1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

UNDP và Na Uy hỗ trợ Việt Nam củng cố và quy hoạch không gian biển

Minh Phương

(Dân trí) - Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) và Đại sứ quán Na Uy tại Hà Nội hỗ trợ quy hoạch quốc gia không gian biển vì sự bền vững của đại dương và ứng phó với biến đổi khí hậu tại Việt Nam.

UNDP và Na Uy hỗ trợ Việt Nam củng cố và quy hoạch không gian biển - 1

UNDP và sứ quán Na Uy ở Hà Nội ký thỏa thuận nhằm hỗ trợ quy hoạch quốc gia không gian biển vì sự bền vững của đại dương và ứng phó với biến đổi khí hậu tại Việt Nam (Ảnh: UNDP).

Ngày 23/11, Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) và Đại sứ quán Na Uy tại Hà Nội đã ký một thỏa thuận nhằm hỗ trợ quy hoạch quốc gia không gian biển vì sự bền vững của đại dương và ứng phó với biến đổi khí hậu tại Việt Nam, theo thông cáo của UNDP.

Nỗ lực này đặc biệt nhằm thúc đẩy cách tiếp cận liên ngành để quản lý lồng ghép các mối quan tâm về kinh tế, môi trường và xã hội trong kế hoạch chiến lược và đầu tư dài hạn. Quy hoạch không gian biển không nhằm thay thế việc lập kế hoạch theo ngành cụ thể. Thay vào đó, cung cấp định hướng cho những người ra quyết định chịu trách nhiệm về các lĩnh vực, hoạt động hoặc vấn đề cụ thể để đưa ra các quyết định đầy đủ hơn.

Gói kỹ thuật mới sẽ hỗ trợ chính phủ Việt Nam củng cố và thực hiện quy hoạch không gian biển (MSP); tạo dựng và thiết lập việc sử dụng không gian biển hợp lý hơn và kết nối giữa các mục đích, cân bằng nhu cầu tăng trưởng với nhu cầu duy trì các hệ sinh thái biển và các mục tiêu kinh tế và xã hội theo cách thức cởi mở và có tổ chức.

Việt Nam là một quốc gia với hơn 1/3 dân số sống ở các vùng ven biển. Kinh tế từ biển của các tỉnh, thành phố ven biển chiếm khoảng 50% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của cả nước, riêng kinh tế biển đóng góp từ 20% đến 22%. Tuy nhiên, đại dương của Việt Nam đang bị đe dọa do môi trường sống bị chia tách, suy thoái, đánh bắt cá và các hình thức khai thác quá mức, biến đổi khí hậu và ô nhiễm chủ yếu là rác đại dương.

Gói hỗ trợ kỹ thuật sẽ được thực hiện ở cấp trung ương và 3 địa điểm ở cấp địa phương, dựa trên các tiêu chí sau: Vùng sinh thái nhỏ có tiềm năng cho một giải pháp thiết thực; hỗ trợ chính trị và hành chính; sự sẵn có của nguồn dữ liệu lý sinh không gian và thông tin về các nguồn tài nguyên quan trọng; và cơ quan có thẩm quyền sẵn sàng xây dựng và thực hiện các quy hoạch không gian biển.

Gói hỗ trợ kỹ thuật trong 3 năm này sẽ đẩy nhanh tiến độ quy hoạch không gian biển bằng cách nhấn mạnh vào việc thúc đẩy nghiên cứu, chuyển giao công nghệ và đổi mới trong lĩnh vực biển.

UNDP và Na Uy hỗ trợ Việt Nam củng cố và quy hoạch không gian biển - 2

Đại diện của Việt Nam, UNDP và Na Uy trong lễ ký thỏa thuận (Ảnh: UNDP).

Các nguồn tài nguyên biển, trong đó có rạn san hô ở Việt Nam, đang bị suy thoái và suy giảm nghiêm trọng. Nằm ở vị trí địa chính trị đắc địa trên Biển Đông, bên cạnh vô số tài nguyên biển, Việt Nam còn tự hào về dầu khí, khí thiên nhiên, khoáng sản ven biển và xa bờ có tiềm năng mang lại lợi ích kinh tế đáng kể cho nền kinh tế quốc gia và địa phương. Do vậy, gói hỗ trợ kỹ thuật này được xây dựng dựa trên tiềm năng đa dạng hóa nền kinh tế và ứng phó với biến đổi khí hậu, bao gồm năng lượng tái tạo biển, điện gió biển, dược phẩm biển và nâng cao sản xuất tảo và rong biển phù hợp với các yêu cầu về bảo vệ môi trường.

"Đại dương cung cấp các cơ hội quan trọng cho sự phục hồi kinh tế xanh và kinh tế biển, đồng thời mang lại tiềm năng to lớn cho năng lượng gió ven bờ và xa bờ, nếu được phát triển bền vững, sẽ hỗ trợ an ninh năng lượng và giúp Việt Nam đạt được cam kết phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050", bà Ramla Khalidi, Trưởng đại diện thường trú UNDP tại Việt Nam, nói.

Đại diện của UNDP nhấn mạnh: "UNDP sẽ tiếp tục thúc đẩy và tăng cường công việc về Quy hoạch không gian biển, yếu tố quan trọng để mở ra tiềm năng của nền kinh tế biển xanh, và đặc biệt là tận dụng tiềm năng to lớn của Việt Nam về năng lượng gió biển như một nguồn năng lượng tái tạo quan trọng cho mục tiêu về khí hậu của quốc gia."

Phát biểu tại sự kiện, Đại sứ Na Uy tại Việt Nam kiêm nhiệm CHDCND Lào, bà Hilde Solbakken nói: "Na Uy có rất nhiều kinh nghiệm hay muốn chia sẻ với Việt Nam trong việc xây dựng và áp dụng quy hoạch không gian biển. Để trở thành quốc gia có thu nhập cao vào năm 2045 và thực hiện mục tiêu phát thải ròng bằng 0 năm 2050, Việt Nam cần chuyển đổi mô hình tăng trưởng của mình, đặc biệt thông qua việc chuyển đổi năng lượng thành công và khai mở tiềm năng của nền kinh tế xanh. Vì vậy, Việt Nam cần nâng cao năng lực quản lý đại dương bền vững và khoa học, trong đó quy hoạch không gian biển chiếm vị trí quan trọng".

Bà Phạm Thu Hằng, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam cho biết: "Quy hoạch không gian biển là nhiệm vụ then chốt, được Thủ tướng Chính phủ giao cho Bộ Tài nguyên và Môi trường (Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam) thực hiện quy hoạch không gian biển Việt Nam. Quy hoạch không gian biển trên nguyên tắc phân vùng dựa vào hệ sinh thái và nhu cầu sử dụng của các ngành kinh tế biển, có tính liên vùng, liên địa phương".

Bà Thu Hằng nói thêm, sẽ phát triển toàn diện các không gian liên quan đến biển Việt Nam, bao gồm vùng bờ, vùng biển, vùng trời trong phạm vi 28 tỉnh, thành có biển. Quy hoạch biển là nền tảng và cơ sở quan trọng để phát triển kinh tế biển theo tinh thần Nghị quyết 26 của Chính phủ về phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam.