1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Ukraine thừa nhận ngày càng lo ngại về sức mạnh bom dẫn đường của Nga

Thanh Thành

(Dân trí) - Ukraine đang nỗ lực thuyết phục Mỹ và các nước phương Tây cung cấp thêm vũ khí, gồm cả tiêm kích F-16, với lý do họ không có biện pháp đối phó các loại bom dẫn đường mà Nga đang triển khai.

Ukraine thừa nhận ngày càng lo ngại về sức mạnh bom dẫn đường của Nga - 1

Bom FAB-500 trang bị cánh dẫn đường được treo trên giá một chiếc Su-34 của Nga (Ảnh: The Drive).

Ngoài các cuộc tấn công tên lửa liên tiếp như trong vài ngày qua, việc Nga sử dụng bom dẫn đường đang trở thành một thách thức ngày càng tăng đối với Kiev, người phát ngôn Lực lượng Không quân Ukraine tuyên bố hôm 2/5.

Bom dẫn đường thường ít tốn kém hơn và sản xuất đơn giản hơn so với tên lửa có động cơ. Vì vậy, việc sử dụng bom dẫn đường sẽ cho phép các máy bay phản lực chiến thuật của Nga thả vũ khí bên ngoài trọng tâm ô phòng không của đối phương, thực hiện các cuộc tấn công xuyên biên giới mà không đối mặt nguy cơ bị mất máy bay.

"Mỗi ngày có khoảng 20 quả bom dẫn đường được ném xuống các khu vực tiền tuyến. Chúng bay xa khoảng 70km và đủ sức nhắm vào cơ sở hạ tầng quan trọng", phát ngôn viên không quân Ukraine, đại tá Yuri Ignat, nói hôm 2/5. "Chúng tôi không thể đối phó loại vũ khí này, mạng lưới phòng không Ukraine không thể đánh chặn các quả bom".

Đại tá Ignat cho rằng, biện pháp đối phó tốt nhất với bom dẫn đường là bắn hạ tiêm kích mang chúng. Nhưng để làm được điều đó, ông Ignat cho biết, Ukraine cần các hệ thống phòng không có năng lực hơn so với dàn hệ thống có từ thời Liên Xô như S-300 mà nước này hiện đang sở hữu.

"Tin tốt là chúng tôi đã có một số khí tài phương Tây cho phép nhắm mục tiêu vào máy bay đối phương từ khoảng cách 150 km", ông Ignat nói khi đề cập tới hai hệ thống Patriot được Mỹ, Đức và Hà Lan viện trợ đã đến Ukraine vào tháng trước.

Trong những tình huống thích hợp, bao gồm cả việc sử dụng "các cảm biến trên nhiều miền", hệ thống Patriot có thể tấn công máy bay cánh cố định từ khoảng cách đó, ông David Shank, cựu đại tá vốn là chỉ huy của Trường Pháo binh Phòng không Lục quân tại Fort Sill, Oklahoma nói.

Ông này cũng cho rằng, radar của Patriot giúp nó trở thành một hệ thống chống lại những máy bay như vậy tốt hơn nhiều so với hệ thống S-300. Với nhiều tên lửa Patriot hơn, Ukraine có thể ngăn máy bay Nga tiếp cận biên giới hoặc bắn hạ chúng.

Tuy nhiên, ông Ignat thừa nhận, điều không may là Ukraine mới chỉ có hai tiểu đoàn và vẫn đang chờ đợi quyết định về tiêm kích F-16.

Bom dẫn đường của Nga đang trở thành vấn đề nghiêm trọng đến mức Phó Thị trưởng thành phố Orihiv tại khu vực do Ukraine kiểm soát ở tỉnh Zaporizhzhia, bà Svitlana Mandrych bày tỏ những lo ngại lớn về sức mạnh tấn công. 

"Chúng có sức hủy diệt rất lớn, khiến 80% nhà ở và công trình tư nhân bị hư hại", bà nói và cho biết mối đe dọa lớn nhất vào lúc này là bom dẫn đường mà quân đội Nga sử dụng hàng ngày trên lãnh thổ chưa có người ở trên tiền tuyến của tỉnh Zaporizhzhia.

"Lực lượng Nga thường xuyên triển khai các loại bom khối lượng 500 và 1.500 kg. Đây là những quả bom rất lớn và có lực phá hủy kỷ lục", bà nói.

Cả ông Ignat và bà Mandrych đều không nói rõ loại bom dẫn đường đang được Nga sử dụng.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, đó có thể là bom dẫn đường thông minh Grom. Nó có hai phiên bản như Grom-E1 và Grom-E2 và được thiết kế để phù hợp trang bị trên nhiều loại máy bay quân sự.

Ukraine thừa nhận ngày càng lo ngại về sức mạnh bom dẫn đường của Nga - 2

Hố bom lớn xuất hiện cạnh một tòa nhà bị phá hủy ở Ukraine (Ảnh: EPA).

Trong đó, Grom-E1 được trang bị đầu đạn phân mảnh có sức nổ mạnh chỉ nặng khoảng 310kg, được kết hợp với ngòi nổ tác động. Grom-E2 với định danh 9-A2-7759 của Nga được chế tạo dựa trên thân bom KAB-500OD.

Nhiều bằng chứng cũng cho thấy Nga bắt đầu sử dụng bom thông thường gắn module dẫn đường và Cánh nâng Hợp nhất (UMPK) từ đầu năm nay, gây ra mối đe dọa lớn với các đơn vị Ukraine. UMPK gồm thiết bị định vị vệ tinh GLONASS và hệ thống điều khiển để tăng đáng kể độ chính xác và còn có cánh nâng cho phép bom bay xa hơn nguyên bản. 

Ưu thế không quân cho phép máy bay Nga thả bom dẫn đường gắn bộ UMPK từ độ cao lớn, giúp bom đạt tầm bay tối đa và phi cơ nằm ngoài tầm bắn của phần lớn hệ thống phòng không Ukraine.

Vì vậy, mặc dù cả ông Ignat và bà Mandrych đều không nêu rõ loại bom dẫn đường mà Nga đang sử dụng, nhưng nếu tuyên bố của họ thực sự chính xác thì có vẻ như Moscow đã đạt được một mức độ nào đó về khả năng ném bom dẫn đường ở quy mô lớn.

Theo The Drive