thường thấy trên các tàu Hải quân Mỹ và các hệ thống phòng thủ tên lửa Patriot được thiết kế để đánh chặn các mục tiêu tầm ngắn.

THAAD có khả năng đối phó mục tiêu chính xác là nhờ hệ thống radar cung cấp thông tin nhắm mục tiêu, radar Giám sát Radar Cơ động/Hải quân Lục quân hay AN/TPY-2. Hệ thống này có thể phát hiện và theo dõi các mục tiêu ở phạm vi lên tới 3.000km.

Cựu đại tá Không quân Mỹ Cedric Leighton cho hay, THAAD sẽ không hành động một mình trong bất kỳ hoạt động bảo vệ nào của Israel và có thể đóng vai trò như một biện pháp "ngăn chặn bổ sung" đối với một cuộc tấn công.

"Khi được triển khai, nó sẽ thực sự bổ sung thêm một lớp cho hệ thống phòng không và tên lửa hiện có của Israel", ông nhận định.

Theo Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế, các mô hình sản xuất của hệ thống THAAD chưa bao giờ thất bại trong việc đánh chặn các mục tiêu đang bay tới trong quá trình thử nghiệm.

Israel đã có sẵn nhiều hệ thống phòng không nhiều lớp được thiết kế để bắn hạ các tên lửa đang bay tới. Mặc dù vậy, trong vụ tấn công hôm 1/10, một phần tên lửa của Iran dường như đã chọc thủng phòng thủ của Israel, gây thiệt hại cho các căn cứ không quân của nước này.

Theo New York Times, Reuters