1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Ứng viên chuyển giới tranh cử thủ tướng Thái Lan

(Dân trí) - Pauline Ngarmpring, một phụ nữ chuyển giới, đã tham gia cuộc đua cho ghế thủ tướng Thái Lan vào tháng tới.

Ứng viên chuyển giới tranh cử thủ tướng Thái Lan - 1

Bà Pauline Ngarmpring (Ảnh: Facebook)

 

Theo Sputnik, bà Ngarmpring, một nhân vật có tiếng trong lĩnh vực bóng đá Thái Lan, đang tham vọng trở thành thủ tướng chuyển giới đầu tiên tại quốc gia Đông Nam Á.

Bà Ngarmpring không quá lạc quan về triển vọng sẽ giành chiến thắng, nhưng nhấn mạnh điều quan trọng là bà đã dám bước ra ứng cử. Trong hàng nghìn ứng viên nộp đơn đăng ký tranh cử tại Thái Lan năm nay, bà Ngarmpring là một trong khoảng 20 ứng viên thuộc cộng đồng LGBTI (đồng tính, song tính, chuyển giới) ra tranh cử trong cuộc bầu cử dự kiến diễn ra ngày 24/3 tới.

Ứng cử viên 52 tuổi gia nhập đảng cánh tả Mahachon từ năm ngoái, và bà đã được đảng này tin cậy và đề cử cho chức thủ tướng Thái Lan năm nay.

Sau sự kiện đảo chính quân sự năm 2014, quân đội Thái Lan hiện đang nắm quyền điều hành đất nước này. Đương kim Thủ tướng Prayut Chan-o-cha, người đứng đầu Hội đồng Quốc gia về Hòa Bình và Trật tự, cũng đã tuyên bố kế hoạch tranh cử cho tháng tới.

“Mọi người hay nói với tôi rằng, “Ồ, bà là người chuyển giới sao? Bà muốn trở thành thủ tướng của chúng tôi. Điều đó thật buồn cười và rất kỳ lạ”, bà Ngarmpring cho biết, kể lại phản ứng của mọi người khi nghe về kế hoạch của bà.

Ứng viên chuyển giới tranh cử thủ tướng Thái Lan - 2

Bà Pauline Ngarmpring trước và sau khi chuyển giới (Ảnh: Taigou)

 

Thực tế, bà Ngarmpring mới bắt đầu quá trình chuyển giới 3 năm trước và nhiều người vẫn đang biết tới bà với cái tên Pinit.

“Nhưng tôi không nghĩ như vậy. Bạn có là cái gì đi nữa, bạn cũng có giá trị của riêng mình. Nếu bạn yêu bản thân mình, hãy chia sẻ điều đó với mọi người”, bà Ngarmpring cho hay.

Thái Lan là quốc gia nổi tiếng có nhiều phụ nữ chuyển giới và họ thường đọc gọi với cái tên là “kathoey” (cậu gái). Những phụ nữ này thường phải đối mặt với những khó khăn và thiệt thòi về mặt kinh tế và các yếu tố xã hội. Dư luận Thái Lan vẫn tranh cãi về việc liệu có nên xếp các phụ nữ chuyển giới vào giới tính nữ, hay đưa họ vào nhóm giới tính thứ 3.

Bà Ngarmpring và đảng Mahachon được cho là sẽ có tiếng nói với cộng đồng LGBTI trong cuộc bầu cử sắp tới. “Chúng tôi không nói rằng người chuyển giới tốt hơn đàn ông hay phụ nữ. Chúng tôi chỉ muốn nói rằng chúng tôi cũng như họ”, bà Ngarmpring nói về sự công bằng cộng đồng chuyển giới Thái Lan xứng đáng nhận được.

Năm 2015, Thái Lan đã ra luật cấm hành động phân biệt đối xử dựa trên giới tính và xu hướng tình dục của người khác, nhưng vẫn còn nhiều bất cập trong cuộc sống thường ngày của người chuyển giới.

Chiến dịch của bà Ngarmpring hướng vào các khu vực giải trí ban đêm ở Thái Lan, nơi đang xảy ra tình trạng bóc lột những đối tượng dễ bị tổn thương như phụ nữ và người chuyển giới. Họ phải làm việc trong các tiệm mát-xa hoặc làm mại dâm. Đảng Mahachon và bà Ngarmpring muốn hợp pháp hóa hoạt động mại dâm nhằm mang lại cuộc sống tốt hơn cho những đối tượng này.

Bà Ngarmpring không nghĩ là bà sẽ thắng cử, nhưng bà cho rằng quan trọng là bà là người chuyển giới đầu tiên dũng cảm đứng lên tranh cử.

“Tôi sẽ không là thủ tướng. Nhưng điều đó không là vấn đề. Sẽ mất thời gian và cũng không phải là ngày tận thế nếu điều đó xảy ra vào cuộc bầu cử kế tiếp. Cũng không phải là tôi sẽ chiến thắng. Thế hệ kế tiếp có thể làm điều đó”, bà Ngarmpring nói.

Đức Hoàng

Theo Sputnik