1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Ukraine tiết lộ "chim sắt" nguy hiểm nhất của Nga trong không chiến

Đức Hoàng

(Dân trí) - Phi công Ukraine nói về tiêm kích Nga gây ra mối đe dọa lớn nhất cho các máy bay của Kiev trong hơn 14 tháng diễn ra chiến sự.

Ukraine tiết lộ chim sắt nguy hiểm nhất của Nga trong không chiến - 1

Một tiêm kích Su-35 Nga phóng tên lửa không đối không (Ảnh: Twitter).

BBC dẫn lời các phi công Ukraine cho biết, Su-35 được xem là máy bay chiến đấu nguy hiểm nhất của Nga. Theo đó, khi gặp tiêm kích này, các phi công của Kiev sẽ buộc phải cơ động và bay ở tầm rất thấp để tránh bị tên lửa không đối không của Su-35 bắn trúng.

Một số phi công thừa nhận, khi Nga bắn ra các tên lửa nói trên, họ sẽ buộc phải từ bỏ nhiệm vụ đang tiến hành và tìm mọi cách để không bị trúng tên lửa.

Phi công biệt danh "Silk" điều khiển tiêm kích MiG-29 cho hay, nếu chạm mặt Su-35, anh sẽ phải hạ máy bay xuống thấp tới mức có thể nhìn thấy ngọn cây.

"Bay sát mặt đất là nhiệm vụ rất khó khăn. Bạn phải rất tập trung vì ở tầm thấp như vậy, bạn sẽ không có thời gian hay không gian để thoát ra ngoài an toàn khi cần", Silk nói.

Khi tác chiến, Ukraine cử hai máy bay chiến đấu thực hiện một nhiệm vụ, trong đó một chiếc chịu trách nhiệm tấn công mục tiêu mặt đất trong khi chiếc còn lại - giống MiG-29 do Silk điều khiển - che chắn đồng đội khỏi nguy cơ bị tên lửa không đối không đối phương tấn công. Tuy nhiên, sự xuất hiện của Su-35 đã gây ra thách thức cho phi công Ukraine vì tiêm kích Nga luôn trong tình trạng tuần tra trên không.

Một phi công MiG-29 khác cũng thừa nhận với BBC rằng, tiêm kích nguy hiểm nhất của Nga là Su-35.

"Chúng tôi biết các vị trí của lực lượng phòng không Nga và chúng tôi biết phạm vi của chúng. Vì vậy, chúng tôi có thể tính toán thời gian chúng tôi có thể ở bên trong không phận họ kiểm soát. Nhưng với máy bay chiến đấu của Nga, chúng có khả năng di động. Nga có khả năng bao quát chiến trường tốt và biết khi nào chúng tôi bay ra tiền tuyến", phi công trên nói.

Lực lượng tuần tra trên không của Nga có thể xác định được vị trí cất cánh của một máy bay phản lực thậm chí ở rất xa trong lãnh thổ Ukraine. Tên lửa R-37M của Nga có tầm bắn 150-200km, nhưng tên lửa của Ukraine chỉ có thể bay xa tới 50km trước khi bắn trúng mục tiêu trên không. Điều này có nghĩa là máy bay Nga có thể phát hiện máy bay Ukraine và bắn hạ chúng trước khi chúng gây ra bất kỳ mối đe dọa nào.

Su-35 duy trì độ cao và sử dụng radar N135 Irbis-E để kiểm soát chặt chẽ khu vực không phận tranh chấp. Tiêm kích này có khả năng phối hợp hoạt động tác chiến của các máy bay khác trên không, nghĩa là nó có thể thực hiện các chức năng của một máy bay kiểm soát và cảnh báo sớm trên không (AWACS).

Ở chế độ theo dõi bình thường, trong khi quét, radar Irbis-3 có thể quét 120 độ ở hai bên và phát hiện các mục tiêu kích cỡ 3m2 trong phạm vi 200km. Nhờ vậy, Su-35 có khả năng nhìn bao quát từ trên cao, khóa mục tiêu Ukraine từ khoảng cách hàng trăm km, sau đó phóng tên lửa không đối không xuống để tấn công vào máy bay Ukraine.

Theo Eurasian Times