1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Ukraine từ chối đóng băng xung đột với Nga

Minh Phương

(Dân trí) - Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba nhấn mạnh, các cuộc đàm phán nhằm chấm dứt xung đột không thể khởi đầu đơn thuần bằng việc tạm ngừng các hành động thù địch.

Ukraine từ chối đóng băng xung đột với Nga - 1

Binh sĩ Ukraine khai hỏa gần Bakhmut hôm 12/5 (Ảnh minh họa: AP).

"Nếu ai đó nghĩ rằng nên đóng băng xung đột, sau đó xem cách giải quyết nó, thì họ thực sự không hiểu vấn đề", Ngoại trưởng Ukraine Kuleba phát biểu trong một cuộc họp báo trực tuyến nhân chuyến công du châu Phi ngày 7/6.

Nhà ngoại giao Ukraine cho hay, hơn 100 vòng tham vấn và nỗ lực đạt thỏa thuận ngừng bắn kể từ khi Nga sáp nhập bán đảo Crimea năm 2014 chỉ dẫn đến việc Moscow tiếp tục mở chiến dịch quân sự nhằm vào Ukraine hồi tháng 2 năm ngoái.

Giới chức Ukraine nhiều lần nêu rõ quan điểm về điều kiện tiên quyết cho các cuộc hòa đàm với Nga. Tháng trước, ông Kuleba cũng nêu rõ 2 điều kiện này gồm Nga phải rút quân, khôi phục đường biên giới cho Ukraine và không đóng băng xung đột. Kiev lập luận, đóng băng xung đột sẽ giúp Nga có thời gian tập hợp thêm lực lượng để tiến hành một chiến dịch tấn công thậm chí lớn hơn nữa.

Xung đột Nga - Ukraine đã bước sang tháng thứ 16 và chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Nhiều quốc gia, trong đó có Trung Quốc, Brazil, Indonesia, đã đưa ra các đề xuất hòa bình nhằm chấm dứt cuộc xung đột lớn nhất châu Âu kể từ Thế chiến II.

Hầu hết các đề xuất này đều bao gồm kêu gọi hai bên ngừng bắn ngay lập tức. Theo Kiev, thời gian dành cho các bên hòa giải như Trung Quốc, Brazil, Vatican đã hết, trong khi sáng kiến của Indonesia (ngừng bắn ngay lập tức và theo đuổi kịch bản như bán đảo Triều Tiên) sẽ chỉ "câu giờ" cho Nga. Ukraine cho biết, họ sẵn sàng thảo luận các đề xuất hòa bình của châu Phi, nhưng tất nhiên không phải là giải pháp đóng băng xung đột.

Một phái đoàn do các lãnh đạo châu Phi dẫn đầu dự kiến sẽ đến Ukraine và Nga trong vài ngày tới để thuyết phục các bên ngừng các hành động thù địch. Một đề xuất như vậy đồng nghĩa với quân đội Nga tiếp tục ở lại trên lãnh thổ Ukraine ngay cả khi các cuộc hòa đàm bắt đầu.

Tuy nhiên, Kiev cho rằng, hòa đàm phải bắt đầu bằng việc Nga rút hết quân khỏi lãnh thổ của Ukraine, khôi phục toàn vẹn lãnh thổ của nước này. Ukraine tuyên bố chỉ sẵn sàng thảo luận về những giải pháp do Tổng thống Volodymyr Zelensky đề xuất cuối năm ngoái.

Trong khi đó, Nga coi quan điểm của Kiev là phi thực tế và khẳng định rằng việc 4 khu vực thuộc Ukraine sáp nhập vào Nga không phải là vấn đề cần thảo luận. Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cuối tuần trước cho biết Tổng thống Vladimir Putin sẵn sàng đàm phán để đạt được mục tiêu của chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine thông qua biện pháp hòa bình. Mặc dù vậy, trước đó, Điện Kremlin cũng lưu ý: "Hiện không có điều kiện tiên quyết nào cho một tiến trình hòa bình. Chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine vẫn tiếp tục".

Trong một diễn biến liên quan khác, Ngoại trưởng Kuleba cho hay, trong cuộc điện đàm với Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg hôm 7/6, ông đã nêu rõ quan điểm của Ukraine. Cụ thể, Ukraine không tìm cách đưa binh sĩ NATO vào lãnh thổ để chấm dứt xung đột với Nga, mà muốn có được cam kết an ninh tốt nhất từ liên minh này nhằm tránh các cuộc xung đột trong tương lai.

Theo Reuters, TASS