1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Ukraine tiết lộ vũ khí giúp bắn hạ tên lửa "bất khả chiến bại" của Nga

Tùng Nguyễn

(Dân trí) - Không quân Ukraine tuyên bố đã bắn hạ tên lửa siêu thanh Kinzhal của Nga bằng tổ hợp phòng không Patriot do Mỹ viện trợ.

Ukraine tiết lộ vũ khí giúp bắn hạ tên lửa bất khả chiến bại của Nga - 1

Hình ảnh được cho là mảnh vỡ của tên lửa Kinzhal bị bắn hạ tại Kiev trong đêm 4/5 (Ảnh: Defense Express).

Ngày 6/5, quân đội Ukraine tuyên bố đã bắn hạ một tên lửa siêu thanh Kinzhal của Nga trên bầu trời thủ đô Kiev vào khoảng 2h40 sáng ngày 4/5.

Tư lệnh Không quân Ukraine Mykola Oleshchuk sau đó đã lên tiếng xác nhận vụ bắn rơi trên, đồng thời khẳng định lực lượng phòng không Ukraine đã bắn hạ "vũ khí bất khả chiến bại" của Nga bằng tên lửa Patriot do Mỹ viện trợ.

Theo ông Oleshchuk, tên lửa Kinzhal đã được bắn đi bởi một tiêm kích MiG-31K nhằm vào mục tiêu tại thủ đô Kiev trong đêm 4/5. Một khẩu đội Patriot của Ukraine đã phát hiện, theo dõi và phóng hỏa lực vào tên lửa Nga khi nó đang ở trong chu kỳ bay cuối cùng trước khi đánh trúng mục tiêu.

Bộ Quốc phòng Nga hiện chưa lên tiếng bình luận về thông tin trên. Trước đó, Tổng thống Nga Vladimir Putin, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu cùng nhiều quan chức cấp cao khác đã khẳng định năng lực tác chiến vượt trội của tên lửa Kinzhal sẽ giúp loại vũ khí này "vượt mặt" tất cả các hệ thống phòng không của Ukraine.

Về Patriot, được nghiên cứu chế tạo từ năm 1969 và đưa vào trang bị chính thức trong quân đội Mỹ từ những năm 80 của thế kỷ trước, tổ hợp này được xem là một trong những hệ thống vũ khí hiệu quả hàng đầu thế giới trong nhiệm vụ chống lại các tên lửa đạn đạo và máy bay chiến đấu của đối phương.

Ukraine tiết lộ vũ khí giúp bắn hạ tên lửa bất khả chiến bại của Nga - 2

Tổ hợp phòng không Patriot khai hỏa (Ảnh: The Drive).

Tên lửa này được phối hợp sản xuất bởi 3 nhà thầu quốc phòng khổng lồ của Mỹ, bao gồm Raytheon, Lockheed Martin và Boeing, qua đó được tích hợp và liên tục cải tiến nhằm trang bị những công nghệ dẫn đường, định vị và tấn công vượt trội nhất.

Hệ thống này được cấu thành bởi một trạm điều khiển, đài radar dẫn bắn và chỉ thị mục tiêu, cũng như bệ phóng. Đài radar mạnh mẽ của Patriot cho phép nó có thể phát hiện và theo dõi hơn 100 mục tiêu ở khoảng cách lên tới 100km. Việc phát hiện mục tiêu và dẫn bắn được tính toán và kiểm soát bởi những hệ thống máy tính cực mạnh, cho phép tổ hợp Patriot có khả năng đánh chặn mục tiêu bay của đối phương một cách chính xác.

Tên lửa của hệ thống phòng không Patriot cũng được thiết kế hết sức uy lực khi có thể mang theo đầu đạn phân mảnh nặng tới 90kg sử dụng ngòi nổ cận đích. Đầu đạn này cũng sử dụng chất nổ cực mạnh, qua đó tăng cường năng lực phá hủy mục tiêu bay của tên lửa Patriot.

Được đặt trên các bệ phóng di động, tên lửa Patriot có thể khai hỏa trong vòng dưới 10 giây sau khi nhận được tín hiệu dẫn bắn từ radar. Việc có khả năng cơ động cao cũng cho phép Patriot nhanh chóng rời khỏi vị trí bắn để tránh bị đối phương phản pháo. Bên cạnh đó, với thiết kế dạng module, cả tổ hợp Patriot có thể được triển khai chỉ trong vòng 1 giờ đồng hồ.

Vào cuối tháng 12/2022, Nhà Trắng xác nhận Mỹ sẽ cung cấp những tổ hợp phòng không Patriot cho quân đội Ukraine sau nhiều lần được các quan chức cấp cao của Kiev yêu cầu.

Theo Guardian