Ukraine tính "lật ngược thế cờ" khi tung lữ đoàn thiện chiến nhất ra trận?
(Dân trí) - Việc triển khai lữ đoàn được đánh giá là thiện chiến nhất cho thấy nỗ lực của Ukraine trong chiến dịch phản công hiện nay.
Truyền thông Mỹ tuần này đưa tin, Lữ đoàn tấn công đường không 82, đơn vị được đánh giá là thiện chiến nhất của Ukraine, đã tham gia chiến dịch phản công chống lại lực lượng Nga.
Kiev đã tung một trong những đơn vị được huấn luyện và trang bị tốt nhất vào trận chiến. Quân đội Nga hôm 15/8 xác nhận, các lực lượng Nga gần Rabotino ở vùng Zaporizhia đã đẩy lùi 3 cuộc tấn công của các đơn vị tấn công từ Lữ đoàn 82 của Ukraine, với 200 binh sĩ Ukraine được cho là đã thiệt mạng và 5 xe tăng, 8 xe bọc thép và xe chiến đấu bộ binh cùng 2 khẩu pháo Msta-B bị phá hủy.
Các phương tiện truyền thông Mỹ cho biết, Lữ đoàn 82 của Ukraine đã dành hơn 2 tháng qua để huấn luyện và sẵn sàng được triển khai vào chiến dịch phản công của Kiev.
Lữ đoàn 82 của Ukraine được trang bị xe tăng Challenger 2 với đạn uranium nghèo. Ngoài ra, lữ đoàn này cũng được trang bị xe bọc thép Marder và Stryker, một trong những thiết bị hiện đại nhất của NATO được chuyển giao cho Kiev trong số hàng chục tỷ USD viện trợ của khối.
Lữ đoàn 82 được cho là một trong những "đơn vị chủ lực cuối cùng" của bộ chỉ huy Ukraine. Việc triển khai đơn vị này "có thể tăng cường đáng kể" hỏa lực của lực lượng Ukraine trong thời gian ngắn, nhưng khi Lữ đoàn 82 và Lữ đoàn tấn công đường không 46 rút lui, "có thể không có bất kỳ lữ đoàn mới nào mạnh tương đương để thay thế họ", điều đó có nghĩa là "cuộc phản công có thể mất đà".
Theo Evgeny Poddubny, phóng viên quân sự đài truyền hình VGTRK của Nga, việc đưa lực lượng dự bị vào trận chiến là "thông lệ hoàn toàn bình thường".
"Theo đó, nếu lực lượng dự bị này được triển khai, các đội hình bị tổn thất đáng kể sẽ được rút lui để bổ sung và khôi phục khả năng sẵn sàng chiến đấu. Vì vậy, một mặt, chính quyền Kiev đang cố gắng duy trì động lực đã hình thành trong nhiều tháng qua để tiến hành Chiến dịch Azov (chiến dịch phản công), mặt khác, họ đang cố gắng chọc thủng tuyến phòng thủ của Nga bằng lực lượng mới, nhưng cho đến nay vẫn chưa thành công", Poddubny nhận định.
Poddubny chỉ ra rằng cho đến nay, các lực lượng của Ukraine đã không thể phá vỡ tuyến phòng thủ đầu tiên của Nga. Do vậy, việc đưa lực lượng dự bị vào trận chiến hầu như không có cơ hội thay đổi tình hình ở tiền tuyến.
"Ngay cả việc lữ đoàn này được trang bị xe tăng của Anh và các phương tiện chiến đấu hiện đại của phương Tây cũng không thể lật ngược tình thế, vì lý do đơn giản là các đơn vị của Kiev không thể vượt qua các bãi mìn cũng như các rào cản do các lực lượng trinh sát và tấn công của Nga triển khai dọc theo toàn bộ giới tuyến", phóng viên Nga cho biết thêm.
Poddubny cho rằng thành công của hệ thống phòng thủ Nga trước hết là nhờ kiểm soát trận chiến hiệu quả và tương tác hiệu quả giữa tình báo và lực lượng vận hành vũ khí.
Tuy nhiên, Poddubny kêu gọi không nên lạc quan quá sớm về việc Ukraine tung lực lượng dự bị tinh nhuệ vào cuộc chiến. Phóng viên Nga cho rằng việc đối phương có lực lượng dự bị không phải là điều tốt.
Poddubny kêu gọi không nên hạ thấp khả năng của Kiev trong việc duy trì tiềm năng huy động quân. Ngay cả những tân binh chưa được huấn luyện bài bản và đang trong trạng thái tinh thần yếu vẫn có thể tiếp tục gây ra mối đe dọa cho phía Nga.