Ukraine tiết lộ phương án bảo vệ tiêm kích F-16 trước Nga
(Dân trí) - Quan chức Ukraine nói rằng họ đã chuẩn bị các biện pháp nhằm bảo vệ các tiêm kích F-16 mà Kiev sắp nhận được từ NATO.
Người phát ngôn Lực lượng Không quân Krainian Illia Yevlash tuyên bố rằng Kiev đang chuẩn bị một loạt biện pháp để bảo vệ máy bay chiến đấu F-16 khi chúng được các nước NATO chuyển cho phía Kiev.
Nga nhiều lần tuyên bố sẽ phá hủy các máy bay chiến đấu này. Ông Yevlash cho hay, sau khi Ukraine nhận được các tiêm kích phương Tây, Kiev sẽ tiến hành nhiều phương pháp để bảo vệ F-16 đậu tại các căn cứ không quân trước nguy cơ bị Nga tấn công.
"Chúng tôi đang nỗ lực chuẩn bị nơi trú ẩn an toàn cho các máy bay F-16 ở Ukraine, cho phép chúng thực hiện các nhiệm vụ một cách hiệu quả và bảo vệ không phận của chúng tôi", ông nói.
Người phát ngôn của Không quân Ukraine lưu ý rằng điều này đòi hỏi Kiev phải chi tiêu đáng kể, đặc biệt là xây dựng các hầm trú ẩn dưới lòng đất và boong-ke cho máy bay.
Ông nói: "Để làm được điều này, cần phải chuẩn bị hợp lý địa điểm triển khai các máy bay. Việc này đòi hỏi chi phí lớn, bao gồm cả boong-ke và hầm trú ẩn dưới lòng đất. Do đó, Ukraine đang tìm phương thức xác định chính xác cách các hệ thống này có thể được bố trí".
Ông Yevlash cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc bố trí các máy bay sao cho lực lượng Nga khó phát hiện hơn. Cần lưu ý rằng kế hoạch này bao gồm việc phân tán máy bay trên nhiều khu vực khác nhau để gây nhầm lẫn cho đối thủ. Các phương pháp khác nhau sẽ được sử dụng để đạt được mục tiêu này.
Trong khi Ukraine đang chờ đợi được chuyển giao các máy bay F-16 từ các đồng minh phương Tây, các chuyên gia cảnh báo rằng nước này có thể phải đối mặt với những thách thức khi vận hành loại máy bay đòi hỏi quá trình bảo trì phức tạp, có thể gây ra gánh nặng về mặt hậu cần.
Tom Richter, cựu phi công Thủy quân lục chiến Mỹ, nói với Politico rằng F-16 là "một con quái thú nhạy cảm" so với các máy bay thời Liên Xô mà Ukraine quen sử dụng.
Hồi tháng 2, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg, còn nhiều vấn đề cần giải quyết liên quan tới quá trình bảo trì, nhân lực vận hành và hệ thống hỗ trợ phải sẵn sàng trước khi F-16 được chuyển giao.
Năm ngoái, ông Viktor Bondarev, Chủ tịch Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Hội đồng Liên bang Nga, cho rằng cơ sở hạ tầng của Ukraine "không hoàn toàn phù hợp" để vận hành F-16, vì một số lượng lớn các sân bay, nơi các máy bay chiến đấu này có thể cất cánh, đã ngừng hoạt động.
Theo chuyên gia quân sự Nga Viktor Litovkin, một vấn đề với F-16 mà Ukraine đang đối mặt chính là Kiev thiếu đi các cơ sở hạ tầng phù hợp để vận hành các tiêm kích này trong hoạt động chiến đấu.
F-16 là loại máy bay chiến đấu phản lực đa năng đã tham gia hàng chục cuộc chiến và được hơn 20 quốc gia sử dụng. Đối với Ukraine, quốc gia đang sử dụng MiG-29 thời Liên Xô, F-16 là một tiêm kích hơn hẳn về nhiều mặt, theo một phi công của Ukraine đã lái thử chiếc máy bay.
Từ năm ngoái, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov tuyên bố việc gửi F-16 tới Ukraine sẽ là "sự leo thang không thể chấp nhận được" và cảnh báo phương Tây không nên "đùa với lửa".