Ukraine trong cuộc đối đầu Đông - Tây
(Dân trí) - Khi máu của những người biểu tình thân châu Âu đổ trên các đường phố ở thủ đô Kiev, người ta thấy thấp thoáng hình bóng của Mát-xcơ-va và Brussels. Ukraine đang kẹt cứng trong cuộc chiến giành giật ảnh hưởng của hai hai thế lực Đông, Tây.
Tương phản Đông – Tây
Trong nhiều thập kỷ qua, Ukraine luôn là sự tương phản giữa hai vùng rõ rệt.
Khu miền Tây và miền Trung bao gồm cả thủ đô Kiev, giáp với khu vực châu Âu và chịu ảnh hưởng nhiều của nền chính trị phương Tây. Người dân ở đây theo quan điểm ủng hộ tăng cường liên kết với Liên minh châu Âu (EU).
Phần còn lại là vùng duyên hải dọc Biển Đen và miền Đông với nhiều yếu tố gắn với nước Nga và những hoài niệm về thời Liên bang Xô Viết. Khu vực này gồm cả tỉnh Donetsk đông dân nhất nước.
Do nhiều nguyên nhân trong lịch sử, người Ukraine ở miền Tây thường có xu hướng ngả sang Mỹ và phương Tây. Họ ủng hộ cải cách kinh tế triệt để, chấn hưng ngôn ngữ, văn hóa của Ukraine và ước muốn trở thành thành viên của EU cũng như Khối hiệp ước quân sự Bắc Đại Tây Dương (NATO).
Ngược lại, những người ở miền Đông dường như lại muốn tham gia Liên minh kinh tế Á – Âu (gồm Nga, Belarus và Kazakhstan) và muốn tiếng Nga được đưa vào Hiến pháp như là “ngôn ngữ chính”.
Chính hình thái “hai nhà nước” trong một đất nước đã đưa đến hai xu hướng phát triển đối lập ở Ukraine, với một nửa ở phía Tây muốn “tiến đến châu Âu” và một nửa phía Đông muốn “quay lại với không gian Xô Viết”.
Nói cách khác, người dân Ukraine đã tự biến mình thành vùng đệm tự nhiên giữa Đông và Tây, và kết quả là bị kẹt cứng trong cuộc chiến giành giật ảnh hưởng kéo dài nhiều năm qua.
Cuộc chiến giành giật không hồi kết
Với một vị trí địa chiến lược nhạy cảm như vậy, Ukraine luôn là địa bàn chứng kiến sự đối đầu giữa Nga và phương Tây. Cuộc khủng hoảng chính trị đang diễn ra và cuộc Cách mạng Cam năm 2004 là hai minh chứng rõ nhất cho sự đối trọng này.
Trong những phát biểu mới nhất tại Hội nghị an ninh Munich diễn ra ở Đức, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Herman Van Rompuy đã thẳng thừng tuyên bố "tương lai của Ukraine thuộc về EU".
Ngoại trưởng Mỹ John Kerry cũng hòa giọng khi nói rằng “Hoa Kỳ và EU đứng cùng với người dân Ukraine trong cuộc chiến cho nền dân chủ". Theo người đứng đầu ngành ngoại giao Mỹ, "không có nơi đâu cuộc chiến cho tương lai dân chủ của châu Âu lại quan trọng hơn ở Ukraine hiện nay” và rằng, người dân Ukraine “không muốn bị cưỡng ép”, “không muốn tương lai của họ sẽ được liên minh với một quốc gia đứng lẻ loi", một tuyên bố ngầm ám chỉ Mát-xcơ-va.
Tất nhiên, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov không thể ngồi yên trước những cáo buộc phi lý của Mỹ và phương Tây. Ông khẳng định bản thân các nước này cũng không thể tha thứ cho những hành động tương tự diễn ra ở nước họ và do vậy, các cuộc biểu tình đường phố, tấn công tòa nhà chính phủ hay cảnh sát không thể được coi là hành động thúc đẩy dân chủ. Theo Ngoại trưởng Lavrov, rõ ràng phương Tây đang cố tình áp đặt lựa chọn của mình cho Ukraine và Nga không dính dáng vào điều này.
Trước đó, ông Lavrov cũng đã không dưới một lần yêu cầu châu Âu không làm phức tạp thêm cuộc khủng hoảng Ukraine, đồng thời khẳng định sẽ không để cho Kiev bị sụp đổ. Ẩn chứa trong phát biểu này của ông Lavrov là lời đe dọa về khả năng Nga sẽ ra tay can thiệp một khi diễn biến bất lợi cho Mát-xcơ-va. Nó cũng cho thấy cuộc chiến giành giật ảnh hưởng tại Ukraine sẽ ngày càng trở nên khốc liệt và làm tái hiện phiên bản của sự đối đầu Đông – Tây, vốn là bản chất của thời chiến tranh Lạnh.
Trong cuộc đối đầu đó, dù Nga hay phương Tây giành lợi thế thì đối với người dân Ukraine, đó cũng không phải là một chiến thắng khi mà những chia cắt, đối kháng ngay bên trong lãnh thổ vẫn chưa được giải quyết.
Đức Vũ