1. Dòng sự kiện:
  2. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt
  3. Chính quyền Trump 2.0
  4. Chiến sự Nga - Ukraine

Ukraine tuyên bố không có ý định chế tạo bom hạt nhân

Đức Hoàng

(Dân trí) - Ukraine khẳng định nước này không có ý định chế tạo bom hạt nhân, nhưng kể cả kịch bản đó xảy ra thì nó cũng khó làm thay đổi cục diện cuộc chiến với Nga.

Ukraine tuyên bố không có ý định chế tạo bom hạt nhân  - 1

Ông Mykhailo Podolyak, cố vấn của Chánh văn phòng Tổng thống Ukraine (Ảnh: RBC Ukraine).

Ukraine không có ý định chế tạo bom hạt nhân vì điều này cũng khó có thể thay đổi đáng kể tình hình trên tiền tuyến, ông Mykhailo Podolyak, cố vấn của Chánh văn phòng Tổng thống Ukraine, nói với RBC-Ukraine.

"Nếu đây (chế tạo bom hạt nhân) thực sự là một quyết định có thể thay đổi hoàn toàn những gì đang diễn ra ở tuyến đầu, thì bất chấp mọi khó khăn về mặt pháp lý và danh tiếng, Ukraine có thể cân nhắc. Nhưng đây không phải là quyết định sẽ mang lại cho chúng ta những thay đổi đáng kể trên tuyến đầu", ông Podolyak nhấn mạnh.

Theo ông, những thay đổi trên mặt trận sẽ đến từ việc Ukraine có đủ vũ khí, đặc biệt là vũ khí tầm xa, cũng như được phép tấn công sâu hơn vào Nga.

"Điều này chắc chắn sẽ mang lại những thay đổi trên mặt trận. Và để làm được điều đó, chúng tôi cần sự hỗ trợ (từ đồng minh) cho hoạt động đầu tư sản xuất quân sự và cung cấp trực tiếp vũ khí đã có trong kho", ông nhấn mạnh.

Ông cho rằng, ngay cả trong kịch bản Ukraine có thể phát triển vũ khí hạt nhân thì Kiev cũng không thể ngăn chặn được "một quốc gia có kho vũ khí hạt nhân lớn thứ hai thế giới (ám chỉ Nga). Điều này là hiển nhiên".

Trong tuần này, báo Anh The Times dẫn nguồn tin nói rằng nếu sự hỗ trợ của Mỹ chấm dứt, Ukraine có thể phát triển bom hạt nhân trong vòng vài tháng.

Theo nguồn tin, một ghi chú phân tích về việc tạo ra bom hạt nhân được cho là đã được chuẩn bị cho Bộ Quốc phòng Ukraine.

Bản ghi chú được cho là nêu rằng Ukraine có thể sử dụng plutonium chiết xuất từ các thanh nhiên liệu hạt nhân đã qua sử dụng trong các lò phản ứng hạt nhân của Ukraine, để tạo ra một quả bom nguyên tử.

Lượng plutonium mà Ukraine sở hữu "có thể đủ cho hàng trăm đầu đạn", The Times cho biết.

Sau đó, Bộ Ngoại giao Ukraine đã bác bỏ thông tin này, nhấn mạnh rằng Ukraine không có ý định phát triển vũ khí hạt nhân. Họ sẽ tiếp tục duy trì các điều khoản của Hiệp ước Không phổ biến vũ khí hạt nhân.

Hồi tháng 10, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky nói rằng để bảo đảm an ninh của chính mình, Ukraine sẽ cần phải gia nhập NATO hoặc cần có vũ khí hạt nhân.

Tuy nhiên, ngay sau đó, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Ukraine Heorhii Tykhyi cho biết Kiev không có kế hoạch phát triển vũ khí hủy diệt hàng loạt và vẫn cam kết không phổ biến vũ khí hạt nhân.

Ukraine từ lâu đã lập luận rằng Washington và các đồng minh của họ có nghĩa vụ bảo vệ Ukraine vì Bản ghi nhớ Budapest năm 1994, trong đó Mỹ, Anh và Nga đã đưa ra các đảm bảo an ninh để đổi lấy việc loại bỏ các đầu đạn hạt nhân của Liên Xô cũ khỏi lãnh thổ Ukraine.

Ông Zelensky cũng phàn nàn rằng Bản ghi nhớ Budapest vừa khiến Ukraine không có vũ khí hạt nhân để răn đe đối thủ, vừa mất an ninh.

Trong khi đó, Nga cho rằng, cuộc đảo chính năm 2014 ở Ukraine với sự hậu thuẫn của phương Tây đã khiến bản ghi nhớ bị vi phạm. Nga cũng cho rằng, một Ukraine có vũ khí hạt nhân và có quan điểm đối đầu Moscow là mối đe dọa không thể chấp nhận được với an ninh của Nga.

Theo RBC Ukraine
Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine